Chuyển công an điều tra sai phạm 8B Lê Trực: Hoan nghênh

Nếu khởi tố vụ án hình sự điều tra những sai phạm tại 8B Lê Trực thì số tiền do vi phạm mà có có bị thu hồi?

UBND TP. Hà Nội vừa báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình xử lý sai phạm tại tòa nhà 8B Lê Trực do Công ty CP May Lê Trực làm chủ đầu tư. Theo đó, UBND TP. Hà Nội đang chuẩn bị tiến hành phá dỡ giai đoạn 2 tòa nhà, tiếp tục cắt tầng 17 - 18.

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng đang tập hợp hồ sơ chuyển công an điều tra để xem xét, tiến hành điều tra các sai phạm của các tổ chức, cá nhân liên quan tại dự án 8B Lê trực và “các sai phạm khác của chủ đầu tư” trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Sáng ngày 2/10/2018, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng bày tỏ sự ủng hộ trước việc UBND TP. Hà Nội quyết liệt trong việc xử lý trật tự xây dựng liên quan đến tòa nhà 8B Lê Trực.

Các chuyên gia cho rằng, chủ đầu tư có biểu hiện chây ỳ, cố tình kéo dài thời gian khắc phục sai phạm.

Tòa nhà 8B Lê Trực sau gần 3 năm mới chỉ phá dỡ xong tầng 19.

Kết quả kiểm tra tòa nhà 8B Lê Trực vào năm 2015 cho thấy, Công ty CP May Lê Trực đã không giật cấp từ tầng 8 của tòa nhà vào 3,36m.

Phần phía Đông tòa nhà từ độ cao 44m công trình phải giật cấp vào 15m và từ độ cao 50m phải giật cấp thêm 5,3m nhưng chủ đầu tư không thực hiện mà xây thẳng lên mái.

Không những thế, tòa nhà được cấp giấy phép 18 tầng, cao 53m nhưng thực tế chủ đầu tư lại xây 19 tầng, cao 69m (cao quá giấy phép 16m - tương đương với 5 tầng). Từ đó diện tích xây dựng tăng thêm 6.000m2.

Được biết, vào thời điểm năm 2015, Công ty CP May Lê Trực rao bán căn hộ tại tòa nhà 8B Lê Trực với giá từ 65 - 78 triệu đồng/m2.

Với số diện tích tăng thêm từ sai phạm, Công ty CP May Lê Trực thu về khoảng 429 tỷ đồng.

Tuy nhiên, cho đến thời điển hiện tại Công ty CP May Lê Trực vẫn chưa hoàn trả số tiền tạm ứng 7,1 tỷ đồng mà UBND Q. Ba Đình đã tạm ứng cho nhà thầu phá dỡ tầng 19 của tòa nhà.

Không những thế, chủ đầu tư còn khởi kiện UBND Q. Ba Đình đề nghị dừng cưỡng chế phá dỡ công trình, làm ảnh hưởng đến quá trình xử lý vi phạm.

Với những hành động này của Công ty CP May Lê Trực, TS Vũ Mạnh Thủy - chuyên gia trong lĩnh vực thiết kế xây dựng bày tỏ: "Rõ ràng chủ đầu tư đang tìm mọi cách chây ỳ để kéo dài vi phạm. Với công nghệ phát triển như hiện nay thì việc phá dỡ xong tầng 19 của tòa nhà 8B Lê Trực chỉ mất khoảng 2 tháng.

Tương tự, tầng 18 - 17 của tòa nhà cũng lần lượt phá dỡ như phương án của tầng 19 thì cũng chỉ mất 6 tháng là xong 3 tầng. Nhưng chủ đầu tư lại mất đến hơn 1 năm mới phá dỡ xong tầng 19. Điều đó là khó chấp nhận được".

Việc cắt ngọn tòa nhà 8B Lê Trực được đánh giá không mất nhiều thời gian.

Theo ông Thủy, việc phá dỡ phần ngọn tòa nhà 8B Lê Trực sẽ nhanh hơn khi được làm bằng máy cắt bê tông hoặc máy nén khí đập vỡ bê tông làm trơ khung sắt, sau đó cắt sắt. "Từng mảng bê tông được xác định để cắt kèm theo cần cẩu nâng đỡ thì sẽ vừa an toàn và không tạo độ rung ảnh hưởng tới kết cấu tòa nhà" - TS Thủy nói.

Nói về việc UBND TP. Hà Nội đang tập hợp hồ sơ chuyển cơ quan công an điều tra tiến hành điều tra sai phạm của các tổ chức, cá nhân liên quan tại dự án 8B Lê trực, Luật sư Nguyễn Văn Hướng - Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho rằng, đây là điều cần thiết bởi sai phạm tại tòa nhà 8B Lê Trực mang tính chất nghiêm trọng, chủ đầu tư không có ý thức khắc phục sai phạm.

"Nếu xem xét hồ sơ thấy có cá nhân vi phạm pháp luật thì có thể cơ quan sẽ khởi tố vụ án, khởi tố bị can để tiến hành điều tra tiếp.

Số tiền 429 tỷ đồng từ việc xây tăng diện tích tòa là tài sản do vi phạm mà có nên rất có thể sẽ bị phong tỏa, kê biên để phục vụ công tác điều tra" - ông Hướng nói.

Tiến Hoàng

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/chuyen-cong-an-dieu-tra-sai-pham-8b-le-truc-hoan-nghenh-3366532/