Chuyến công tác của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ 'tiếp sức' giao thương Việt Nam – Nigeria 'cất cánh'

Xuyên suốt chuyến thăm 3 ngày tại Nigeria của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và đoàn công tác là các hoạt động gặp gỡ, làm việc với các lãnh đạo cấp cao, hiệp hội, doanh nghiệp… nhằm tạo ra bước phát triển mới cho quan hệ ngoại giao, kinh tế giữa hai nước, đồng thời thúc đẩy giao thương hai chiều tăng trưởng không ngừng trong thời gian tới.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ bày tỏ Việt Nam luôn coi trọng quan hệ bạn bè truyền thống với các nước châu Phi nói chung và Nigeria nói riêng - Ảnh: VGP/Thành Chung

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ bày tỏ Việt Nam luôn coi trọng quan hệ bạn bè truyền thống với các nước châu Phi nói chung và Nigeria nói riêng - Ảnh: VGP/Thành Chung

Phó Thủ tướng "đặt vấn đề" nới lỏng kiểm soát gạo, cafe

43 năm kể từ khi Việt Nam và Nigeria thiết lập quan hệ ngoại giao (1976), đây là lần đầu tiên Việt Nam có đoàn cấp cao nhất của Đảng, Nhà nước sang thăm và làm việc tại Nigeria – quốc gia có dân số đông nhất châu Phi và đứng thứ 7 thế giới với 200 triệu dân.

Ngày 29/10 (giờ Việt Nam), ngay sau khi đặt chân tới Thủ đô Abuja (Nigeria), đoàn công tác của Chính phủ do Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ dẫn đầu đã có hoạt động đầu tiên, đó là tiếp Hiệp hội Doanh nghiệp Nigeria-Việt Nam.

Trong buổi làm việc ý nghĩa này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã đề nghị Hiệp hội Doanh nghiệp Nigeria-Việt Nam phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thúc đẩy thương mại với Nigeria nói riêng và khu vực Tây Phi nói chung; giúp quảng bá hình ảnh của Việt Nam tới cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân Nigeria; phối hợp tổ chức các diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam-Nigeria và khu vực Tây Phi.

Đi vào các lĩnh vực cụ thể để thúc đẩy thương mại giữa hai nước, Phó Thủ tướng đề nghị Hiệp hội và các doanh nghiệp Việt Nam trước hết tập trung thúc đẩy hợp tác thương mại ngành hàng hạt điều đều là thế mạnh riêng của mỗi nước.

Ngoài ra, với một số nông sản chủ lực như lúa gạo, cà phê mà Việt Nam muốn tăng cường xuất khẩu sang Nigeria và bảo đảm cân bằng thương mại giữa hai nước, Phó Thủ tướng đề nghị Hiệp hội tác động với phía Chính phủ để nới lỏng kiểm soát mặt hàng này (thuế suất nhập khẩu đang là 60%) khi nhu cầu của Nigeria là rất lớn.

Không chỉ về thương mại, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng những mặt hàng nông sản thế mạnh của Việt Nam có thể tạo ra chuỗi giá trị quan trọng khi các doanh nghiệp Nigeria hợp tác với Việt Nam dưới sự điều phối của hai Chính phủ.

Để hỗ trợ cho tăng trưởng thương mại, hợp tác đầu tư giữa hai quốc gia, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ còn cho biết "không loại trừ phương án Việt Nam sẽ mở đường bay thẳng sang Nigeria trong thời gian tới".

Hay tại buổi làm việc với ông Adams Oshiomhole, Chủ tịch Đảng Đại hội những người tiến bộ (APC)- đảng cầm quyền tại quốc gia có vai trò quan trọng tại Châu Phi và khu vực Tây Phi, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, với các thế mạnh riêng có, Việt Nam mong muốn tăng cường hợp tác giao thương với Nigeria trong thời gian tới với các mặt hàng điều, thủy sản, lúa gạo, giầy da, may mặc,... thông qua sự ủng hộ của đảng APC. Bên cạnh lĩnh vực kinh tế, Việt Nam cũng mong muốn giao lưu về văn hóa, thể thao với Nigeria nhằm thắt chặt hơn nữa quan hệ truyền thống giữa hai quốc gia.

