Chuyển con nuôi cho người khác: Bí thủ tục

Cha mẹ nuôi không còn khả năng nuôi dưỡng nhưng không thể chấm dứt việc nuôi con nuôi vì luật không quy định.

Lúc 7 giờ 40 ngày 2-5-2015, chị PTH (ngụ phường 8, quận 4, TP.HCM) sinh một bé trai tại BV Từ Dũ và đặt tên là NNĐQ (không rõ cha ruột của Q.). Tuy nhiên, vì không có điều kiện nuôi con nên chị H. đã cho Q. để vợ chồng anh NNĐ (cùng ngụ quận 4 và không có con) xin nhận làm con nuôi.

Phải cho con nuôi bằng giấy tay

Ngày 8-9-2015, UBND phường 8, quận 4 đã cấp giấy chứng nhận nuôi con nuôi cho vợ chồng anh Đ. Tiếp đó, ngày 9-10-2015, UBND phường 8 (quận 4) đã cấp giấy khai sinh cho Q. Phần cha, mẹ đứng tên trên giấy khai sinh của Q. là vợ chồng anh Đ.

Hai vợ chồng anh Đ. chung sống với nhau đến năm 2017 thì ly hôn. Vợ anh Đ. đi làm ăn xa, còn anh Đ. thì bị nhiễm HIV/AIDS. Lúc này hoàn cảnh khó khăn, vợ chồng anh Đ. không còn khả năng nuôi dưỡng bé Q. trong khi họ cũng không thể liên lạc được với mẹ ruột của cháu bé.

Vì thế ngày 10-6-2018, anh Đ. viết giấy tay để vợ chồng chị Đào Thị Thông (ngụ phường 14, quận 4, không có con) nuôi dưỡng bé Q.. Từ đó đến nay, vợ chồng chị Thông nuôi bé Q., cho đi học và hiện bé cũng rất hạnh phúc khi sống với vợ chồng chị Thông.

Giữa các bên không có tranh chấp về việc nuôi con nuôi hay tài sản gì. Vì mong muốn Q. được hưởng các quyền lợi tốt nhất của một đứa trẻ và là thành viên chính thức của gia đình nên vợ chồng chị Thông có nguyện vọng muốn đổi giấy khai sinh mới cho Q. do vợ chồng chị đứng tên làm ba mẹ. Từ đó, vợ chồng anh Đ. có đơn gửi TAND quận 4 yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi để tạo điều kiện cho vợ chồng chị Thông làm thủ tục đăng ký giấy khai sinh mới cho Q.

Tuy nhiên, ngày 28-8-2019, TAND quận 4 có thông báo trả lại đơn yêu cầu giải quyết việc dân sự cho vợ chồng anh Đ.

Thông báo của TAND quận 4 viết: “Xét thấy, đơn yêu cầu giải quyết việc dân sự thuộc trường hợp khác theo quy định của pháp luật. Căn cứ vào Điều 25 Luật Nuôi con nuôi năm 2010; điểm g khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều 364 Bộ luật Tố tụng dân sự; TAND quận 4 trả lại đơn yêu cầu giải quyết việc dân sự cùng các tài liệu, chứng cứ kèm theo”.

Thông báo này đồng nghĩa với việc vợ chồng anh Đ. không thể chấm dứt việc nuôi con nuôi vì không thuộc các trường hợp được chấm dứt nuôi con nuôi.

Vợ chồng chị Thông và cháu Q. đang sống vui vẻ bên nhau nhưng vướng thủ tục pháp lý. Ảnh: MINH CHUNG

Vợ chồng chị Thông và cháu Q. đang sống vui vẻ bên nhau nhưng vướng thủ tục pháp lý. Ảnh: MINH CHUNG

Cách nào để bảo vệ quyền lợi đứa trẻ?

Pháp Luật TP.HCM đã trao đổi với ông Nguyễn Triều Lưu, Trưởng phòng Hộ tịch - Quốc tịch, Sở Tư pháp TP.HCM, về vụ việc hy hữu này. Ông Lưu cho biết trường hợp mục đích nuôi con nuôi không đạt được, nguyện vọng cha mẹ nuôi muốn chấm dứt việc nuôi con nuôi nhưng không rơi vào các quy định của pháp luật thì cần có giải pháp. Mục đích không phải để bảo vệ cha mẹ nuôi mà là để bảo vệ quyền lợi của đứa trẻ. Bởi nếu không giải quyết được thì đứa trẻ lại bị cha mẹ nuôi bỏ rơi lần thứ hai.

“Nhưng tại sao quy định hiện hành không cho phép chấm dứt việc nuôi con nuôi như trường hợp của vợ chồng anh Đ.? Bởi vì mục đích của việc nuôi con nuôi đã được nói rất rõ tại Luật Nuôi con nuôi 2010, đó là: Tạo lập quan hệ cha mẹ nuôi và con nuôi bền vững. Không phải hôm nay thích nuôi thì nuôi, hôm sau không thích thì bỏ hay là trong quá trình nuôi dạy con nuôi thấy nó hư hỏng rồi bỏ. Không được! Pháp luật phải bảo vệ sự bền vững đó” - ông Lưu trăn trở.

