Chuyện chưa kể về người phụ nữ tật nguyền khéo tay nhất phố cổ Hàng Đào

Vốn sinh ra bà Nga không được như chúng bạn khi đôi bàn chân tật nguyền chẳng đi lại được. Thế nhưng người phụ nữ này lại có đôi bàn tay tài hoa và chưa bao giờ chịu lùi bước trước số phận.

Đôi chân vĩnh viễn không đi được sau cơn sốt

Không gian vài mét vuông trên tầng 2, số nhà 46 phố Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội bao năm nay là nơi sinh sống của bà Trần Thị Tuyết Nga (65 tuổi) - người phụ nữ được mệnh danh khéo tay, may vá giỏi nhất phố cổ Hàng Đào.

Hơn 60 năm qua bà Nga bị liệt hai chân nên mọi di chuyển phải nhờ xe lăn.

Hơn 60 năm qua bà Nga bị liệt hai chân nên mọi di chuyển phải nhờ xe lăn.

Ngay từ khi sinh ra, số phận bà Nga không được may mắn như bao người khác khi bị chứng bại liệt từ nhỏ. Cuộc sống của người phụ nữ này bao năm khép mình trong căn nhà, có lúc bà sợ ra ngoài trước ánh mắt dò xét của nhiều người. Thế nhưng cuộc đời chưa bao giờ cho phép người phụ nữ ấy dừng lại. Bà đã tìm mọi cách để vươn lên số phận, vươn lên từ chính bản thân mình.

Trong căn gác, mọi đồ vật được xếp gọn gàng, sạch sẽ, bà Nga ngồi trên chiếc xe đẩy tự chế cười vui vẻ khi thấy có người vào. Bà bảo, cuộc đời mình như một cuốn truyện buồn với nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau.

Dù vậy tinh thần bà luôn lạc quan, yêu đời.

Khi sinh ra bà Nga hoàn toàn bình thường, thậm chí còn lanh lợi, nhanh nhẹn hơn những bạn cùng trang lứa. Lúc 7 tháng tuổi, Nga đã tự vịn tay vào thành giường để tập đi trong khi tuổi ấy những đứa trẻ khác bò còn chưa vững. Thế nhưng, khi gần 2 tuổi sau đợt sốt, đôi chân của bà Nga mất dần cảm giác, đến khi đưa vào viện thì đã quá muộn.

"Tôi vẫn nhớ khi gia đình đưa tôi vào Bệnh viện Việt Đức, các bác sĩ nói tôi bị bệnh bại liệt không còn cách nào cứu chữa. Nghe tin này, bố mẹ tôi khóc nhiều lắm. Thấy hoàn cảnh đáng thương, một cặp vợ chồng người Pháp ngỏ ý muốn xin tôi để đưa về Pháp chữa trị, nhưng bố mẹ tôi không đồng ý. Ông bà bảo khó mấy cũng sẽ nuôi con nên người chứ không bao giờ cho ai”, bà Nga nhớ lại.

Bà kể về cuộc đời của mình.

Sau cơn sốt ấy, bà Nga sống trong cảnh tật nguyền, phải dùng đôi tay di chuyển thay chân. Khi đi học, thấy các bạn cùng trang lứa chạy nhảy, bà Nga "thấy mà thèm", có lúc thử bỏ nạng ra để chạy nhưng vừa bỏ ra lại ngã nhào xuống đất.

"Tôi được bố mẹ thay nhau đưa đi học. Có lúc tôi thắc mắc hỏi bố mẹ sao các bạn đi được con không đi được. Nghe con nói bố mẹ buồn rầu giải thích. Từ sau lần đó tôi không bao giờ hỏi lại nữa", người phụ nữ tật nguyền hồi tưởng lại.

Cuộc sống phố Hàng Đào từ xưa đã nhộn nhịp. Cảnh giao thương buôn bán diễn ra tấp nập. Thế nhưng, thời điểm đó cô bé Nga không dám ra khỏi nhà. Thế giới của bà thu hẹp trong không gian vài chục mét vuông trong nhà.

Không bao giờ lùi bước trước số phận

Năm 11 tuổi, bà Nga cùng các em của mình phải sơ tán về quê ở khu vực Hà Tây cũ để tránh bom đạn. Đó cũng là lần đầu tiên bà sống xa bố mẹ và hoàn toàn tự lập. Dù tật nguyền nhưng trong mắt mọi người lúc đó, cô bé Nga thật phi thường vì không chỉ tự biết chăm sóc bản thân, Nga còn chăm lo từ cái ăn, cái mặc cho các em.

Từ khi còn nhỏ bà đã sống tự lập, không muốn dựa dẫm vào ai.

"Bố mẹ ở lại làm việc, còn chị em tôi khi ấy phải về cư trú tại tỉnh Hà Tây cũ. Ngày đó, tôi dùng đôi dép đeo vào tay rồi hàng ngày cứ bò đi, bò lại để nấu cơm, giặt quần áo, chăm lo cho các em. Có người sợ tôi ngã xuống ao khi giặt quần áo nên nghiêm cấm tôi không được ra đó. Thế nên tôi cứ phải đợi người này đi ngủ mới dám mang quần áo ra để giặt.

Cũng kể từ đó, tôi bắt đầu có suy nghĩ rằng dù không có đôi chân nhưng mình vẫn chăm sóc được cho bản thân chứ không phụ thuộc hay là gánh nặng của người khác”, bà Nga kể.

Không gian nhỏ là nơi bà Nga gắn bó với công việc may vá quần áo.

