Chuyện chưa kể về 'Thời thơ ấu của các nhà khoa học tài danh'

Mỗi câu chuyện thơ bé của các nhà khoa học, dù mang màu sắc riêng biệt, đều thấm đẫm tinh thần nỗ lực vươn lên, đem lại nhiều cảm hứng cho thế hệ trẻ hôm nay.

Cuốn sách Thời thơ ấu của các nhà khoa học tài danh được tác giả David Stabler biên soạn, đem đến cho độc giả trẻ tuổi những kiến thức thú vị về tuổi thơ của những nhà khoa học nổi tiếng.

Đồng thời, những câu chuyện ấy mang lại nguồn cảm hứng mạnh mẽ, khích lệ mọi người tin tưởng ước mơ và nỗ lực theo đuổi ước mơ của riêng mình.

 Sách Thời thơ ấu của các nhà khoa học tài danh. Ảnh: Kim Đồng.

Sách Thời thơ ấu của các nhà khoa học tài danh. Ảnh: Kim Đồng.

Hành trình từ những ngày thơ ấu

Trước khi có những phát minh mang tính đột phá, những nhà khoa học cũng chỉ là đứa trẻ bình thường, luôn tò mò về thế giới xung quanh.

Có người thì say mê ngắm bầu trời đêm, như Neil de Grasse Tyson. Cậu bé từng làm công việc dắt chó đi dạo để tiết kiệm tiền mua chiếc kính viễn vọng đầu tiên của mình. Và Vera Rubin, người phát hiện vật chất tối, từng thức suốt đêm để ngắm mưa sao băng từ cửa sổ phòng ngủ.

Một số đứa trẻ lại yêu quý các con vật và thiên nhiên, như Jane Goodall. Trước khi sống cùng những con tinh tinh ở Tanzania, cô đã có lần làm cho mẹ mình hoảng sợ khi để những con giun dưới gối của mình.

Khi còn nhỏ, George Washington Carver vô cùng yêu thích thế giới tự nhiên. Cậu bé yêu quý những cái cây trong khu vườn của mình đến mức nói chuyện với chúng.

Rachel Carson, nhà sinh vật học huyền thoại, ngay từ nhỏ, đã phát triển “cảm giác thích tìm hiểu” về thế giới tự nhiên khi khám phá khu rừng xung quanh trang trại của gia đình mình ở Pennsylvania, Mỹ.

Càng khám phá thế giới bên ngoài, Rachel càng trở nên tò mò. Một ngày nọ, khi đang đi quanh sân, cô phát hiện vỏ sò hóa thạch lẫn trong đất cát.

Tâm trí của Rachel tràn ngập những câu hỏi: Nó có từ bao giờ? Làm thế nào mà nó lại đến được cánh đồng ở vùng nông thôn Pennsylvania, trong khi đại dương ở rất xa nơi đây?

Cô bé cũng mê mẩn quá trình phát triển trong tự nhiên. Cô bắt đầu thu thập sâu bướm và kén để xem chúng biến thành ngài và bướm.

Trong khi đó, mẹ của Rachel hướng dẫn cô cách bắt và thả côn trùng ra ngoài. Mẹ cô tin rằng các sinh vật cần được sống tự do trong môi trường của chúng.

Việc giáo dục ấy từ mẹ đã ảnh hưởng sâu sắc đến tư duy của Rachel khi trưởng thành. Cô say mê nghiên cứu tự nhiên và luôn ý thức tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường. Đây là điều mà cô đã theo đuổi suốt cuộc đời mình, với những tác phẩm, công trình nổi tiếng viết về chủ đề môi trường.

Lan tỏa nguồn cảm hứng tự do, say mê

Isaac Newton là nhà khoa học tài danh. Những phát minh của ông có vai trò quan trọng trong lịch sử phát triển thế giới hiện đại.

Vì sinh non, cậu bé Isaac nhỏ xíu, đến nỗi mẹ cậu nghĩ rằng con trai có thể nằm gọn trong một cốc bia. Khi lên 3 tuổi, mẹ cậu tái hôn, chuyển đến sống với chồng mới, để lại Isaac cho bà ngoại chăm sóc.

Vì có ít bạn bè và hầu như chẳng ai thăm nom, Isaac giải trí bằng cách vẽ lên tường phòng ngủ của mình trên một căn gác tồi tàn.

Cậu vẽ các bức tranh về chim, tàu thuyền, thực vật và các hình hình học khác nhau. Khi vẽ một vật, thấy hài lòng, cậu sẽ chuyển sang làm bản sao của nó.

Bức tranh Newton trong khu vườn của ông được vẽ bởi họa sĩ Robert Hannah. Ảnh: Fineartamerica.

Isaac dành toàn bộ tiền tiêu vặt của mình để mua các công cụ như cưa, đục, rìu và búa. Cậu ở một mình hàng giờ trong phòng để tạo ra các mô hình đồng hồ mặt trời, cối xay gió, và giường tủ dành cho búp bê.

Lên 12 tuổi, vì học ở xa nhà, cậu ở trọ với gia đình nhà Clark, người quản lý một cửa hiệu thuốc trong làng. Ông Clark thường bào chế thuốc ở nhà, giúp Isaac có được cơ hội quan sát và tìm hiểu nguyên tắc cơ bản của hóa học.

Cậu say sưa vẽ, nghiên cứu suốt những năm tháng tuổi thơ trong đơn độc. Cậu không hề có bạn, cũng không hứng thú với việc đến trường. Có khi, cậu xếp thứ 78 trên tổng số 80 học sinh trong lớp.

Bởi bản tính đặc biệt của mình, Isaac bị bạn bè trên lớp không ưa, và trở thành mục tiêu của những kẻ bắt nạt. Sau vô số lần đụng độ, cậu quyết tâm thay đổi cách sống và sống đúng với khả năng thật sự của mình.

Cậu học tập chăm chỉ, miệt mài nghiên cứu thay vì cố gắng để được bạn bè chú ý. Đó cũng là lúc cậu tin rằng khoa học sẽ là con đường duy nhất mà mình lựa chọn.

Newton từ cậu bé vốn nhỏ con đã trở thành người khổng lồ trong thế giới khoa học. Bằng sự kiên trì, say mê và nỗ lực hết mình, ông đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho mỗi đứa trẻ.

Mỗi câu chuyện thơ bé của các nhà khoa học dù mang màu sắc riêng biệt, đều thấm đẫm tinh thần nỗ lực nghiên cứu, tìm tòi và vươn lên.

Dù ở những hoàn cảnh khó khăn đặc biệt, trước những biến động của thời đại, lịch sử, lòng say mê khoa học và khao khát thực hiện ước mơ của những nhà khoa học tài danh sẽ là sự khích lệ tuyệt vời dành cho mỗi độc giả trẻ hiện nay.

Thủy Nguyệt

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/chuyen-chua-ke-ve-thoi-tho-au-cua-cac-nha-khoa-hoc-tai-danh-post1079682.html