Theo ông Lưu, quy định pháp luật hiện nay là khá đầy đủ và nhân văn, nó tránh cho đứa trẻ rơi vào tình cảnh bị mua bán, trao đổi. Tuy nhiên, thực tế lại xảy ra những tình huống hy hữu như của cháu Q. trên đây, nếu không giải quyết thì cả hai bên đều đau khổ và ngay cả đứa con nuôi cũng không được chăm sóc, nuôi dưỡng.

Ông Lưu nói: “Vụ này việc tòa án trả lại đơn là phù hợp với các quy định của pháp luật. Tuy nhiên, cần có giải pháp về mặt pháp lý để thay đổi người nuôi cháu bé, đồng thời phải quy định chặt chẽ để tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra và trên hết phải đảm bảo mục đích của việc nuôi con nuôi”.

Theo Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM Nguyễn Văn Vũ, pháp luật hiện hành về nuôi con nuôi không quy định việc chấm dứt việc nuôi con nuôi trong trường hợp người nuôi con nuôi không còn ý định nuôi nữa.

Tuy nhiên, thực tế xuất hiện nhiều nguyên nhân mà cha mẹ nuôi không thể tiếp tục nuôi dưỡng như kinh tế khó khăn, cha mẹ nuôi ly hôn, bỏ con nuôi… Lúc này việc chấm dứt nuôi con nuôi trong trường hợp kể trên là có khó khăn vì không rơi vào các quy định tại Điều 13, Điều 25, Điều 26 Luật Nuôi con nuôi.

Từ đó, ông Vũ đề xuất: “Theo tôi, Luật Nuôi con nuôi cần phải quy định cụ thể về vấn đề chấm dứt việc nuôi con nuôi trong trường hợp khách quan dẫn đến việc cha, mẹ nuôi không thể hoặc không muốn nuôi con nuôi nữa (vì hoàn cảnh kinh tế khó khăn, cha mẹ nuôi ly hôn)… Ngoài ra, TAND Tối cao cần giải thích, hướng dẫn tòa án địa phương thụ lý, giải quyết yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi rơi vào các trường hợp như đã nêu”.

Được biết, Sở Tư pháp TP.HCM cũng đã từng làm việc với Ủy ban Pháp luật của Quốc hội về nội dung này và cũng đã có kiến nghị. Trong các báo cáo của Sở Tư pháp gửi Bộ Tư pháp cũng đề cập đến nội dung trên.

Mong muốn chính đáng của hai cặp vợ chồng

Tâm sự với chúng tôi, vợ chồng chị Thông cho biết đã nhiều lần tìm đến các cơ quan chức năng để làm giấy khai sinh cho Q. nhưng bất thành. Nói hết những lời gan ruột, vợ chồng chị Thông chỉ có nguyện vọng duy nhất là được làm cha mẹ nuôi hợp pháp của Q., được đứng tên là ba, mẹ trên giấy khai sinh của bé. “Gia đình mong muốn Q. được chăm sóc tốt nhất, được hưởng đầy đủ các quyền lợi của một đứa trẻ. Cả nhà đang sống rất hạnh phúc” - chị Thông xúc động.

PV cũng đã tìm gặp vợ chồng anh Đ. để hiểu rõ hơn về sự việc. Vợ anh Đ. cho biết hai vợ chồng đã ly dị, chị thì đi làm xa, anh Đ. bị nhiễm HIV, liên lạc với cha mẹ ruột của Q. thì bất thành nên không cách nào nuôi con được. “Dù đau đớn và rất muốn nhưng hoàn cảnh hiện nay khiến tôi không thể nuôi con được”.

Anh Đ. thì khóc và nói: “Tôi không còn khả năng lao động, đau bệnh không biết sống chết lúc nào. Dù rất muốn nhưng cũng không thể nuôi con. Mong gia đình chị Thông chăm sóc tốt cho Q. để cháu có tương lai”. Sức khỏe của anh Đ. đã khá yếu do căn bệnh HIV tàn phá nhưng do ở gần nhà chị Thông nên anh vẫn ráng qua lại để thăm cháu Q., hai cha con nói chuyện vui vẻ, bình thường. Chỉ có chị Đ. thì thường đi làm xa nên ít khi gặp thằng bé. Vợ chồng anh Đ. chỉ có một mong ước lớn nhất là cơ quan chức năng tạo điều kiện cho vợ chồng chị Thông làm thủ tục nhận con nuôi thành công từ mình.

HOA THI

Nguồn PLO: https://plo.vn/phap-luat/chuyen-con-nuoi-cho-nguoi-khac-bi-thu-tuc-895093.html