Chuyến công du châu Á đầu tiên của Tổng thống Trump có gì?

Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ có chuyến công du châu Á đầu tiên sau khi nhậm chức, từ ngày 3/11 và trở về vào ngày 14/11. Trọng tâm của chuyến đi này sẽ là gì?

Khi ông Trump không dự Hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS)

Vào tháng 11 tới, Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ có chuyến công du châu Á, đến Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc rồi ghé Việt Nam và Philippines.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Donald Trump tại Nhà Trắng hồi tháng 5/2017

Tuy nhiên, trái với lịch trình công bố từ trước, Nhà Trắng hôm 24/10/2017 cho biết là từ chặng cuối Philippines, ông Trump sẽ trở lại Hoa Kỳ một ngày sớm hơn dự kiến, tức là vào đúng ngày 14/11. Vấn đề là hôm 14/11 sẽ diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS) – mà Mỹ là thành viên - cũng ở Philippines nên việc ông Trump về nước sớm có nghĩa là ông sẽ không dự hội nghị này. Nhà Trắng không cho biết lý do ông Trump “tẩy chay” EAS, chỉ xác nhận rằng một phái đoàn khác của Mỹ sẽ tham dự sự kiện này, định chế bao gồm 10 nước ASEAN cùng với Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, New Zealand, Nga và Mỹ.

Theo tờ nhật báo The Washington Post, phương tiện truyền thông đầu tiên tiết lộ tin tức về việc Tổng thống Mỹ quyết định không dự Thượng đỉnh Đông Á – thì một người phát ngôn của Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ, xác nhận rằng ông Trump sẽ đến Manila vào hai ngày 12-13/11, để gặp Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte và dự Hội nghị thượng đỉnh ASEAN. Nhưng ông không đi đến thành phố Angeles cách Manila 80 km vào ngày 14/11 để dự hội nghị Đông Á. Theo người phát ngôn này, lý do duy nhất khiến ông Trump rút ngắn chuyến đi là do lịch trình làm việc, vì vậy, “Không nên suy diễn gì về việc tổng thống vắng mặt (ở Thượng đỉnh EAS vào ngày 14/10”.

Tờ “The Washington Post” bình luận rằng, Thượng đỉnh (EAS) là một hội nghị tập trung vào các vấn đề chiến lược tổng quát nhiều hơn là kinh tế - trái với Thượng đỉnh APEC, diễn ra ở Việt Nam trước đó. Nên việc ông Trump bỏ EAS là một tín hiệu xấu gửi đến khu vực châu Á, và có thể tác hại đến thông điệp tiếp tục dấn thân mà chuyến công du của ông muốn đưa ra, đồng thời khiến khu vực hoài nghi thêm về vai trò lãnh đạo của Mỹ.

Việt Nam là đối tác của Mỹ trong nhiều vấn đề?

Điều khiến giới quan sát chú ý là trong chương trình của Tổng thống Mỹ, có chuyến ghé Hà Nội trong khuôn khổ một chuyến công du Việt Nam vào ngày 11/11, sau khi dự Thượng đỉnh APEC tại Đà Nẵng.

Ngay từ hôm 17/10/2017, chuyên san The Diplomat tại Nhật Bản đặc biệt ghi nhận quyết định của ông Trump là sẽ phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh của các nguyên thủ khối APEC, có thể là bài phát biểu đầu tiên về chiến lược của chính quyền Trump đối với khu vực châu Á- Thái Bình Dương. Và rất có thể chiến lược đó là phản ứng của Hoa Kỳ đối với sáng kiến “Con đường tơ lụa mới” của Trung Quốc. Về việc công du Việt Nam, nhà phân tích trên tờ Diplomat đặc biệt chú ý đến cuộc họp thượng đỉnh song phương giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang tại Hà Nội. Dù chương trình nghị sự cụ thể chưa rõ, nhưng theo The Diplomat, rất có thể là ông Trump sẽ tiếp tục thúc đẩy tiến trình xích lại gần nhau giữa Hà Nội và Washington, từng được người tiền nhiệm Barack Obama đẩy mạnh vào năm cuối nhiệm kỳ.

