Chuyện cổ tích của cô gái chỉ mang một chiếc giày

Chỉ có một chân để nhảy, để múa và để đưa cô đi khắp mọi nơi ở tuổi thanh xuân và xa hơn nữa … Nhưng đó chưa phải là tất cả những khó khăn mà Bế Thị Băng phải đối diện.

Hậu đăng quang cuộc thi Vẻ đẹp Vầng trăng khuyết 2019, cô hoa khôi Bế Thị Băng (SN 1987, Cao Bằng) bận rộn hơn khi đảm nhận sứ mệnh truyền cảm hứng về nghị lực vượt lên số phận bất hạnh. Cô trở thành đại sứ Mottainai “trao yêu thương, nhận hạnh phúc” quỹ học bổng dành cho những trẻ em nghèo (mồ côi) là nạn nhân của tai nạn giao thông.

Trong cuộc trò chuyện, khi nhắc đến cụm từ “tai nạn giao thông”, Bế Thị Băng đã không kìm nén được xúc động khi kể lại về cái ngày định mệnh của cuộc đời. Đó là năm cô 24 tuổi một tai nạn xảy đến khi cô đang tham gia giao thông trên đường. Một chiếc xe container đã đâm vào đuôi xe máy, bánh xe tải kẹp vào đuôi xe và chân phải của Băng kéo lê cô trên đường gần 3m. Cú ngã đã khiến cô bị mất máu nhiều, đứt động mạch đùi. Và để bảo toàn cho tính mạng, bác sĩ đã phải cắt bỏ và tháo 1 phần khớp háng bên chân phải của Băng.

Hình ảnh cô gái Bế Thị Băng tham dự cuộc thi “Đi bộ vì sức khỏe” hồi tháng 6 – 2019 tại Hà Nội.

Hình ảnh cô gái Bế Thị Băng tham dự cuộc thi “Đi bộ vì sức khỏe” hồi tháng 6 – 2019 tại Hà Nội.

Trải qua cảm giác trên giường bệnh sau 4 ngày tỉnh lại từ cơn mê phẫu thuật, Băng đã sốc khi biết bản thân mình đã không còn lành lặn nữa. Suốt một thời gian, Băng chỉ ngồi khóc vì tủi thân. Bởi, khi đó cô vừa mới đi làm công việc trợ thủ nha sĩ, ước mơ với nghề dang dở và chính bản thân lại làm khổ gia đình. Những suy nghĩ tiêu cực cứ vây quanh lấy cô gái Tày bé nhỏ. Và, trong một lần mẹ cô gọi lên phía gác mái để ngắm bình minh, nhìn vào bóng của chính mình trên nền gạch, cô thấy mình cần phải đứng vững dù chỉ 1 chân. Thế là, mỗi ngày cô đều lên trên tầng, tay bám vào bờ tường để tập đứng 1 chân và những điệu múa lần đầu tiên được cô thử sức.

Nụ cười rạng rỡ của hoa khôi “Vẻ đẹp Vầng trăng khuyết” 2019. Ảnh NVCC

Để có thể giữ thăng bằng khi múa, Băng đã phải dùng sức tì vào bờ tường làm chỗ dựa khiến cho bờ vai trầy xước, thâm tím. Nhưng nỗi đau thể xác đó đã được bù đắp bằng hình ảnh cô có thể múa bằng một chân. Khỏi phải nói, Băng đã vui mừng như thế nào. Ngày ngày, cô học múa và bắt đầu gõ cửa đi xin việc. Nhìn cô gái 1 chân với bộ hồ sơ trên tay, họ đều lắc đầu từ chối. Không chán nản, Băng vẫn nỗ lực và cuối cùng, phòng khám nơi cô từng thử việc trợ thủ nha khoa trước thời điểm bị tai nạn đã gọi điện đến mời cô về làm việc. Có công việc, Băng yêu đời hơn.

Thế nhưng, đối diện với cuộc sống thường nhật, Băng cũng chịu những áp lực không nhỏ. Đó là ánh mắt kỳ thị của mọi người nhìn vào đôi chân khiếm khuyết của mình.

