Chuyện chưa kể về những người băng núi giữ rừng ở xứ Nghệ

Trong suy nghĩ nhiều người, lực lượng kiểm lâm chỉ đơn thuần với việc bảo vệ rừng, chiến đấu với 'lâm tặc', tuy nhiên một trong những nhiệm vụ trọng tâm của họ là phòng chống cháy rừng, tuyên truyền phổ biến pháp luật đến từng người dân.

Bài 1: Gian nan công tác phòng và chống cháy rừng ở Xứ Nghệ

Những ngày nắng nóng đỉnh điểm của mùa hè năm nay đã qua, tuy nhiên những câu chuyện về những người không quản đêm ngày căng mình giữ rừng, chữa cháy rừng tại những cánh rừng xứ Nghệ không phải ai cũng biết đến.

Đến hẹn lại… lo
Tính từ đầu tháng 6 đến nay, tỉnh Nghệ An nắng hạn cũng vô cùng khốc liệt, nắng nóng kéo dài đã khiến rừng khô, nhiều thực bì và hàng chục vụ cháy rừng xảy ra khiến hàng chục hecta rừng bị thiêu trụi.

Trò chuyện với ông Nguyễn Mạnh Cường - Phó chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Nghệ An, ông nói “cứ đến ngày hè nắng nóng là những ngày anh em trong ngành kiểm lâm lại đến mùa…lo”. Lý giải cho việc này, ông Cường chia sẻ cứ đến mùa hè thì các vụ cháy rừng xảy ra khiến anh em trong lực lượng kiểm lâm không được nghỉ ngơi. Kể cả những khi rừng không cháy nhưng nhiều đêm anh em không ngủ được vì lo lắng cháy rừng có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Lực lượng kiểm lâm tiến hành tuần tra kiểm soát bảo vệ rừng

Lực lượng kiểm lâm tiến hành tuần tra kiểm soát bảo vệ rừng

“Rừng là tài nguyên Quốc gia, trách nhiệm của lực lượng kiểm lâm chúng tôi giữ gìn, phát triển nguồn tài nguyên đó một cách tốt nhất. Ở Nghệ An trước đây hiện tượng chặt phá rừng già ở các huyện miền núi rất phổ biến, “lâm tặc” thời điểm đó rất nhiều khiến nhiều cánh rừng giàu ở miền Tây xứ Nghệ như trơ trọi. Những năm trở lại đây, với sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng kiểm lâm, phối hợp với các cấp chính quyền, chủ rừng và quần chúng nhân dân tình trạng chặt phá rừng giảm hẳn”, ông Cường chia sẻ.

Ông Cường nói tiếp, “Nỗi lo tình trạng chặt phá rừng đã nguôi đi, thì tình trạng cháy rừng liên tiếp xảy ra gây ra rất nhiều thiệt hại và hệ lụy cho cuộc sống của người dân. Do đó chúng tôi xác định mục tiêu của mình là bảo vệ rừng trước sự đe dọa của “giặc lửa”, nhất là cao điểm những tháng mùa khô...”.

Ông Cường cho biết thêm, biện pháp được lực lượng kiểm lâm đẩy mạnh thực hiện là tuyên truyền để người dân cùng chung tay bảo vệ “lá phổi xanh”. Những ngày hè, ngoài việc luôn theo dõi tình hình thời tiết nắng nóng để lên phương án tham mưu cho UBND các huyện, thành phố... thì công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật cho bà con nhân dân trong việc đốt nương rẫy, người đi đốt ong… để tránh những trường hợp cháy rừng xảy ra. Phòng chống cháy rừng là nhiệm vụ quan trọng hơn cả, còn chữa cháy rừng chỉ là giải pháp tình thế, cấp bách.

Gian nan chuyện giữ màu xanh của rừng
Ông Cường tâm sự: “Những tháng mùa hè, các vùng rừng thông, keo tràm ở các huyện Nghi Lộc, Diễn Châu, Nam Đàn, Yên Thành, Hưng Nguyên (Nghệ An) hầu như chỉ xám một màu của thân cây khét nắng. Lớp thực bì dày trở nên khô hanh nên nguy cơ cháy xảy ra rất cao. Do đó, lực lượng chúng tôi ngoài các biện pháp kỹ thuật như: Tuần tra kiểm soát thường xuyên 24/24, phát dọn đường băng cản lửa thì công tác tuyên truyền để người dân cùng tham gia bảo vệ rừng đóng vai trò rất quan trọng. Khi ý thức của người dân được nâng cao thì sẽ hạn chế tối đa các nguyên nhân phát sinh cháy rừng...”.

