Chuyện chưa kể về ca nương nhỏ tuổi nhất Việt Nam

7 tuổi, Đặng Tú Thanh – cô bé người Hải Phòng - không đam mê hội họa, âm nhạc như bao bạn bè cùng trang lứa. Tú Thanh bị cuốn theo “Cô đôi thượng ngàn”, “Thị Nở”, “Thị Màu” và hơn cả là những thể cách trong ca trù. Trở về từ cuộc thi “Người hùng tí hon”, Tú Thanh nổi lên như một hiện tượng hiếm gặp trong làng âm nhạc dân gian Việt Nam. Cũng chính vì lẽ đó, vừa qua, Tú Thanh được Tổ chức kỷ lục Việt Nam trao tặng danh hiệu: Nghệ sĩ hát nhạc cổ truyền dân tộc Việt Nam nhỏ tuổi nhất.

Tú Thanh biểu diễn trong chương trình “Người hùng tí hon” (Ảnh: Gia đình nhân vật cung cấp).

Từ những chiều ra đình với bà nội…

Theo lời kể của bà Hoàng Thị Ngọ (63 tuổi – bà nội Tú Thanh), từ khi lên 3 tuổi, Thanh đã có những biểu hiện đam mê âm nhạc, đặc biệt là dòng âm nhạc dân gian. “Hôm cả nhà ngôi xem chương trình Giọng hát Việt nhí, Thanh thấy Thiện Nhân (Quán quân năm 2014) biểu diễn bài Cô đôi thượng ngàn, từ đó con bé mê rồi vài hôm sau thuộc luôn bài hát” – bà Ngọ kể. Như một cơ duyên dẫn lối Tú Thanh đến với ca trù, tuổi thơ của cô bé là những chiều theo bà ra đình làng Trung Nghĩa (phường Hợp Đức, quận Đồ Sơn, TP.Hải Phòng) xem người lớn biểu diễn. Những ca từ, thể cách nơi cửa đình đã khơi dậy bản năng trời phú của cô bé 7 tuổi này.
Chị Bùi Thị Huế - mẹ Tú Thanh – cho biết: Thanh thích hát từ khi còn học mẫu giáo, Thanh thường xem trên internet rồi học thuộc các bài hát rất nhanh thậm chí là những bài chỉ người lớn mới hát được. “Cả gia đình không ai theo nghệ thuật nên thấy cháu có niềm đam mê ca hát nên gia đình hết sức tạo điều kiện cho cháu” – chị Huế chia sẻ. Tiếp xúc với người lạ lần đầu nhưng Tú Thanh thể hiện sự bạo dạn, tự tin và không kém phần lém lỉnh. Theo lời Thanh kể, ở lớp các bạn chỉ thích hát những bài hát vui vui còn Thanh thì thích hát những bài hát theo kiểu cổ xưa hơn. “Các bạn hay bảo con là Tú Thanh thành bà già rồi nhưng các bạn chỉ trêu thôi chứ không có ý gì” – Thanh hóm hỉnh chia sẻ.
Theo như gia đình Tú Thanh cho biết, một ngày của cô bé lớp 2 này thường kín mít lịch học. Ban ngày Thanh học văn hóa ở trường, đều đặn các buổi tối trong tuần Thanh đi học ca trù và học nhảy. “Con bé rất ham học, chưa khi nào kêu ca mệt hay bỏ một buổi học nào” – chị Huế tâm sự. Có lẽ, niềm say sưa với đàn ca phách nhịp vẫn cuộn trào trong hình hài nhỏ nhắn của cô bé này. Nếu được đề nghị, Thanh sẵn sàng cất tiếng hát của mình một cách tự tin, đầy cảm xúc. Những cử chỉ duyên dáng, uyển chuyển theo từng câu hát của Tú Thanh thật dễ khiến cho người nghe bị cuốn hút không ngừng.

Tú Thanh và người thân cùng ngắm nhìn lại chứng nhận của Tổ chức Kỷ lục Việt Nam.