Băng đã biến những nỗi đau thành nghị lực để vượt lên chính mình. Cô tham gia học múa, tích cực hoạt động thể thao và tìm niềm vui trong công việc. Tham gia chương trình “Vẻ đẹp Vầng trăng khuyết 2019”, điều Băng muốn truyền tải chính là thông điệp ký ức về bản thân mình từ 1 người bình thường bỗng 1 ngày trở thành người khuyết tật. Cô tin rằng, cuộc sống có những điều bất ngờ đến mà mình không thể học hay được biết trước. Nhưng rồi mọi nỗi đau cũng đã qua. Điều quan trọng là cô vẫn còn được sống đó là một hạnh phúc cho cuộc đời lần thứ 2 và ngày mai, ngày mai nữa, vẫn còn phải sống tiếp để bước qua thử thách của cuộc sống này.

Khi hỏi về động lực nào để chị vươn lên cuộc sống và luôn mỉm cười? Bế Thị Băng cho hay: Đó là tôi không muốn làm khổ chính người thân của mình, không muốn cả đời gắn bó với chiếc xe lăn hoặc trở nên tật nguyền và sống 1 cuộc sống ỉ lại cho người khác. Tôi muốn 1 chân nhưng tôi vẫn theo đuổi hoài bão thanh xuân dù ngay cả là phải dùng chính đôi nạng cả đời. Và tôi muốn được hạnh phúc. Vì thế âm nhạc và nhảy múa đã làm thay đổi cuộc sống của tôi, nó giúp tôi được tự tin và khỏe mạnh hơn vì thế chị luôn cười để biết rằng cuộc sống này vẫn còn có rất nhiều những niềm vui khác.

5 năm sau từ sau vụ tai nạn, Băng đã sống một cuộc đời thứ 2 của mình. Ngoài công việc chuyên môn, cô gái đến từ Cao Bằng còn là bà chủ của chuỗi du lịch homestay Hồ Tây (Hà Nội). Hiện, cô đã kết hôn với một GS Toán học người Đức năm 2017. Cả hai từng gặp nhau tình cờ tại sân bay khi anh sang Việt Nam du lịch, còn cô thì tiễn người bạn đi du học. Băng kể lại kỷ niệm: “Anh ấy nói về Việt Nam du lịch 1 tháng, hỏi tôi về taxi để đi đến khách sạn và địa điểm phong cảnh đẹp ở Hà Nội và Việt Nam. Thời gian sau, chúng tôi gặp lại nhau tại Hồ Tây trong dịp tôi ra đó chụp ảnh. Cuộc trò chuyện cởi mở hơn, chúng tôi đi ăn và tôi bất đắc dĩ trở thành hướng dẫn viên cho anh”.

Anh ấy đã từng nói “1 chân nó không làm cho tôi xấu đi, điều quan trọng nhất với anh ấy đó là 1 người có nhân phẩm tốt là thanh lịch, nếu có 2 yếu tố đó dù bạn là ai trong hoàn cảnh nào bạn cũng sẽ là tỏa sáng”. Đó chính là lời cầu hôn ngọt ngào và Băng đã đồng ý dù gặp nhiều trở ngại về khoảng cách địa lý. Do chưa thu xếp công việc nên Băng vẫn ở lại Việt Nam, còn chồng cô cứ 3 tháng lại về Việt Nam thăm cô.

Không chỉ nỗ lực vươn lên cuộc sống, Băng còn là người tích cực với các hoạt động vì cộng đồng. Với sứ mệnh là người truyền cảm hứng, hiện tại Băng đang tham gia cùng nhóm hát Thương Thương handmade - hát vì người bệnh và gây quỹ từ thiện cho những bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo; Đại sứ của chương trình Mottainai “trao yêu thương , nhận hạnh phúc” quỹ học bổng dành cho những trẻ em nghèo (mồ côi) là nạn nhân của tai nạn giao thông; chương trình từ thiện vải cho cuộc sống “linens for life” là chương trình tã ấm cho trẻ sơ sinh vùng cao.

Sắp tới, nhân ngày 27- 7 kỷ niệm Ngày thương binh - liệt sĩ, cô sẽ tham gia chương trình nhặt rác vệ sinh môi trường và lễ dâng hương đến những anh hùng đã hi sinh tại nghĩa trang liệt sĩ Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Và làm từ thiện cùng với nhiều nhóm khác tại 1 số BV như chương trình hiến máu nhân đạo...

Vi Giáng

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/chuyen-co-tich-cua-co-gai-chi-mang-mot-chiec-giay-156154.html