Chuyện chưa từng có ở Việt Nam: 4 chị em thất lạc và 50 năm đợi chờ lời hứa 'chị sẽ quay lại đón em'

Năm 1972, chị Trần Thị Phượng rời khỏi làng cô nhi Chung Thủy (Đồng Nai) để đi kiếm tiền nuôi các em. Ngày rời đi, chị hứa: 'Ở lại chờ, chị sẽ quay lại đón các em'. Từ đó, ông Trần Chí Dũng vẫn ở lại mãi ở làng, trở thành bảo vệ nơi này để đợi chị em đến đón mình.

Những ngày đầu, chị Phượng (lúc đó 12 tuổi) ra đi, Dũng hay đứng trước cửa làng, khóc suốt. Đến 6 năm sau, qua một trận ẩu đả vì bị trêu "mồ côi", Dũng bỏ đi tha phương để tìm anh chị. Cứ mỗi cuối năm, Dũng lại quay về làng, hỏi thăm bảo vệ: "Có ai quay lại tìm mình không?".

Mười mấy năm sau mới có tin tức đầu tiên rằng có 2 người đến cô nhi tìm Trần Chí Dũng. Từ đó, nuôi hy vọng tìm lại được người thân, Dũng xin làm bảo vệ ngay tại làng cô nhi, ngày ngày vừa chăm sóc các em nhỏ, vừa đợi anh chị mình.

"Mình từng là trẻ mồ côi nên mình hiểu nỗi đau, nỗi khổ của những đứa trẻ ở đây. Vì vậy, mình sẽ có thể giúp đỡ tụi nhỏ tốt hơn" - ông Dũng chia sẻ về công việc hiện tại.

Hạnh phúc sau gần 50 năm tìm kiếm của cậu bé tên Dũng tại làng cô nhi Long Thành.

Hạnh phúc sau gần 50 năm tìm kiếm của cậu bé tên Dũng tại làng cô nhi Long Thành.

50 năm đợi chờ lời hứa: "Chị sẽ quay lại đón em"

Năm 1968, giữa tình hình chiến tranh loạn lạc tại miền Nam Việt Nam, đã có 200.000 cô nhi được đưa tới các nhà chùa, nhà thờ tá túc.

Cách Sài Gòn 60 cây số xuôi về Biên Hòa, làng cô nhi Long Thành với diện tích gần 1 cây số đã nhận nuôi 3000 đứa trẻ bao gồm con các góa phụ binh lính, trẻ lai con của lính Mỹ…

Vào năm 1969, 1 người mẹ vì không nuôi nổi đã mang 4 người con của mình vào gửi tại Làng cô nhi. 4 chị em theo thứ tự từ lớn đến bé là Phượng - Thắng - Hồng - Dũng.

Đến tháng 2/1972, sau 1 trận càn quét, làng cô nhi Long Thành bị đóng cửa, những đứa trẻ vô thừa nhận được đưa đi phân tán nhỏ lẻ khắp nơi mà không hề báo cho gia đình trước. Từ đó, 4 chị em Phượng thất lạc nhau.

Ông Dũng không giấu được cảm xúc khi biết tin bà Hồng đã mất từ lâu.

Bẵng đi một thời gian, chị Phượng được đưa về cô nhi Chung Thủy. Chị lớn đã lên tiếng cho 3 em là Thắng- Hồng - Dũng về theo.

Hạnh phúc khi 4 chị em đoàn tụ chưa bao lâu thì một thời gian, vì để kiếm tiền nuôi các em, chị Phượng và anh Thắng phải rời Chung Thủy. Ngày đi, chị nắm chặt tay cậu em út, hứa: "Khi nào có tiền, chị sẽ quay lại đón em". Vì lời hứa đó, ngày nào Dũng cũng đứng ở đầu cửa, đợi.

Một thời gian sau, chị Hồng tiếp tục được một gia đình nhận nuôi. Riêng Dũng, năm 1978 thì chuyển về trung tâm Biên Hòa.

