Chuyện chưa kể về khắc tinh của tội phạm làng đại học

Ông nổi tiếng với tên gọi Minh 'cô đơn' chuyên làm những việc thiện nguyện, đồng thời là một hiệp sĩ đường phố, đã tham gia bắt nhiều vụ cướp.

Ông Minh Cùng chiếc xe ba gác nhận vận chuyển miễn phí cho sinh viên

Ông Minh Cùng chiếc xe ba gác nhận vận chuyển miễn phí cho sinh viên

Khắc tinh của tội phạm trong làng đại học

Ông Nguyễn Đức Chinh, Trưởng phòng Kế hoạch tài chính hành chính Trung tâm Quản lý và Phát triển Khu đô thị Đại học Quốc gia TP HCM cho biết, trong hai năm 2013 - 2014, với thành tích dũng cảm tham gia bắt cướp, ông Minh được Công an thị xã Dĩ An và Công an tỉnh Bình Dương tặng giấy khen.

Năm 2016 và 2018, Trung tâm cũng đã khen thưởng ông Minh về thành tích xuất sắc trong công tác giữ gìn an ninh trật tự, truy bắt tội phạm ở khu đô thị đại học.

“Trung tâm biết hoàn cảnh gia đình khó khăn, không vợ con, không giấy tờ tùy thân của ông Minh, vừa qua Trung tâm ngỏ ý bố trí chỗ ở tạm thời trong chốt bảo vệ nhưng ông không chịu vì sợ phiền”, ông Chinh cho hay.

Một buổi chiều giữa tháng 2, chúng tôi đến khu Đại học Quốc gia TP HCM (làng đại học), đúng lúc gặp ông Nguyễn Văn Minh (58 tuổi), đang lúi húi sửa xe gắn máy cho một sinh viên trước căn chòi lá do ông che tạm gần ngã tư quốc phòng (xã Đông Hòa, thị xã Dĩ An, Bình Dương).

Ông Minh sống lang thang ở khu Đại học Quốc gia TP HCM mấy chục năm qua, nổi tiếng với tên gọi Minh “cô đơn”, chuyên làm những việc làm thiện nguyện như thay ruột, vá xe máy miễn phí cho sinh viên, người đi đường. Ngoài ra, ông còn là một hiệp sĩ đường phố, đã tham gia bắt được nhiều vụ cướp.

Một ngày của ông diễn ra tuần tự như đã từng diễn ra bao năm nay: Sáng thức dậy chở thùng đồ nghề ra ngã tư ngồi vá xe, thay ruột miễn phí cho sinh viên. Nếu có khách thì chạy xe ôm kiếm thêm tiền trang trải hàng ngày. Tối lại chạy xe máy rảo quanh các điểm nóng về nạn cướp giật trong làng đại học nghe ngóng tình hình xong thì về chòi ngủ.

Khi chúng tôi hỏi về biệt danh Minh “cô đơn” thì ông buồn bã, lặng thinh hồi lâu rồi mới kể: “Tôi chỉ biết mình sinh năm 1962, thất lạc cha mẹ khi lọt lòng. Đến giờ này, tôi chẳng biết ai đặt cho tôi cái tên này, không biết quê quán ở đâu. Một phụ nữ thương tình đem về nuôi đến năm tôi lên 9 tuổi thì bà cũng qua đời. Kể từ đó tôi sống lang thang, làm thuê làm mướn, nhặt ve chai, che tạm căn chòi sống qua ngày đến hôm nay”.

Với tính cương trực của mình, khi chứng kiến nhiều sinh viên bị trộm đồ, cướp giật, ông không thể khoanh tay đứng nhìn.

“Khoảng 23h khuya một đêm cuối tháng 1/2018, có 2 thanh niên đi xe máy cầm roi điện, một thằng cầm dao chặn đường dí cổ đôi sinh viên định cướp của. Ngay lập tức tôi lao tới thì bị tên cướp dùng roi chích điện chống trả. Tôi may mắn né kịp rồi đánh tay đôi với 2 tên cướp có hung khí khiến chúng phải bỏ chạy.

Sau đó, thấy mọi người tri hô nên bảo vệ, công an cùng phối hợp vây bắt được 2 tên cướp, trả lại tài sản hơn chục triệu đồng cho sinh viên…”, ông Minh kể về một trong vô số các vụ việc mình từng tham gia.

