Chuyến công du của nhà lãnh đạo Cuba: 'Dệt tương lai bằng những sợi dây truyền thống'

Chuyến thăm chính thức của Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng Cuba Miguel Díaz-Canel Bermúdez tới Nga, Triều Tiên, Trung Quốc, Việt Nam và Lào, chưa kể 2 chặng dừng chân không chính thức tại Pháp và Anh, là chuyến công tác nước ngoài thứ 4 của ông kể từ khi được bầu vào cương vị đứng đầu Nhà nước Cuba hồi tháng Tư vừa qua.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng Cuba Miguel Diaz Canel gặp gỡ báo chí, ngày 9/11/2018. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN

Tuy nhiên, đây là chuyến công du dài ngày nhất (diễn ra suốt nửa đầu tháng 11), chuyến đi đầu tiên ra ngoài châu Mỹ và là chuyến đi nhiều điểm dừng chân đầu tiên mang đậm nét quan hệ song phương, do đó được hiểu như chuyến đi mang tính định hình, mà trong trường hợp này đúng hơn là tái khẳng định lập trường, chính sách quan hệ đối ngoại của chính phủ nhiệm kỳ mới của Cuba.

Trong những năm qua, dù đã mở rộng quan hệ với thêm nhiều đối tác, nhưng Cuba vẫn kiên định đường lối ngoại giao độc lập, tự chủ, bình đẳng, không can thiệp công việc nội bộ, và vẫn luôn trân trọng những quan hệ hữu nghị truyền thống. Điều đó đã tạo ra hình ảnh một người bạn kiên cường, thủy chung, son sắt, đáng tin cậy. Ngay trước chuyến công du này, việc Đại hội đồng Liên hợp quốc lần thứ 27 thông qua nghị quyết kêu gọi Mỹ chấm dứt lệnh cấm vận nhiều thập niên qua đối với Cuba, với tỷ lệ đồng thuận áp đảo, 189 trên 193 phiếu thuận, cũng phần nào cho sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với La Habana.

Trong cả 5 chặng dừng chân chính thức, Chủ tịch Miguel Díaz-Canel và phái đoàn Cuba luôn được tiếp đón với cả sự trọng thị lẫn tình cảm và sự nồng hậu của các nước chủ nhà, đó chính là hình ảnh biểu tượng cho một Cuba trong vòng tay hữu nghị, thân ái của bè bạn.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng Cuba Miguel Diaz-Canel trong cuộc gặp tại Moskva ngày 2/11/2018. Ảnh: AFP/TTXVN

Tại Nga, Tổng thống Vladimir Putin gọi Cuba là “đối tác chiến lược”, là “đồng minh” với mối quan hệ trước sau như một “không phụ thuộc vào hoàn cảnh”, trong khi Chủ tịch Hội đồng liên bang Valentina Matvienko thì nhấn mạnh Cuba là “đối tác tin cậy và chủ chốt ở khu vực Caribe”. Tuyên bố chung của 2 bên nhân chuyến thăm này cũng một lần nữa khẳng định những quan điểm chung về nhiều vấn đề toàn cầu.

Tại Triều Tiên, Chủ tịch Cuba đã được tiếp đón bằng cuộc diễu hành trọng thể và buổi trình diễn nghệ thuật tập thể lớn nhất thế giới Arirang danh tiếng, còn nhà lãnh đạo Kim Jong-un đánh giá quan hệ song phương là tình hữu nghị truyền thống bền vững, tin cậy, bạn bè và đoàn kết. Báo chí Triều Tiên hoan nghênh “chuyến thăm vượt núi, vượt sông, mang theo tình bạn bè của nhân dân Cuba anh em”.

Tại Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình ca ngợi Cuba là một đất nước “vĩ đại và phi thường, vượt qua những trở ngại để đi theo con đường đã chọn”, đồng thời nêu rõ “Trung Quốc kiên quyết ủng hộ Cuba trong việc bảo vệ chủ quyền quốc gia và đi theo con đường xã hội chủ nghĩa phù hợp với điều kiện của đất nước”.

Tại Lào, quốc gia lần đầu tiên đón tiếp một Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng Cuba, cũng không thiếu vắng những kỷ niệm anh em truyền thống giữa 2 nước được ôn lại và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Bounnhang Vorachith đã thân ái gọi Cuba là “một người bạn ở vùng biển khác”.

Còn trên đất nước Việt Nam anh em, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh cho Chủ tịch Miguel Díaz-Canel, đồng thời tái khẳng định: “Ngày nay, quan hệ Việt Nam - Cuba như vàng đã qua thử lửa, càng bền chặt hơn”. Trong các cuộc gặp của Chủ tịch Cuba với các nhà lãnh đạo Việt Nam, với những “người Việt mang trái tim Cuba” trong Hội Hữu nghị Việt Nam – Cuba, hay khi ông quấn khăn rằn đội mũ tai bèo thăm địa đạo Củ Chi, ở đâu cũng có những lời khẳng định niềm tin vào tính trường tồn và tương lai phát triển của mối quan hệ đặc biệt Việt Nam – Cuba.