Nhưng một lần đánh bạn vì bị trêu ghẹo "mồ côi", Dũng bị đuổi học. Năm đó, anh trèo rào bỏ đi tha phương khắp nơi. Cứ mỗi tỉnh, Dũng lại ở lại dăm ba tháng để hỏi thăm tin tức của anh chị. Cuối năm thì quay về làng Chung Thủy, hỏi bảo vệ: "Có người nào đến thăm mình".

Sau mười mấy năm, cuối cùng tin tức có 2 người đến hỏi cũng mỉm cười với anh. Thế nhưng, vì thời gian mất tích lâu, mọi người đều tưởng Dũng đã mất nên thông báo lại với gia đình.

Từ đó, Dũng ở lại hẳn Chung Thủy, xin một chân bảo vệ. Vừa chăm sóc những đứa trẻ mồ côi giống mình, vừa để đợi 2 người ấy một lần nào nữa quay lại tìm mình.

Những giọt nước mắt lắng đọng trên sân khấu.

Cuộc trùng phùng qua 13 năm tìm kiếm

Ngay sau khi ổn định cuộc sống, "cậu bé" Dũng đã gửi thêm hồ sơ đến Như chưa hề có cuộc chia ly nhằm mong muốn giúp đỡ tìm kiếm thân nhân.

Trải lòng về lý do gửi hồ sơ, ông Dũng cho biết: "Tôi đã có lời thề trong người mình, đó là dù mình có đau khổ đến cỡ nào, cũng chịu được. Nhưng trước khi mình mất, mình phải được biết tại sao người thân của mình biến mất mà không có nguyên do. Tại sao mà mình mất tất cả. Dòng họ, bà con quê quán mình cũng mất luôn. Mình thề dù có phải trả giá thế nào, mình cũng mong được biết người thân của mình ở đâu, rồi mình nhắm mắt cho mãn nguyện".

3 chị em Phượng - Thắng - Dũng trùng phùng sau 50 năm. Riêng chị Hồng thì đã mất từ lâu.

Hội trường vỡ òa tiếng khóc.

Trong 13 năm, từ 50 tập hồ sơ từ Làng Cô nhi Long Thành, may mắn chương trình nhận được lời nhắn gửi từ chị Phượng, anh Thắng. Cứ như thế, qua cuộc tìm kiếm của chương trình suốt 13 năm đã giúp ghép lại được những mảnh ghép ký ức của 3 chị em Phượng - Thắng - Dũng. Riêng chị Hồng thì đã mất từ lâu.

"Tôi đã hứa quay lại đón tụi nhỏ, nhưng vì kế mưu sinh và cuộc sống khó khăn, tôi không thể thực hiện lời hứa. Sau đó, mẹ nuôi cho tôi cơ hội di dân sang Pháp, nhưng tôi cũng từ bỏ vì sợ không bao giờ gặp lại được các em" - bà Phượng kể.

Cái ôm chầm đầy nước mắt sau gần 50 năm xa cách của cả 3 khiến cả hội trường Như Chưa Hề Có Cuộc Chia Ly vỡ òa.

Bà Phượng luôn miệng hỏi gia đình: Còn giận bà không?

Bà Phượng luôn miệng hỏi cậu em Dũng: "Em có giận chị không? Em có giận chị không? Chị rất muốn tìm em nhưng em giàu thì chị vui, còn nếu lỡ em khó khăn thì chị sẽ rất buồn vì không có gì bù đắp cho em. Vì vậy, chị rất đắn đo".

"Em đâu có giận chị. Em đã đợi giây phút này lâu lắm rồi - Ông Dũng chỉ cười hiền, nắm lấy bàn tay chị.

Cả 3 giờ đều đã lấm chấm những sợi tóc bạc.

Huy Hậu

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/chuyen-chua-tung-co-o-viet-nam-4-chi-em-that-lac-va-50-nam-doi-cho-loi-hua-chi-se-quay-lai-don-em-8202091215514477.htm