Sau khi hết chiến tranh trở về Hà Nội, bà Nga tiếp tục đi học, luôn đứng top 3 học giỏi trong lớp và là niềm tự hào của bố mẹ. Năm 1969, khi ấy bà Nga mới 14 tuổi và bắt đầu làm quen với nghề may.

Với người bình thường học nghề đã khó, Nga không có đôi chân thì khó khăn nhân lên gấp bội. Phải mất thời gian rất lâu, học đủ mọi tư thế cô mới có thể thành thạo kỹ thuật may.

Nếu người khác dùng bàn chân để dập máy may, thì cô phải ngồi khoanh chân lại, dùng chút lực còn lại của phía trên đầu gối để ấn mạnh xuống bàn dập. Cứ thế ngày ngày người phụ nữ này miệt mài với từng đường kim mũi chỉ. Làm mãi thành quen và cuối cùng cô cũng đã thành công.

Bao năm qua người phụ nữ này làm bạn với từng đường kim, mũi chỉ.

Bà dùng đầu gối để may quần áo.

"Mình đến với nghề cũng là cái duyên, chính nhờ nghề may này mà đôi chân tôi được hoạt động thường xuyên, vì thế không bị teo tóp như những người cùng cảnh ngộ khác”, bà Nga nói.

50 năm gắn bó với nghề may, bà Nga nổi tiếng khắp phố hàng Đào về những sản phẩm mà mình làm ra. Không chỉ có vậy, người dân nơi đây còn đặt cho bà mệnh danh “người phụ nữ khéo tay nhất Hàng Đào” bởi bộ đồ bà may không đơn thuần chỉ là đường kim, mũi chỉ. Bà nghiên cứu, học thêm công nghệ từ nước ngoài qua sách báo... làm nên những bộ trang phục có hoa văn, họa tiết rất riêng biệt.

Nghề may không chỉ làm bạn mà còn giúp bà Nga nuôi sống bản thân. Hiện hàng ngày cô vẫn nhận rất nhiều đơn đặt hàng và chỉ mong một ngày nhiều hơn 24 tiếng để làm việc được nhiều hơn.

Từng bỏ lỡ tình yêu vì không muốn là gánh nặng của người khác

Bao năm qua, bà Nga vẫn sinh sống một mình tại phố cổ Hàng Đào. Ngoài công việc may vá bà làm bạn với cây cỏ, hoa lá do chính tay mình trồng. Từng chậu hoa nhỏ đặt trên cửa sổ, trong nhà bà đều tự tay chăm sóc, nuôi dưỡng.

Hình ảnh bà Nga khi ở tuổi 20.

Bà tự tay chăm sóc những chậu hoa trong nhà.

Bà bảo: "Tôi yêu hoa, yêu cây cỏ... Chính vì vậy tôi tự trồng chúng như thú vui cho bản thân mình". Là người con gái gốc phố cổ Hà Nội, thời 18 đôi mươi bà Nga xinh đẹp, dịu dàng và cũng từng có người theo đuổi. Thế nhưng việc khiếm khuyết đôi chân chính là rào cản và lý do cho đến bây giờ bà vẫn độc thân.

“Là con người ai chẳng muốn được yêu, bản thân tôi cũng đã từng yêu nhưng không dám thổ lộ ra ngoài. Tôi như thế này có yêu nhau cũng chưa chắc đã đến được với nhau rồi làm khổ người khác", bà Nga tâm sự.

Năm ngoài 20 tuổi, có một nam thanh niên có hoàn cảnh giống cô Nga tìm đến và rất đồng cảm với những gì cả hai đã trải qua. Qua rất nhiều lần tâm sự cả hai càng thân thiết, gắn bó với nhau hơn, sẵn sàng chia sẻ mọi câu chuyện trong cuộc sống.

Bà luôn lạc quan, sống vui vẻ.

Người phụ nữ tật nguyền này cũng tham gia nhiều đợt thiện nguyện ở các tỉnh, thậm chí vùng cao.

Nhiều người bạn cũng ghé chơi khiến bà vui vẻ hơn.

Thời gian sau người thanh niên kia ngỏ lời yêu cô, muốn lấy cô làm vợ. Cô suy nghĩ nhiều lắm, nhưng rồi quyết định từ chối. “Hồi đó, người thanh niên kia tôi xưng tên, tôi bảo hai đứa mãi là bạn bè thôi. Không thể là vợ chồng được”. Sau khi bị từ chối, thanh niên ấy bỏ cô đi, từ đó đến nay không hề có tin tức gì.

“Tôi từ chối là vì sợ lấy nhau sẽ không mang lại hạnh phúc trọn vẹn cho nhau. Bởi lập gia đình thì phải sinh con, mà sinh con ra phải cho con cuộc sống đủ đầy. Nhìn lại bản thân mình như thế này, tôi nghĩ lấy nhau về chỉ là gánh nặng, nên tôi từ chối. Từ đó tôi dồn tâm lo công việc, chăm sóc bản thân và không suy nghĩ tới chuyện khác nữa”, bà Nga chia sẻ thêm.

Ở tuổi 65, tinh thần bà Nga vẫn lạc quan. Thi thoảng bà được mọi người bế lên xe lăn đưa đi dạo ngắm đường phố Hà Nội. Thậm chí bà còn đi thiện nguyện ở nhiều tỉnh thành. Bà muốn truyền một phần cảm hứng từ chính bản thân mình cho những số phận kém may mắn khác luôn lạc quan để sống tốt dù trong hoàn cảnh nào...

Định Nguyễn

Nguồn SaoStar: https://saostar.vn/xa-hoi/chuyen-chua-ke-ve-nguoi-phu-nu-tat-nguyen-kheo-tay-nhat-pho-hang-dao-20201116143252417.html