"Hai nước cần đi cùng nhau và tiến nhanh hơn"

Đặc biệt, trong chuyến đi này, những thành quả quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam như: tăng trưởng hơn 30 năm qua ở mức 6 - 7%, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát ở mức thấp, an sinh xã hội được bảo đảm, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều ở mức thấp khoảng 5%,... là thông điệp chính được Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ truyền tải tại các cuộc gặp gỡ, làm việc.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và Phó Tổng thống Nigeria Yemi Osinbajo. Ảnh: VGP/Thành Chung.

Một trong những sự kiện nổi bật lần này là Tọa đàm thương mại và đầu tư Việt Nam-Nigeria - sự kiện được Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá là có ý nghĩa lịch sử trong kết nối giao thương, hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước trong thời gian tới.

Trước sự có mặt của Thứ trưởng Bộ Công Thương và Đầu tư Nigeria, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Abuja, các quan chức của Văn phòng Tổng thống và 110 doanh nghiệp của Nigeria… Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh về những thành quả kinh tế vô cùng ý nghĩa của Việt Nam.

Ông cho biết, Việt Nam đang hội nhập kinh tế sâu rộng, với hơn 200 quốc gia trên thế giới, 16 hiệp định tự do thương mại song phương và đa phương, trong đó có nhiều hiệp định tiến bộ như CPTPP, EVFTA. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2019 dự kiến là 530 tỷ USD, trong đó riêng xuất khẩu nông sản là 43 tỷ USD đứng đầu ASEAN và thứ 15 trên thế giới.

Việt Nam cũng đạt nhiều thành công trong thu hút đầu tư nước ngoài (FDI), tổng vốn đăng ký tới nay là 430 tỷ USD với 26.000 dự án từ 130 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị của các tập đoàn hàng đầu thế giới.

Bên cạnh phát triển kinh tế, Việt Nam là một trong những nước đầu tiên hoàn thành Mục tiêu thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc, trong đó là một điển hình trong giảm nghèo từ tỉ lệ 60% dân số nghèo những năm 1980 xuống còn 5% theo tiêu chí giảm nghèo đa chiều của Liên Hợp Quốc. Hiện nay, Việt Nam tiếp tục triển khai tích cực Chiến lược thiên niên kỷ tới năm 2030 của Liên Hợp Quốc.

Ngoài ra, Việt Nam cũng không ngừng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, với phong trào khởi nghiệp dẫn đầu ASEAN. Năm 2019, Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đã xếp hạng năng lực canh trạnh toàn cầu tăng 10 bậc lên vị trí 57/141 quốc gia được xếp hạng.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ bày tỏ Việt Nam luôn coi trọng quan hệ bạn bè truyền thống với các nước châu Phi nói chung và Nigeria nói riêng. Kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai quốc gia tăng trưởng nhanh chóng từ 288 triệu USD năm 2014 lên 460 triệu USD và đang tiếp tục tăng, đưa Nigeria trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam ở châu Phi.

Tuy nhiên, những kết quả trên vẫn còn rất khiêm tốn so với lợi thế và tiềm năng hợp tác giữa hai bên. Phó Thủ tướng khẳng định hai bên có thể hợp tác sâu rộng hơn trong lĩnh vực nông nghiệp để tạo ra các chuỗi giá trị đối với các ngành hàng hạt điều, bông, trái cây, tôm, cá ba sa và cá tra. Ngoài ra, còn có hợp tác trong các lĩnh vực viễn thông, năng lượng, dầu khí, điện, xây dựng và cả du lịch.

"Chúng ta đã có mối quan hệ ngoại giao từ lâu nhưng chưa phát huy hết lợi thế này. Hai nước cần đi cùng nhau và tiến nhanh hơn trong hợp tác nhiều mặt để bù đắp lại những chậm trễ trong thời gian qua", Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ gửi gắm thông điệp tới các doanh nghiệp Nigeria.