Việc tiếp nối các mối quan hệ truyền thống tốt đẹp đối với Cuba ngày nay không chỉ là trân trọng những gì đã có trong quá khứ, mà còn là trên cơ sở đó phát triển các mối quan hệ này lên tầm cao mới. Chính vì vậy, bên cạnh mục đích chính trị chiến lược, chuyến công du lần này của Chủ tịch Miguel Díaz-Canel còn có một trọng tâm rõ ràng là thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế - thương mại, nhằm tạo thêm trợ lực từ những đối tác tin cậy nhất cho công cuộc chuyển mình về kinh tế - xã hội hiện đang trong giai đoạn hiến định hóa này.

Chính phủ Nga đã bày tỏ sẵn sàng tham gia xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông của Cuba, đặc biệt là mạng lưới đường sắt. Đồng thời, Moskva và La Habana cũng thỏa thuận một số hướng hợp tác mới trong tương lai để thắt chặt quan hệ kinh tế và nâng giá trị trao đổi thương mại, đạt mức 300 triệu USD năm 2017, như việc Nga tham gia nâng cấp các nhà máy luyện kim, sản xuất niken của Cuba, cùng nghiên cứu điều chế dược phẩm, Cuba triển khai lắp đặt trạm mặt đất thuộc hệ thống định vị vệ tinh GLONASS của Nga, qua đó cải thiện các dịch vụ viễn thông, vệ tinh trên đảo quốc này.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (thứ 2, phải) cùng Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng Cuba Miguel Diaz-Canel (thứ 2, trái) trước hội đàm tại Bắc Kinh ngày 8/11/2018. Ảnh: THX/TTXVN

Tại Trung Quốc, Chủ tịch Cuba Miguel Díaz-Canel đã thăm Hội chợ nhập khẩu quốc tế Trung Quốc lần thứ nhất tại Thượng Hải, sự kiện thu hút sự tham gia của 3.000 doanh nghiệp địa phương và nước ngoài. Hai bên cũng ký một số thỏa thuận nhằm tăng năng lực sản xuất trong các dự án hợp tác ưu tiên, Trung Quốc cấp tín dụng cho Cuba nhằm tạo điều kiện mua sắm một số thiết bị xây dựng chuyên dụng cho các ngành năng lượng tái tạo và du lịch, cũng như việc Cuba tham gia sáng kiến “Vành đai và con đường” của Trung Quốc.

Kết quả chuyến công du của nhà lãnh đạo Cuba tới Lào là một loạt thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực như ngân hàng, đào tạo nguồn nhân lực và thể thao đã được hai bên ký kết nhằm thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị truyền thống.

Trong khi đó, Việt Nam và Cuba đã ký hai thỏa thuận quan trọng là “Hiệp định thương mại mới” và “Nghị định thư về giải ngân và quản lý tài chính hợp tác phát triển sản xuất lúa gạo Việt Nam – Cuba giai đoạn 2019-2023”..

Trải qua 4 giai đoạn kéo dài hơn 10 năm, dự án hợp tác phát triển sản xuất lúa gạo Việt Nam – Cuba được coi là hình mẫu hợp tác song phương trong kỷ nguyên mới, hướng tới hiệu quả thiết thực và bền vững. Ở thời điểm khép lại giai đoạn 4 vào cuối năm 2015, dự án đã đạt quy mô áp dụng trên 54.000 ha (tăng 163% so với kế hoạch) trải rộng tại 12 trong tổng số 15 tỉnh thành của Cuba, góp phần giúp nước này tăng mạnh sản lượng lúa gạo. Hiệp định thương mại mới là bộ khung pháp lý và được kỳ vọng là công cụ hiệu quả giúp Việt Nam và Cuba đạt được mục tiêu nâng giá trị trao đổi thương mại từ mức 240 triệu USD/năm hiện tại lên 500 triệu USD vào năm 2022.

Nhân chuyến thăm, Chủ tịch Miguel Díaz-Canel còn tới thăm Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh, cởi mở chia sẻ rằng đây chính là mô hình mà Cuba muốn học hỏi để áp dụng trong nước, đặc biệt khi đảo quốc Caribe này đã có ngành dược phẩm và công nghệ sinh học khá phát triển.

Chủ tịch Cuba Miguel Díaz-Canel từng bày tỏ rằng Cuba luôn mong muốn hội nhập, hợp tác, nhưng là hội nhập và hợp tác trong hữu nghị và hy vọng một ngày nào đó, hữu nghị cũng trở thành yếu tố cốt lõi của toàn cầu hóa. Trong một thế giới nhiều khi yếu tố lợi ích được đặt lên hàng đầu, Cuba vẫn kiên định với con đường đã chọn và quyết tâm “dệt tương lai của chính mình bằng những sợi dây truyền thống”, mà chuyến công du nước ngoài vừa qua của Chủ tịch Miguel Díaz-Canel là minh chứng rõ rệt nhất.

LÊ HÀ (Phóng viên TTXVN tại Cuba)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/the-gioi/chuyen-cong-du-cua-nha-lanh-dao-cuba-det-tuong-lai-bang-nhung-soi-day-truyen-thong-20181114094223140.htm