Chuyện Cô Tô: Chịu sóng

Ra Cô Tô lần này, tôi có gặp lại một nhân vật có công tiếp nối những khai sơn phá thạch huyện đảo. Tháng 5 năm 1978, người Hoa ở Cô Tô bỏ đi tứ tán dân số chỉ còn 10%. Tháng 7 năm ấy, tỉnh điều ông Nguyễn Văn Lộc, chủ tịch đảo Minh Châu đưa dân Minh Châu ra Cô Tô tiếp quản nghề cá người Hoa bỏ dở.

Đưa điện lưới ra Cô Tô Ảnh: Điện lực quảng ninh

Đưa điện lưới ra Cô Tô Ảnh: Điện lực quảng ninh

Ông Lộc cùng mấy chục hộ ngư dân đã quen nghề, thuộc thạo ngư trường cũ với vợ và đàn con lít nhít bỗng uỵch xuống đảo Cô Tô lạ hoắc! Cô Tô khi ấy hoang hoải và bao thứ lạ lẫm. Trầy trật hàng năm mới vực dậy được nghề cá. Ngồi với nhau một lúc mà ngồn ngộn những chuyện của một thời gian khó tưởng chừng phải bỏ Cô Tô mà chạy vào đất liền. Ấy thế mà bám trụ vững đến giờ!

Mỗi thời Cô Tô chừng như có lứa cán bộ để ứng và xứng với thực tế? Lần trước ra Cô Tô, ngồi với chúa đảo Nguyễn Thanh Sửu. Khi ấy Quảng Ninh đã thí điểm mô hình Bí thư kiêm chủ tịch cho huyện đảo Cô Tô. Chúa đảo là cách nói vui của anh em cán bộ Cô Tô về người đang ôm quyền hành điều khiển việc của cả Bí thư và chủ tịch huyện. Ông Sửu cười, quyền hành gì chả biết nhưng được cái rộng cẳng để lo việc. May được anh em xúm vào để vực dậy một Cô Tô phát triển. Từ một huyện đảo “5 không” (không đường, không điện, không trường, không trạm xá, không công trình văn hóa) có một cơ ngơi tàm tạm như thời điểm đó cũng là cái công chịu được sóng gió của lứa cán bộ trên hòn đảo trơ trọi giữa trùng khơi.

Chịu sóng là cụm từ để tưởng thưởng cho những lãnh đạo trụ vững được với Cô Tô. Mười năm trở lại đây, có ba cán bộ Tỉnh Đoàn Quảng Ninh được điều động ra làm Bí thư kiêm chủ tịch huyện. Có một người say sóng trượt Ban chấp hành tại Đại hội Đảng bộ huyện. Người thứ hai là Bí thư Tỉnh Đoàn Nguyễn Đức Thành. Sau năm năm bươn chải cùng bà con trên đảo, Bí thư Thành đã để lại một nhiệm kỳ ấn tượng. Chuyện đó xin được nói sau. Nguyễn Đức Thành bây giờ chững chạc ở vị thế Trưởng Ban tổ chức Tỉnh ủy. Tiếp đó là nhiệm kỳ của Bí thư Tỉnh Đoàn Hoàng Bá Nam. Nhiệm kỳ Bí thư Nam có đội ngũ cán bộ huyện kinh nghiệm. Gần 30 cán bộ chủ chốt có trình độ thạc sĩ. Hoàng Bá Nam hiện đương đảm nhận công việc của Chánh văn phòng Tỉnh ủy.

Ấn tượng về nhiệm kỳ của Bí thư Thành có lẽ là Cô Tô có 100% trạm y tế cấp xã đạt chuẩn quốc gia, 100% trường lớp học và nhà công vụ giáo viên của huyện đảo được kiên cố hóa. Đưa tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện còn 1,3% và cuối năm 2013 cơ bản không còn hộ nghèo. Cô Tô đã hoàn thành 17/19 tiêu chí xây dựng Nông thôn mới... Nhưng không chỉ có vậy.

Nhớ hai mươi năm trước ra Cô Tô, đảo thương cho tôi ở nhờ tại Trung tâm bưu điện ý chừng giời nực mất điện thì gay! Có lẽ cả Cô Tô khi đó chỉ nơi ấy là ít khi cắt điện.

Thời điểm đó Cô Tô phải huy động 4 cụm máy phát điện chạy 23/24h/ngày. Ít người biết rằng, để được dùng điện, khung giá thấp nhất cho 50kWh đầu tiên cũng là 3.600 đồng/kWh. Điện gió, điện mặt trời, nhiệt điện cho Cô Tô… Các phương án đều được tính đến nhưng đều không khả thi. Phương án đưa điện lưới quốc gia ra Cô Tô, nhiều ý kiến cho rằng không tưởng! Kể cả cấp lãnh đạo cao nhất.