…đến ca nương nhỏ tuổi nhất Việt Nam

Chị Huế tâm sự, một hôm, Tú Thanh thì thầm: “Mẹ ơi cho con đi thi, con muốn đứng trên sân khấu biểu diễn”. Biết niềm đam mê của cô con gái nhỏ ngày một lớn lao, được nhiều người giới thiệu, chị Huế đưa con vào TP. Hồ Chí Minh để tham dự cuộc thi “Người hùng tí hon”. “3 tháng ròng rã, có lúc con bé cũng nhớ nhà lắm nhưng vì đam mê ca hát nên vẫn cố gắng theo đến cùng” – chị Huế chia sẻ. Tham gia cuộc thi, Tú Thanh đã khiến người xem không khỏi bất ngờ với những tiết mục xẩm, ca trù, chầu văn mà tưởng chừng như “chiếc áo rộng” đối với cô bé 6 tuổi.
Nghệ sĩ ưu tú, nghệ nhân dân gian, đào nương Đỗ Quyên – người hiện đang trực tiếp giảng dạy ca trù cho Tú Thanh - cho biết: Ở Tú Thanh toát lên sự ham học hỏi, cầu thị đáng ngạc nhiên. “Tú Thanh thường hỏi rất tỉ mỉ ý nghĩa của từng câu thơ trong mỗi bài ca trù chứ không học vẹt ai chỉ đâu làm thế” – đào nương Đỗ Quyên nói. Theo đào nương, khi mới tiếp nhận Tú Thanh, đào nương Đỗ Quyên rất lo tuổi nhỏ, cháu sẽ không nắm được nhưng chỉ sau 2 tuần học, Tú Thanh đã ca được đàn, đánh được phách, hát được những nốt cao mà không phô. “Tú Thanh thực sự là một nhân tố hiếm gặp, tài năng nhí có thể thành trong tương lai nếu như được đào tạo bài bản” – đào nương Đỗ Quyên chia sẻ.
Nói về những hào quang chớm nở đến với cô ca nương nhí 6 tuổi Tú Thanh, gia đình em không hề đặt kì vọng nào cho cô bé nhưng dường như Tú Thanh vẫn muốn được tham gia các cuộc thi khác để được biểu diễn tài năng của mình. “Cháu còn muốn tham gia thi Giọng hát Việt nhí nhưng gia đình cũng đang cân nhắc” – chị Huế tâm sự.
Thật không thể phủ nhận được tài năng vốn có của cô bé Tú Thanh, niềm tự hào của gia đình, nhà trường và thành phố Cảng, thế nhưng để gọt giũa được tài năng nhí này cần phải có sự phối hợp của gia đình cũng như những người có chuyên môn. Theo như đào nương Đỗ Quyên cho biết, ca trù Hải Phòng hoàn toàn có thể có được thế hệ kế cận như Tú Thanh song nếu như gia đình không quản lý phù hợp có thể sẽ có những “tác dụng phụ”. “Giọng Tú Thanh chưa ổn định, nếu cái chất của cháu bị lạm dụng như học nhiều, biểu diễn nhiều thì có thể khi phát triển chất giọng của Thanh sẽ bị mất đi” – đào nương Đỗ Quyên cho biết.
Với những điều nhỏ nhặt, Tú Thanh chia sẻ rất cở mở thế nhưng những gì thuộc về âm nhạc dân gian, về những thể cách ca trù em chưa nắm chắc em chỉ “suỵt” rất khẽ và ra hiệu im lặng. Chưa biết rõ con đường tương lai của Tú Thanh sẽ đến đâu nhưng điều đáng quý toát lên ở cô bé này là sự tự tin, hồn nhiên và say nghề đến lạ.

Việt Chinh

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/lao-dong-doi-song/chuyen-chua-ke-ve-ca-nuong-nho-tuoi-nhat-viet-nam-611768.bld