Một cách cụ thể hơn, chuyên gia kỳ cựu về Việt Nam, giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Úc (ĐH New South Wales) đã nhắc lại vị trí đặc biệt của Việt Nam hiện nay trong chính sách châu Á của Mỹ, với việc chính Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc là vị lãnh đạo Đông Nam Á đầu tiên được ông Trump, với tư cách Tổng thống Mỹ, đón tiếp tại Nhà Trắng.

Quyết định công du Việt Nam sau Thượng đỉnh APEC là tín hiệu mạnh của ông Trump, cho thấy rằng ông vẫn duy trì các cam kết của Mỹ với Việt Nam là củng cố và mở rộng quan hệ hợp tác toàn diện giữa Mỹ và Việt Nam, đồng thời công nhận Việt Nam là một đối tác quan trọng trong các vấn đề khu vực, và là một đối tác của Mỹ trong nhiều vấn đề mà cả hai nước cùng quan tâm. Theo dự đoán của giáo sư Thayer,  tại Hà Nội, rất có thể là Tổng thống Mỹ và Chủ tịch nước Việt Nam sẽ đưa ra một tuyên bố chung tái khẳng định quyết tâm tăng cường “Quan hệ đối tác toàn diện” giữa hai nước.

Theo nhà bình luận Kavi Chongkittavorn - thành viên cao cấp tại Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, ĐH Chulalongkorn (Thái Lan), đáng chờ đợi là việc sau khi Hà Nội đã được chính quyền Obama hủy lệnh cấm vận vũ khí kéo dài suốt 50 năm, đã nâng Việt Nam lên thành một trong những đối tác chiến lược trong vùng- thì Tổng thống Donald Trump sẽ xếp Việt Nam vào vị trí nào trong chiến lược toàn diện?

Chính sách với ASEAN

Trong hai nhiệm kỳ 8 năm kết thúc vào tháng 1/2017, Tổng thống Barack Obama để lại những thành tựu quan trọng trong vùng Đông Nam Á. Ông đặt khu vực này vào trung tâm điểm của chiến lược “xoay trục” quân sự và dự án mậu dịch tự do xuyên Thái Bình Dương TPP.

Cho đến nay, sau 10 tháng vào Nhà Trắng, sử dụng tài nghệ giao dịch của một doanh nhân, Tổng thống Donald Trump đã tạo được quan hệ tốt với Singapore, Malaysia, Philippines, Thái Lan, Indonesia và Việt Nam. Đây là những quốc gia có vị trí then chốt cho nền an ninh và quyền lợi của Mỹ trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Và bây giờ Washington đang muốn có thêm 2 đối tác chiến lược mới là Việt Nam và Indonesia.

Từ tháng 5/2017, Tổng thống Donald Trump đã tiếp kiến các nhà lãnh đạo Đông Nam Á từ Thủ tướng Malaysia, Thái Lan cho đến Việt Nam trong khi Phó Tổng thống Mike Pence cũng đã tiếp Tổng thống Indonesia tại Djakarta. Ngày 23/10, đến lượt Thủ tướng Singapore, Lý Hiển Long, lãnh đạo thành viên Đông Nam Á sau cùng kết thúc loạt tiếp xúc của Donald Trump trước khi “ông chủ” Nhà Trắng gặp toàn bộ lãnh đạo 10 nước ASEAN, nhân Hội nghị Thượng đỉnh APEC tại Đà Nẳng và sau đó tại Thượng đỉnh Mỹ-ASEAN ở Clark, Philippines.

VƯƠNG HƯNG

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/chuyen-cong-du-chau-a-dau-tien-cua-tong-thong-trump-co-gi-post205519.html