Chuyện 'con trâu kiện máy cày'

'Ta hãy nghĩ Uber, Grab như một công ty, một phương thức kinh doanh bình thường. Không nên đuổi Grab đi mà nên làm sao để có những doanh nghiệp công nghệ như Grab của riêng Việt Nam', Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) Nguyễn Đình Cung nói trong hội thảo 'Phát triển thương mại điện tử trong bối cảnh mới: Yêu cầu và bước đi của Việt Nam' diễn ra sáng 28/11 tại Hà Nội.

Các chuyên gia dự hội thảo cho rằng, sự phát triển của thương mại điện tử là tất yếu vì có nhiều thuận tiện hơn so với phương thức kinh doanh truyền thống. Cụ thể, giao dịch điện tử dễ dàng kết nối, cung ứng và giảm thiểu chi phí về mặt bằng, kho bãi, lại nhanh hơn so với giao dịch truyền thống. Với người tiêu dùng, họ có thể ngồi tại nhà để đặt hàng, mua sắm, giao nhận tận nơi một cách nhanh chóng. Vì vậy, doanh nghiệp Việt Nam cần đặc biệt quan tâm thương mại điện tử và chuẩn bị để đủ sức cạnh tranh bình đẳng với doanh nghiệp nước ngoài.

Các chuyên gia kinh tế và nhà quản lý cũng bàn về thực trạng, hướng đi và giải pháp của thương mại điện tử tại Việt Nam. Liên quan đến vụ việc cụ thể giữa Vinasun và Grab, Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung cho rằng, cấm Grab có nghĩa là cấm một phương thức kinh doanh, như vậy doanh nghiệp Việt Nam cũng bị hạn chế theo.

Theo ông, Việt Nam nên khuyến khích, tạo ra cơ hội để doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân phát triển và có được mảng doanh nghiệp công nghệ như Grab nổi lên. Đó mới là việc cần làm chứ không phải cấm đoán Grab. “Mình không thể đuổi họ được vì nhu cầu của người dân là hoàn toàn có”, ông Cung nhấn mạnh.

Về vụ Vinasun kiện Grab, đang được ví như chuyện “con trâu kiện máy cày”, ông Cung cho rằng, dịch chuyển nguồn lãi, người tiêu dùng từ doanh nghiệp kém sang doanh nghiệp tốt hơn là điều đương nhiên, phải khuyến khích.

“Dịch chuyển vốn từ doanh nghiệp làm ăn kém hiệu quả sang doanh nghiệp làm ăn hiệu quả hơn chính là phân bổ nguồn lực. Không thể coi đó là thiệt hại của doanh nghiệp được. Nếu tư duy như vậy thì tất cả các nhà kinh tế phải đi học lại hết kiến thức cơ bản”, ông Cung nói.

Chốt lại vấn đề này, Viện trưởng CIEM cho rằng, cuộc cách mạng công nghệ trước hết là cách mạng về tư duy rồi sau đó mới đến công nghệ. “30 năm cải cách đã khiến chúng ta rất thấm thía về điều này”.

Đồng tình với ông Cung, TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng CIEM cũng cho rằng: “Thương mại điện tử cần đổi mới tư duy và coi đó là sự khác biệt, nên khuyến khích. Nếu cứ giữ tư duy cũ thì không thể gia nhập vào nền kinh tế số được”.

Quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam khoảng 4 tỷ USD tính tới cuối năm 2016, bằng một phần ba mươi so với mức 120 tỷ USD của Nhật Bản. Tuy nhiên, nếu xét về tăng trưởng thì Việt Nam là một trong số thị trường có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Hiện tốc độ tăng trưởng lĩnh vực thương mại điện tử của Việt Nam khoảng 35%, cao gấp 2,5 lần Nhật Bản.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng: Hiện nay hệ thống văn bản pháp quy về thương mại điện tử của Việt Nam đã quá lạc hậu, nhiều điểm chưa phù hợp và chồng chéo. Sự liên kết, nhất quán giữa các bộ, ngành trong việc quản lý cũng như các quy định này vẫn chưa có sự nhất quán. Những điều này đang kìm hãm sự phát triển thương mại điện tử ở Việt Nam.

Theo Đức Nguyên/daibieunhandan.vn

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/nghien-cuu-trao-doi/chuyen-con-trau-kien-may-cay-300250.html