Chuyến 'công tác' đặc biệt đối mặt kẻ thù vô hình của nữ bác sĩ

'Mẹ lại đi ạ? Hôm nào mẹ về với chị em con'? - Những câu hỏi như thế lặp đi lặp lại nhiều lần trong nhiều năm qua nhưng lần nào cũng khiến người mẹ thấy nhói trong tim. Những chuyến 'công tác' đột xuất, không hẹn chính xác ngày về của mẹ đã trở nên quen thuộc với 2 con nhỏ của Th.s, bác sĩ Trần Hải Ninh, Trưởng khoa Nội Tổng hợp (Bệnh viện bệnh Nhiệt đới T.Ư)…

Bác sĩ Ninh (giữa) hướng dẫn người về từ Vũ Hán làm thủ tục y tế. Ảnh: Thái Hà

Bác sĩ Ninh (giữa) hướng dẫn người về từ Vũ Hán làm thủ tục y tế. Ảnh: Thái Hà

Lần này thì khác, nơi tiếp nhận chuyến “công tác” của bác sĩ Ninh cách nhà không xa, nhưng là nơi không ai muốn phải đến. Và đến rồi thì không phải dễ dàng để hẹn ngày về. Đó là những phòng cách ly đặc biệt điều trị cho ca nghi nhiễm. Ở đó có thời điểm lên đến gần 100 người phải cách ly vì đến từ vùng dịch Covid-19.

Đối mặt với kẻ thù vô hình

Một ca làm việc trong thời dịch Covid-19 có 1 bác sĩ và 2 điều dưỡng, kéo dài 4 tiếng nhưng không dễ dàng gì với họ. Khoác lên mình bộ quần áo phòng hộ chuyên dụng vừa nặng vừa khó dịch chuyển, khẩu trang N95 che kín nửa khuôn mặt cùng chiếc kính phòng hộ to bản úp lấy nửa khuôn mặt còn lại khiến mọi hoạt động của các nhân viên y tế khó khăn và thiếu linh hoạt so với bình thường. Đó cũng là khoảng thời gian họ trực tiếp chăm sóc, điều trị cho các bệnh nhân nghi nhiễm với Covid-19.

Tôi theo nữ điều dưỡng trong một buổi thăm khám bệnh nhân cũng không ít lần thót tim khi cô lấy mẫu bệnh phẩm từ họng của bệnh nhân để xét nghiệm. Qua lớp cửa kính của phòng áp lực âm, tôi thấy điều dưỡng khẽ khàng đưa que tăm bông vào họng bệnh nhân để thao tác lấy mẫu xét nghiệm, bất ngờ vì bị kích thích họng, nữ bệnh nhân bật ho một cơn dài. Điều dưỡng rất chuẩn xác thực hiện nốt công đoạn lấy mẫu rồi nhanh chóng khử trùng những dịch tiết chứa virus mà bệnh nhân vừa bắn ra.

Ra khỏi phòng bệnh, thấy tôi lo lắng, Ninh khẽ bảo: “Nguy hiểm nhất là công đoạn chị vừa chứng kiến đấy. Nhân viên y tế dù đã được bảo hộ kỹ nhưng vẫn không thể đảm bảo 100% mình sẽ an toàn khi lượng virus của bệnh nhân bắn ra lúc ấy không hề nhỏ. Nó tồn tại xung quanh mà mình không nhìn thấy để tránh được. Giống như ra chiến trường chiến đấu còn nhìn thấy kẻ thù, nghe được tiếng súng chứ virus thì không nhìn thấy được, nó vô hình và vô cùng nguy hiểm”.

Kết thúc ca trực, bác sĩ Ninh trút bỏ bộ đồ bảo hộ theo đúng quy định một cách cẩn trọng, bởi chỉ sai sót nhỏ cũng khiến virus bám trên bề mặt quần áo dính vào cơ thể. Tôi thấy trên lưng áo blouse và trên trán Ninh đẫm mồ hôi. “Mặc trang phục phòng hộ trong khu vực cách ly 4 tiếng, không ăn uống không đi vệ sinh, không nghe điện thoại, rất nóng, toát mồ hôi người ướt nhưng không thể làm gì được vì đã mặc rồi không thể thay ra khi chưa hết ca làm việc. Trang phục này không có nhiều nên bọn em phải tiết kiệm tối đa”, như thể hiểu được băn khoăn của tôi, Ninh giải thích rất cặn kẽ.

Bác sĩ Ninh trong ngày tiễn những người về từ Vũ Hán xuất viện sau cách ly

Ths. Trần Hải Ninh cũng là một trong những bác sĩ chăm sóc, điều trị cho 30 công dân Việt từ Vũ Hán trở về Việt Nam. Với Ninh, đây là khoảng thời gian khá căng thẳng với cả chính các bác sĩ: “Những người cách ly, họ còn căng thẳng hơn khi vừa trở về từ vùng dịch.

Ngay từ khi ở Vũ Hán, họ đã rất lo lắng, sau đó, khi được đưa về Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư, ai cũng buồn vì về đến Việt Nam mà không được gặp gia đình, gặp người thân. Nhiều trường hợp đã khóc nhiều trong quá trình thăm khám vì nhớ nhà. Các buổi đi khám của bác sĩ chủ yếu chuyển sang điều trị tâm lý, để động viên họ, bởi nếu họ không hợp tác thì rất khó cho quá trình cách ly. Rất may, trong toàn bộ thời gian này, tất cả đều rất hợp tác với bệnh viện”.