Có lẽ cũng vì hay “ôm chuyện bao đồng” nên nhiều lần ông bị kẻ xấu trả thù. Mới đây, vào đêm 8/1/2020, khi ông đang ngủ trong lều thì nhận được cuộc gọi của một cô gái nhờ ông ra sửa xe giữa đường số 11 trong làng đại học. Đến nơi, ông thấy đôi nam nữ đứng đó với chiếc xe tay ga.

“Tôi chưa biết xoay xở ra sao thì bất ngờ cả chục thanh niên từ trong bụi cây cầm mã tấu nhào ra rượt chém. Rất may tôi nhanh chân chạy thoát chứ không đã bỏ mạng.

Lúc sau quay lại, tôi thấy chiếc xe máy chạy xe ôm kiếm cơm qua ngày của tôi đã bị bọn chúng đốt cháy. Về chòi thì cũng bàng hoàng thấy nó đã bị thiêu rụi”, ông Minh kể và cho hay, trước vụ này, ông cũng bị một thanh niên vô cớ cầm mã tấu chém trả thù rồi bỏ chạy, khiến ông phải đi trạm xá băng bó vết thương, nhiều ngày sau mới lành lặn...

Mong ước nhỏ nhoi

Ông Minh sửa xe miễn phí cho người đi đường

Ngay sau vụ bị đốt xe, đốt chòi, nhiều sinh viên từng được ông Minh giúp đỡ, các mạnh thường quân khắp các tỉnh, thành cũng tìm đến, thăm hỏi, đóng góp tiền hỗ trợ cho ông Minh.

Chị Nguyễn Thị Hiệp (30 tuổi, ngụ quận Thủ Đức), chủ một quán cà phê cạnh làng đại học cho biết: “Vợ chồng tôi ở khu vực này, biết rất rõ những hoạt động nghĩa hiệp của chú Minh. Không ít lần vợ chồng nấu cơm cho chú ăn để có sức khỏe giúp đời nhưng chú từ chối, sợ làm phiền gia đình”.

Em Nguyễn Xuân Bách (sinh viên năm 3 trường Đại học Kinh tế) kể: “Lúc trước xe của em có bị bể bánh và dắt đến nhờ chú Minh sửa dùm nhưng chú không lấy tiền. Một lần khác em bị thủng bánh xe lúc đêm khuya, sau đó có gọi điện thoại cho chú Minh đến vá xe, nhưng chú cũng không lấy tiền. Nhiều bạn sinh viên khác cũng được chú sửa xe miễn phí. Sau khi biết được chú gặp nạn nhiều bạn sinh viên đến góp tiền hỗ trợ chú”.

Ông Minh cho biết, sau vụ việc vừa rồi, nhiều người trước là sinh viên, bây giờ đi lập nghiệp ở Đồng Nai, Vũng Tàu… cũng tìm về hỗ trợ tiền cho ông mua sắm lại dụng cụ sửa xe.

“Tổng số tiền cộng đồng hỗ trợ tôi khoảng 100 triệu đồng. Tôi trích 40 triệu mua chiếc xe ba gác máy để vận chuyển miễn phí cho các em sinh viên chuyển nhà trọ hay chở đồ từ quê gửi vào. Số tiền còn lại tôi đi làm từ thiện giúp những sinh viên khác còn nghèo hơn mình”, ông Minh tâm sự và cho hay, đến nay ông đã tặng 5 chiếc xe máy cho hai người khuyết tật và ba sinh viên nghèo. Phần còn lại ông mua thêm 200 ruột xe, 200 vỏ xe mới để sẵn sàng thay cho các cháu sinh viên, người đi đường khi gặp sự cố.

Chia sẻ nỗi niềm riêng, ông ngậm ngùi: “Suốt bao năm tôi mong có được tấm giấy tờ mang tên mình nhưng chưa biết phải làm thế nào. Vì không có giấy tờ tùy thân nên mọi giao dịch dân sự nhỏ như mua chiếc xe tôi cũng phải nhờ người khác đứng tên. Tôi năm nay cũng đã gần sáu mươi tuổi, chỉ mong sức khỏe còn dẻo dai để tiếp tục làm việc thiện, và hy vọng một ngày nào đó sẽ tìm lại được người thân...”.

Vĩnh Phú

Nguồn ATGT: https://www.atgt.vn/chuyen-chua-ke-ve-khac-tinh-cua-toi-pham-lang-dai-hoc-d453577.html