Cháy rừng liên tiếp xảy ra vào các đợt hè nắng nóng luôn là nỗi lo lắng thường trực đối với lực lượng kiểm lâm

Đó là chuyện phòng chống cháy, còn chữa cháy rừng là cả một quá trình gian nan, vất vả và nguy hiểm. Từng có mặt trong 3 đêm (26/6 đến 29/6) chữa cháy rừng ở các xã Diễn Lợi, Diễn An, Diễn Phú huyện Diễn Châu (Nghệ An), ông Lê Minh Nguyên – Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Diễn Châu không còn lạ lẫm gì với những vất vả, gian nan của lực lượng bảo vệ rừng khi ngọn lửa bùng phát dữ dội.

“Vào 13h30 phút ngày 26/6, anh em nhận được thông tin khu vực Rú Bạc, xã Sơn Thành, huyện Yên Thành xảy ra cháy rừng - đây là khu vực giáp ranh với xã Diễn Lợi. Ngay lập tức, Hạt đã tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo nhiều lực lượng tiếp cận khu vực giáp ranh giữa 2 xã để tham gia công tác hỗ trợ chữa cháy. Lúc chúng tôi có mặt, tiếng người hét vang thông báo cho nhau, tiếng máy chữa cháy đeo vai gầm rú vang cả núi rừng, tiếng chân chạy rầm rập trên đá núi giữa làn khói lửa nóng rát, mờ mịt khiến những ai tham gia lúc đó cảm thấy lo sợ trước sự hung tợn của “giặc lửa”.

Với phương án tổ chức lực lượng 4 tại chỗ của xã cùng chủ rừng được triển khai để dập tắt đám cháy. Do địa hình phức tạp, độ dốc lớn, hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn, thêm vào đó là gió Lào thổi mạnh nên đám cháy rừng lây la với tốc độ rất nhanh. Hạt đã báo cáo với Chi cục kiểm lâm tỉnh xin tỉnh chi viện. Đến 22h30 phút, với sự nỗ lực của tất cả lực lượng cùng tham gia chữa cháy, ngọn lửa đã được không chế hoàn toàn.

Lực lượng chữa cháy tích cực trong việc dập tắt đám cháy để giữ rừng

Ông Lê Mạnh Hiên - Phó Chủ tịch UBND huyện Diễn Châu cho biết, thiệt hại đám cháy rừng ở xã Diễn Lợi là vô cùng lớn, hơn 70hecta rừng thông 5 tuổi và rừng keo 3 tuổi bị cháy trụi, trong đó có 20hecta rừng thông bị cháy không có khả năng phục hồi. Chính quyền các cấp đã huy động hơn 1.500 người gồm lực lượng kiểm lâm, ban chỉ huy quân sự, công an, dân quân tự vệ, người dân tham gia dập tắt đám cháy nhưng ngọn lửa vẫn bùng phát.

Kiểm lâm viên tại Rú Tuần (đóng tại địa bàn xã Nghi Yên, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An) anh Trương Thanh Bình - người đã có 9 năm gắn bó với nghề chia sẻ: “Với tôi kiểm lâm là một nghề và cũng là một cái duyên. Từ nhỏ tôi đã được gia đình, người thân truyền cho tình cảm đối với những cánh rừng quê hương, khi lớn lên tôi cảm thấy mình có trách nhiệm gìn giữ, bảo vệ nó”.

Tuy mới chỉ hơn 30 tuổi, nhưng anh Bình đã tham gia bảo vệ phòng chống cháy rừng cho 3.000 hecta. Nhiều đêm khi đang ngủ ngon, nhận được thông tin cháy rừng là bật dậy lên đường ngay. Đường lên đến những điểm xảy ra cháy rừng thường rất khó khăn, lại ban đêm nhưng đám cháy không chờ ai nên việc di chuyển phải thật nhanh để băng nhiều ngọn đồi, khe suối mới đến được hiện trường. Được biết, Hạt kiểm lâm huyện Diễn Châu có tất cả 11 người, trong đó chỉ có 6 cán bộ là kiểm lâm viên phụ trách hơn 6.530 hecta rừng.

Phủ Quỳ

Ông Lê Hải Lý - Hạt trưởng hạt kiểm lâm Quế Phong chia sẻ, “Với đặc điểm khí hậu khắc nghiệt, mùa khô kéo dài, địa hình phức tạp, độ dốc lớn lại quản lý bảo vệ 149.933 hecta rừng và cây trồng chưa thành rừng, trong khi quân số kiểm lâm Quế Phong rất mỏng so với diện tích rừng được giao quản lý. Một số cán bộ có tuổi đời cao, sức khỏe hạn chế, trang thiết bị phục vụ cho công tác chữa cháy rừng còn thô sơ (cơ bản trang bị dụng cụ thủ công là chính như dao phát, bàn dập lửa, bên cạnh đó có máy móc nhưng số lượng ít, công suất nhỏ như máy thổi gió, máy cắt thực bì, cưa xăng..., nên việc phòng và chữa cháy rừng gặp nhiều khó khăn...”.

Nguồn Sao Pháp Luật: https://sao.baophapluat.vn/tin-tuc/chi-tiet/chuyen-chua-ke-ve-nhung-nguoi-bang-nui-giu-rung-o-xu-nghe-11590/