Tại cuộc tiếp xúc với Phó Tổng thống Yemi Osinbajo, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ bày tỏ, về chính trị, ngoại giao, hai nhà lãnh đạo nhất trí tăng cường các hoạt động trao đổi đoàn các cấp, kể cả cấp cao trên tất cả các kênh để tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau. Lãnh đạo Nigeria hoan nghênh và sẵn sàng ủng hộ Việt Nam mở rộng quan hệ với các quốc gia thành viên ECOWAS và Liên minh châu Phi (AU), đồng thời đề xuất Việt Nam đóng vai trò cầu nối để Nigeria mở rộng hợp tác với các nước ASEAN.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tham dự Tọa đàm thương mại và đầu tư Việt Nam-Nigeria.

Về thương mại, đầu tư, hai bên đã trao đổi các biện pháp thực chất nhằm thúc đẩy hoạt động thương mại trong thời gian tới. Theo đó, hai bên nhất trí cần thiết lập khuôn khổ pháp lý thuận lợi cho hoạt động hợp tác, chú trọng vai trò của Ủy ban Thương mại cũng như đẩy mạnh các cơ chế hiện có; tăng cường trao đổi các đoàn doanh nghiệp sang thăm lẫn nhau để trao đổi thông tin về thị trường, chính sách thương mại, quy định xuất nhập khẩu của mỗi nước.

Phó Thủ tướng cho biết, với các thế mạnh riêng có, Việt Nam mong muốn gia tăng kim ngạch thương mại với Nigeria thông qua trao đổi các mặt hàng như điều, thủy sản, lúa gạo, giày da, may mặc,... và mong nhận được sự ủng hộ của Chính phủ Nigeria.

Trước khi kết thúc chuyến thăm làm việc tại Nigeria để tiếp tục chuyến công tác tại các quốc gia châu Phi, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ làm việc với Phó Chủ tịch Hạ viện Nigeria Hon Ahmed Wase, Chủ tịch Ủy ban ECOWAS - ông Jean- Claude Kassi Brou. Trong các buổi làm việc này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ một lần nữa khẳng định quan hệ với Nigeria nói riêng và với các nước bạn bè châu Phi nói chung là một bộ phận quan trọng trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Ông nhấn mạnh, Việt Nam luôn coi trọng hợp tác nhiều mặt với các nước bạn bè truyền thống châu Phi, mong muốn các nước đang phát triển như các quốc gia Tây Phi và Việt Nam tăng cường hợp tác và trao đổi, ủng hộ lẫn nhau để nâng cao tiếng nói, vai trò ảnh hưởng tại các cơ chế đa phương như LHQ, Phong trào Không liên kết và khuôn khổ Nam-Nam.

Nigeria là quốc gia có dân số đông nhất châu Phi và đứng thứ 7 thế giới với 200 triệu dân. Với tốc độ tăng trưởng dân số đô thị trung bình hàng năm khoảng 6,5%, Nigeria được dự đoán đứng thứ ba thế giới về dân số vào năm 2050.

Quốc gia này là một trong những nền kinh tế hàng đầu của châu Phi và lớn nhất khu vực châu Phi Nam sa mạc Sahara với tổng sản phẩm nội địa theo sức mua đạt hơn 1,1 nghìn tỷ USD. Nigeria đang khẳng định vai trò và đóng góp tích cực tại các diễn đàn quốc tế, đặc biệt là diễn đàn Liên Hợp Quốc, Liên minh châu Phi (AU), Cộng đồng Kinh tế các nước Tây Phi (ECOWAS), Phong trào Không liên kết và hợp tác Nam – Nam.

Tăng trưởng của Nigeria chủ yếu đến từ nông nghiệp và dịch vụ. 70% dân số Nigeria sống bằng nghề nông và lĩnh vực này đóng góp khoảng 24% GDP.

Hà Giang

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/chuyen-cong-tac-cua-pho-thu-tuong-vuong-dinh-hue-tiep-suc-giao-thuong-viet-nam-nigeria-cat-canh-20191031113943671.htm