Nguy hiểm rình rập

Liên tiếp thông tin hàng trăm nhân viên y tế tại Trung Quốc nhiễm bệnh Covid - khiến các bác sĩ, điều dưỡng của bệnh viện bất an. Đây là chủng virus rất mới, Ninh và đồng nghiệp không hiểu rõ về cấu trúc, cơ chế bệnh sinh, đường lây truyền của nó. Họ chủ yếu dựa vào những chủng cũ như SARS cũng từ corona hoặc từ chủng corona cũ để có thể suy luận bệnh này cũng có đường lây truyền và cơ chế bệnh sinh tương tự. Tuy nhiên để khẳng định chủng mới giống chủng cũ thì không ai dám chắc.

“Khi nghe tin nhân viên y tế Trung Quốc nhiễm bệnh, mọi người làm trực tiếp đều rất bất an. Những người làm trong bệnh viện lâu 15-20 năm như em hoặc lâu hơn nữa như bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu thực sự vẫn có lo ngại dù đã có kinh nghiệm qua nhiều vụ dịch. Nhưng lúc ấy căng thẳng nhất vẫn là các bạn nhân viên trẻ, kinh nghiệm và kỹ năng của các bạn ấy chưa thể tốt như những người đã trải qua nhiều vụ dịch và nhiều cuộc tập huấn”, bác sĩ Ninh chia sẻ.

Là lãnh đạo của khoa có 11 bác sĩ, điều dưỡng, bác sĩ Ninh luôn lo lắng không biết liệu mình đã trang bị đủ kiến thức và kỹ năng phòng bệnh cho những đồng nghiệp trẻ chưa. Với những gì mình đã dạy không biết các bạn đã biết tự bảo vệ chưa. Có những hôm bệnh nhân có biểu hiện nặng hơn như rất đau ngực mặc dù không phải kíp trực nhưng vẫn phải mời thêm bác sĩ khác vào để hội chẩn xem bệnh nhân có bị vấn đề gì về tim mạch không hay do ho nhiều mà đau ngực hay có tổn thương phổi mà bệnh nhân đau tăng hơn không. Những khoảng thời gian đó cũng trở thành bài học kinh nghiệm cho Ninh và các đồng nghiệp trẻ trong cuộc chiến chống lại virus bí ẩn này.

Vuốt những giọt mồ hôi còn vương bên thái dương, Ninh bảo: “Trước tết những người nhiều kinh nghiệm như em đã phải tập huấn cho bác sĩ trẻ, nói chuyện động viên nhau. Mọi người ở lại bệnh viện không phải vì cấp trên yêu cầu mà vì sợ nhất về lây cho gia đình và cộng đồng dù đã được bảo hộ và có kinh nghiệm nhưng dịch bệnh vẫn không thể khẳng định được là an toàn tuyệt đối. Không chỉ áp lực từ công việc, bản thân các nhân viên y tế còn chịu áp lực từ gia đình và người quen vì sợ mình lây bệnh”.

Đợt dịch này anh Lê Tuấn Anh, chồng bác sĩ Ninh cũng liên tục đi các bệnh viện, đi gặp người dân, về Vĩnh Phúc gặp người có nguy cơ và bệnh nhân để lấy số liệu, thông tin nghiên cứu. Anh hiện làm tại Trung tâm đào tạo nghiên cứu khoa học của Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư đang cùng đồng nghiệp triển khai đề tài cấp nhà nước về dịch bệnh Covid-19. Hai con nhỏ nhờ cậy ông bà ngoại chăm sóc.

Nói về đồng nghiệp, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp thừa nhận: “Ninh là người thẳng thắn, trách nhiệm nhưng cũng khéo léo nên phối hợp tốt với đồng nghiệp trong công tác. Là một phụ nữ không phải lúc nào sức khỏe cũng tốt như nhiều đồng nghiệp nam khác, nhưng không hề thoái thác, né tránh công việc chống dịch đầy vất vả và hiểm nguy này”.

Ninh không nhớ chính xác chuyến “công tác” này kéo dài bao lâu vì ngày nào cô cũng quay cuồng với công việc. Không chỉ chăm sóc, điều trị bệnh nhân mà còn xây dựng kịch bản chi tiết để ứng phó với các tình huống có thể xảy ra. Hỏi cô có nhớ các con không, Ninh cười bảo: “Không có thời gian mà nhớ vì bận tối mắt tối mũi”. Nghe vậy, tôi hiểu cô đã gạt sang một bên niềm riêng để chiến đấu với kẻ thù giấu mặt, để ngày kết thúc chuyến công tác đặc biệt đến gần hơn…

Đợt dịch này anh Lê Tuấn Anh, chồng bác sĩ Ninh cũng liên tục đi các bệnh viện, đi gặp người dân, về Vĩnh Phúc gặp người có nguy cơ và bệnh nhân để lấy số liệu, thông tin nghiên cứu. Anh hiện làm tại Trung tâm đào tạo nghiên cứu khoa học của Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư đang cùng đồng nghiệp triển khai đề tài cấp nhà nước về dịch bệnh Covid-19. Hai con nhỏ nhờ cậy ông bà ngoại chăm sóc.

Thái Hà

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/chuyen-cong-tac-dac-biet-doi-mat-ke-thu-vo-hinh-cua-nu-bac-si-1611742.tpo