Nhưng thời thế đã khác! Ông Phạm Minh Chính vừa về nhậm chức Bí thư Tỉnh ủy đã hai lần nhảy tàu gỗ đi Cô Tô. Ông ra gặp Bí thư Thành để bàn Dự án (DA) đưa điện lưới ra huyện đảo.
Cô Tô phải có điện, phải là điện lưới. Điện mới vực dậy tiềm năng kinh tế biển, du lịch. Đời sống có phát triển thì người dân mới gắn bó, yên tâm sinh sống ở đảo. Có như vậy mới xây dựng được Cô Tô có thế trận bảo vệ an ninh chủ quyền biển đảo.

Ông Nguyễn Đức Thành tặng quà gia đình chính sách ở Cô Tô

Nhưng tiền đâu?

Trên 1.100 tỷ đồng đầu tư cho DA trong thời điểm ngân sách đã cạn kiệt. Nếu chỉ trông chờ vào ngân sách của Nhà nước thì việc triển khai DA sẽ mất rất nhiều thời gian và không biết đến bao giờ người dân huyện đảo mới có được điện lưới quốc gia sử dụng. Tỉnh đã mạnh dạn báo cáo, xin Chính phủ cho cơ chế được triển khai thực hiện DA theo hình thức xã hội hóa và nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong cả nước. “Chung tay thắp sáng vùng biển đảo Đông Bắc của Tổ quốc”.

Ngày 25/4/2012, DA chính thức được phê duyệt. Có lẽ, không có DA nào tại Quảng Ninh lại có tốc độ khảo sát, lập quy hoạch, phê duyệt DA, chỉ định thầu... được thực hiện nhanh như vậy. Ngày 4/11/2012, DA được khởi công.

DA đưa điện lưới ra huyện đảo Cô Tô, có tổng mức đầu tư 1.106 tỷ đồng, tổng chiều dài toàn bộ tuyến gần 70km, trong đó tuyến cáp ngầm xuyên biển 22kV dài 23km. Là DA đầu tiên trong cả nước được thi công với công nghệ hiện đại nhất trên thế giới hiện nay.

Biết bao những công đoạn gian nan như việc vẽ bản đồ dưới đáy biển - khảo sát địa hình đáy biển do Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đảm nhận. Đó là việc rà soát chi tiết địa hình khu vực sẽ rải cáp ngầm xuyên biển.

Để đạt được độ chính xác về tọa độ, đoàn đã chia tuyến khảo sát 23km từ Vân Đồn ra Cô Tô thành 4 tuyến. Hành lang mỗi tuyến rộng 500m để lập bản đồ địa hình dưới đáy biển tỷ lệ 1/1.000. Họ đã từng ngang dọc nhiều vùng biển, dẫn đường cho những mũi khoan thăm dò dầu khí nhưng dẫn đường cho cáp ngầm vượt biển mang điện lưới quốc gia thì là lần đầu tiên.
Bên cạnh công nghệ rải cáp ngầm là việc kéo dây dẫn điện trên không bằng khinh khí cầu. Kéo dây trên biển với khoảng vượt lớn và áp lực gió mạnh là lần đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam. Kinh phí trọn bộ để áp dụng công nghệ khinh khí cầu cho dự án lên tới hơn 1 triệu USD.

Cách làm này giúp cho thời gian thi công nhanh gấp 3-4 lần, do một lúc có thể kéo được 4 dây so với 1 dây như cách truyền thống.

Sau 350 ngày đêm băng rừng, vượt núi, xẻ dọc đáy biển, DA đưa điện lưới ra huyện đảo Cô Tô đã chính thức hoàn thành thắng lợi.

Phú Quốc rồi Cồn Cỏ… Nay Cô Tô tuyến đảo Đông Bắc Tổ quốc chan hòa ánh điện lưới.
Nhưng hiểm họa luôn rình rập. Đêm 18/6/2018, sét đánh vào tuyến đường dây và cáp ngầm 22kV ra huyện đảo Cô Tô gây sự cố mất điện trên toàn đảo. Ba ngày mất điện. Rồi một tuần. Đời sống của hơn 4.400 hộ dân bị đảo lộn. Hàng ngàn du khách chộn rộn hoang mang.

Ngành điện Quảng Ninh dốc toàn lực khắc phục sự cố. Từ 4 giờ sáng 29/6/2018, toàn bộ huyện đảo Cô Tô đã được cấp điện trở lại sau 10 ngày mất điện. Trong họa có phúc. Một phương án độc đáo biên ra thì dài, nghĩa là đã có bảo bối để ngành điện khắc phục những sự cố mất điện do sét đánh tương tự...

(Còn nữa)

Chịu sóng là cụm từ để tưởng thưởng cho những lãnh đạo trụ vững được với Cô Tô. Mười năm trở lại đây, có ba cán bộ Tỉnh đoàn Quảng Ninh được điều động ra làm Bí thư kiêm chủ tịch huyện.

X.B

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/chuyen-co-to-chiu-song-1455612.tpo