Chuyện cô giáo bỏ phố lên rừng

Đến Ba Chẽ dịp 20/11 này, chúng tôi được nghe kể nhiều về cô giáo Vũ Thị Hường, quê ở TP Cẩm Phả nhưng đã hơn 32 năm băng rừng, vượt núi, hy sinh một cách thầm lặng cả cuộc đời cho sự nghiệp 'trồng người' của huyện vùng cao, miền núi này.

Hơn 30 năm, cô giáo Vũ Thị Hường gắn bó với học sinh vùng cao.

Hơn 30 năm, cô giáo Vũ Thị Hường gắn bó với học sinh vùng cao.

Năm 1987, sau khi tốt nghiệp ngành sư phạm, cô giáo Vũ Thị Hường (SN 1967), được phân công lên dạy học tại điểm trường Làng Cũ, thuộc Trường Tiểu học Nam Sơn, huyện Ba Chẽ. Những ngày đầu đến nhận điểm trường cô phải đi bộ hàng chục cây số đường rừng, khó khăn là vậy, nhưng bằng tình yêu nghề, sự tận tâm với trò đã tiếp thêm động lực để cô gắn bó với học sinh vùng cao này.

Cô Hường kể: Dù đã xác định trước những khó khăn có thể đến với mình nhưng khi chính thức băng rừng, vượt sông đến nhận trường, nhận lớp tôi mới biết những dự đoán, tưởng tượng của mình còn kém xa với thực tế. Điểm trường Làng Cũ cách điểm trường chính gần 30km, vì xe không thể vào được nên tôi phải đi bộ, lúc thì băng rừng, khi thì vượt sông vô cùng vất vả, nhiều lúc kiệt sức tưởng như bỏ cuộc nhưng rồi tôi lại tự động viên mình phải cố gắng.

Cô Hường vẫn nhớ như in lần cô đi nhờ thuyền của người dân từ huyện đến điểm trường Làng Cũ được nhanh hơn. Khi thuyền đang trên sông Ba Chẽ thì cô phát hiện hành lý mang theo bị ngập nước. Kiểm tra thì phát hiện thuyền bị thủng đáy. Lúc đó ai trên thuyền cũng hoang mang. May mắn là người lái thuyền bơi giỏi đã lặn xuống đẩy thuyền lên, còn người trên thuyền thì vừa chèo, vừa múc nước đổ ra ngoài nhờ đó cả thuyền mới thoát nạn...

Cô giáo Vũ Thị Hường trong một buổi lên lớp.

Ngày ấy, điểm trường Làng Cũ chỉ có một gian nhà cấp 4. Cả điểm trường có 1 giáo viên với 12 học sinh. Vì đường xa nên mỗi năm cô chỉ đi về trường vài lần, vừa lấy lương cũng vừa lấy sách vở, đồ dùng học tập - cô Hường kể.

Điều kiện sinh hoạt, đường xá đi lại khó khăn là thế nhưng với cô Hường đó không phải trở ngại lớn nhất. Với cô, việc dạy chữ cho học trò vùng cao còn khó hơn việc vượt núi, băng rừng. Bởi, khi ấy học sinh ở đây hầu hết là người dân tộc thiểu số, không biết tiếng phổ thông. Nhất là do phong tục tập quán lạc hậu, nên các gia đình ở đây không quan tâm đến việc cho con đến trường học chữ. Bản thân cô, những ngày đầu đứng lớp, do không biết tiếng dân tộc thiểu số nên cô không hiểu học sinh nói gì còn cô giảng bài thì học sinh cũng không hiểu. Vậy là sau giờ lên lớp cô lại đến từng nhà dân trong thôn để học tiếng dân tộc, tìm hiểu phong tục tập quán, đồng thời động viên các em đến lớp.

Khi biết tiếng bản địa, cô dễ dàng tiếp cận học sinh và trao đổi giúp học sinh tiếp thu dễ hơn. Ngoài dạy học ban ngày, buổi tối cô lại tìm đến từng nhà các em học sinh tự ý bỏ học để tìm hiểu, động viên các em đến lớp. Cứ như thế, cô ngày càng gần gũi hơn với người dân và các em học sinh trong thôn. Nhờ đó, các em học sinh cũng ngày càng yêu mến cô giáo hơn và không còn tự ý bỏ học nhiều như trước nữa.

Hơn 20 năm gắn bó với điểm trường Làng Cũ, năm 2011, cô được cử về công tác tại Trường Tiểu học Đạp Thanh. Tiếp đó, tháng 8/2014 cô được điều về dạy học tại Trường Tiểu học Đồn Đạc. Dù là các điểm trường trung tâm hơn, nhưng tình trạng học sinh tự ý bỏ học vẫn thường xuyên xảy ra. Trước tình trạng đó, cô Hường lại phải tiếp tục tìm mọi biện pháp để động viên các em đến lớp.

Trải qua bao nhiêu khó khăn, gian khổ nhưng với trái tim đầy nhiệt huyết và tình yêu thương, cô đã thành công khi càng ngày học trò đến lớp càng nhiều. Nhiều học trò của cô giờ đã thành đạt, có người làm cán bộ xã, cán bộ huyện và cũng có người đi theo nghiệp “trồng người” như cô.

Nguyễn Chiến

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/201911/chuyen-co-giao-bo-pho-len-rung-2461483/