Chuyện con tôm, con cua ở Trường Định

Ông Đỗ Trực-một nông dân đi đầu trong việc nuôi trồng thủy sản ở thôn Trường Định, Hòa Liên, Hòa Vang, TP Đà Nẵng trò chuyện với tôi: 'Cái làng nhỏ ven sông Cu Đê này, được đánh giá là địa thế bất lợi nhất ở Hòa Vang...! Nào là, cứ đến mùa mưa bão làng lại nguy cơ chìm trong nước lũ...Đời sống hơn trăm hộ dân chỉ nhờ vào sản xuất nông nghiệp, nhưng hầu như toàn bộ diện tích đất sản xuất chỉ trông vào nước trời... Nhưng đánh giá như thế chỉ là chuyện cách đây chục năm về trước, nay người dân đã nhìn thấy cái 'lợi thế' của làng rồi, mà lợi thế ấy đó thể làm giàu từ mảnh đất vốn nghèo khó của mình đấy...'. Ông Trực còn làm luôn công việc của 'nhà quy hoạch': 'Nếu quy hoạch đàng hoàng, làng có cả trăm héc-ta đất bờ bãi có thể thành nơi nuôi trồng thủy sản, sinh ra tiền tỷ, đẻ ra cả đống vàng chứ chẳng chơi...'.

Ông Đỗ Trực giới thiệu mô hình nuôi tôm xen cua ở Trường Định.

Ông Trực kể, nghề nuôi tôm thẻ chân trắng đã phát triển được 10 năm ở Trường Định, gia đình ông Trực hiện có 15 sào, tức 7.500 m2 hồ nuôi tôm. Mỗi vụ tôm hàng năm, từ tháng 4 đến tháng 7, ông thả 15 nghìn con tôm giống thẻ chân trắng, thu trên 1,5 tấn tôm thịt, với giá trung bình 100 nghìn đồng một kg. Trừ mọi chi phí, mỗi vụ tôm thu lời gần 100 triệu đồng. Từ năm 2017 đến nay, Trung tâm Khuyến ngư-Khuyến nông TP Đà Nẵng thực hiện thí điểm mô hình nuôi cua xen canh trên hồ nuôi tôm tại Trường Định. Sau khi tôm được 20 ngày tuổi, ông Trực thả 1.500 con cua giống, từ tháng 5 đến tháng 8, thu hoạch 200 kg cua thịt, với giá 300 nghìn đồng/kg, ông thu gần 50 triệu đồng tiền lãi từ cua. Vậy là trong một năm, từ diện tích 7.500 m2 nuôi tôm, cua, gia đình ông Trực đã thu được trên 150 triệu đồng, một số tiền không nhỏ đối với người làm nông nghiệp.

Thôn Trường Định hiện có 30 hộ nuôi tôm, cua, nhiều gia đình có tới 3-4 ha hồ ao như gia đình các ông Hồ Hổ, Mai Phước Chín... Tôm, cua thịt thành phẩm ở Trường Định không đủ xuất bán ngay thị trường Đà Nẵng, nhiều gia đình nuôi tôm, cua trở nên khá giả, thế nhưng vẫn còn nhiều băn khoăn... Ông Trực cùng nhiều bà con ở Trường Định cho biết, con tôm giống phải nhập từ Ninh Thuận, nhưng hiện nay ở Đà Nẵng chưa có cơ quan kiểm dịch về chất lượng tôm giống, nên chất lượng tôm giống rất đáng lo ngại, nguy cơ dịch bệnh cao. Một vấn đề nữa cũng làm bà con nông dân rất lo lắng là gần 40 ha đất ao hồ nuôi trồng thủy sản của thôn Trường Định không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Việc này bà con nông dân đã phản ánh, kiến nghị lên HĐND xã, huyện từ rất nhiều năm nay nhưng đến nay mọi việc vẫn rơi vào im lặng. Chính từ những rắc rối, bất cập này, việc đầu tư phát triển sản xuất gặp rất nhiều khó khăn, theo bà con nông dân, muốn vay vốn ngân hàng để đầu tư, nhưng không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nuôi trồng thủy sản, bà con đành chịu. Để có đồng vốn đầu tư, phát triển, bà con phải lấy giấy tờ nhà ở để thế chấp ngân hàng, nhưng cũng chẳng vay được bao nhiêu. Nhiều trường hợp, vì quá bí bách, bà con phải vay lãi nóng ngoài xã hội với lãi suất cao, rủi ro rất lớn, nhất là việc đầu tư trong sản xuất nông nghiệp như nuôi trồng thủy sản.

Ông Võ Văn Thành-Trưởng thôn Trường Định cho biết, không chỉ 40 ha đất ao hồ nuôi trồng thủy sản không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, mà cả thôn còn tới hơn 40 ha đất sản xuất nông nghiệp cũng không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đây là trở ngại lớn trong việc phát triển sản xuất ở nông thôn, khi tư liệu sản xuất chưa thực sự nằm trong tay người nông dân để bà con yên tâm sản xuất. Ông Thành, ông Trực còn có "tầm nhìn" xa hơn, chính vì việc đất đai sản xuất chưa được cấp giấy chứng nhận, nên việc quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản không thể tiến hành. Vấn đề này là nguyên nhân của vấn đề ô nhiễm môi trường, qua hơn 10 năm phát triển nuôi tôm, vùng ao hồ nuôi tôm đã ô nhiễm từ chất thải nuôi tôm ở Trường Định.

Chất ô nhiễm thải ra sông Cu Đê, rồi người nông dân lại bơm nước sông ô nhiễm ấy lên nuôi tôm, để có nguồn nước sạch, người nuôi tôm buộc phải dùng một diện tích ao hồ lớn để làm nơi xử lý, lọc nước, vậy là lãng phí một diện tích rất lớn. Nếu vùng nuôi trồng thủy sản này có quy hoạch, thì sẽ được đầu tư một hệ thống xử lý nước thải, chất ô nhiễm, nhưng việc không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, không có quy hoạch đất đai, đồng nghĩa với việc hệ thống xử lý nguồn nước ô nhiễm sẽ không bao giờ được thực hiện. Ông Thành cho biết, sắp tới đây, Trung tâm khuyến ngư-khuyến nông và phòng nông nghiệp Hòa Vang sẽ đầu tư cho thêm 4 hộ nuôi cua và cá dìa, trên diện tích gần 10 ha nữa, những băn khoăn, vướng mắc của bà con nông dân ở Trường Định đang rất cần chính quyền, ngành chức năng TP Đà Nẵng, H. Hòa Vang sớm xem xét, giải quyết, giúp bà con phát triển sản xuất, góp phần thực hiện thắng lợi chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới hiện nay.

Hồng Thanh

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/64_183299_chuyen-con-tom-con-cua-o-truong-dinh.aspx