Chuyện chưa kể sau cánh cửa phòng cách ly bệnh nhân nhiễm Covid-19

Bác sĩ Cấp không quên ngày nhóm người đầu tiên bị cách ly đến từ Trung Quốc và châu Âu vì chờ đợi kết quả lâu mà họ bức xúc, thậm chí nặng lời với nhân viên bệnh viện.

Trực chiến 24/24 giờ trong buồng bệnh

Trở về từ phòng cách ly Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương (Đông Anh, Hà Nội), ThS. BS Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu bước đi vội vã. Ông ngồi xuống ghế, rót tạm chén nước chè đã nguội lạnh vì pha từ sáng chưa kịp uống. Ông nói với phóng viên: "Tôi chỉ có 10 phút để trò chuyện, sau đó còn tranh thủ ăn trưa, bệnh nhân đang chờ tôi”.

Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương là nơi điều trị khỏi cho 3 người dương tính với Covid-19 (nCoV). Nơi đây cũng đang điều trị cho hai bệnh nhân nhiễm Covid-19 (nCoV) và thực hiện xét nghiệm nhiều người có biểu hiện ho, sốt...

Dù khẩu trang che kín mặt, nhưng đôi mắt đỏ hoe vẫn lộ rõ bởi bác sĩ Cấp cũng như nhiều cán bộ y tế tại đây đã nhiều đêm không ngủ. Giọng nói chậm rãi, bác sĩ cho biết, ngay từ trước Tết Nguyên đán khi dịch chưa vào Việt Nam, bệnh viện quán triệt tất cả các nhân viên sẽ trực Tết. Toàn bộ y, bác sĩ không đi đâu xa, huy động phải có mặt ngay, "sẵn sàng chiến đấu".

Vì thế, nhiều anh em bác sĩ phải hủy bỏ hết các kế hoạch dự định, sẵn sàng ứng phó tốt nhất khi dịch xuất hiện.

ThS. BS Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương- người trực tiếp điều trị cho các bệnh nhân dương tính Covid-19 (nCoV).

ThS. BS Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương- người trực tiếp điều trị cho các bệnh nhân dương tính Covid-19 (nCoV).

Giữa Tết Nguyên đán, dịch nhen nhóm vào Việt Nam và bắt đầu có những bệnh nhân phải cách ly. Toàn bộ nhóm kỹ thuật khi đó đều sẵn sàng vào giai đoạn vận hành, bất kể đó là ngày Tết hay không.

Nhóm gồm các bác sĩ điều trị, bác sĩ phòng chống nhiễm khuẩn và bác sĩ dinh dưỡng. Tất cả đều được huy động cùng vào cuộc ngay từ những ngày đầu tiên.

Công việc ban đầu vô cùng gấp rút, chúng tôi thực hiện phân chia, bố trí khu vực cách ly cho các bệnh nhân. Toàn bộ bệnh viện khẩn trương đưa các bệnh nhân đang điều trị sang những vị trí khác, dành chỗ cho việc cách ly tuyệt đối an toàn", bác sĩ Cấp nhớ lại.

Lãnh đạo bệnh viện khi ấy họp bàn, tính toán cung ứng các trang thiết bị, vật dụng hậu cần đảm bảo cho những người thuộc diện cách ly có cuộc sống ổn định về mặt vật chất và tinh thần.

Tất cả những phần việc trên đều gấp rút hoàn thành chỉ trong buổi sáng. Do dịch diễn biến phức tạp, lại vào dịp Tết nên việc huy động các nguồn lực gặp vô vàn khó khăn, nhất là việc đảm bảo suất ăn, vệ sinh buồng bệnh cho các bệnh nhân.

Tính mạng bệnh nhân là trên hết

Bác sĩ nhớ nhóm người cách ly đầu tiên là công dân nước ngoài, khách du lịch đến từ Trung Quốc và châu Âu, nên nhu cầu của họ về mọi mặt khá cao.

Chỗ ăn chỗ ở chưa được như họ kỳ vọng. Người châu Âu không thích ồn ào, nhưng người Trung Quốc lại thích trò chuyện. Cộng thêm do đồ ăn không hợp khẩu vị và thời gian chờ đợi kết quả giải trình tự gene lâu nên nhiều người bức xúc. Có người còn nặng lời với nhân viên bệnh viện, rồi đòi bỏ ra về.

Do đúng vào dịp Tết Nguyên đán nên việc huy động các dịch vụ là rất khó. Khi đó, có những cuộc họp căng thẳng, kể cả lúc giữa đêm đều đông đủ các bộ phận. Tất cả đều mong muốn tìm hướng giải quyết khuyên nhủ bệnh nhân yên tâm ở lại viện điều trị.

Các bác sĩ, y tá Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương thay phiên nhau túc trực 24/24 giờ bên trong phòng cách ly.

Ở giai đoạn đầu của dịch, việc chẩn đoán cũng gặp những vất vả nhất định, do chưa có chuỗi mồi nên buộc phải sử dụng phương pháp giải trình tự gene. Phương pháp này thường rất lâu, phải 3 ngày mới có kết quả.

Chưa kể, nếu chẳng may mẫu gặp trục trặc là các bác sĩ lại phải làm lại từ đầu, có khi mất tới 6 ngày mới xong. Cũng vì lý do này mà khiến nhiều người bức xúc.

Theo bác sĩ Cấp, đặc trưng của chống dịch là đảm bảo hiệu quả tối đa cả tâm lý và phác đồ điều trị nên khi gặp những khó khăn này, các bác sĩ bắt buộc phải xoay sở, lựa chọn những phương án tối ưu nhất. Tuy không đạt được mức bệnh nhân hài lòng nhưng ít nhất người bệnh phải thật an toàn.

Sứ mệnh của bác sĩ là cứu chữa người bệnh

Khó khăn chồng chất khó khăn, nhưng hơn ai hết, bác sĩ Cấp và đồng nghiệp hiểu trách nhiệm một người bác sĩ. "Sứ mệnh của người bác sĩ chính là cứu chữa người bệnh. Hơn ai hết, tôi và các cộng sự luôn phải chuẩn bị tâm lý sẵn sàng hy sinh những mong muốn, lợi ích cá nhân để dốc hết sức bảo vệ sức khỏe và tính mạng của bệnh nhân", bác sĩ Cấp chia sẻ.

Khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương luôn trong tình trạng cách ly tuyệt đối nhất.

Nguy cơ lây nhiễm của các bác sĩ luôn là cao nhất, vì tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân gần như 24/24. Các bác sĩ ở Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương luôn đặt ra phương châm “Muốn công tác chống dịch hiệu quả, trước tiên phải đảm bảo tính mạng cho nhân viên y tế. Nhân viên y tế có sống thì bệnh nhân mới sống được". Đây cũng là kinh nghiệm xương máu trong tất cả các vùng dịch.

Biết rằng nguy cơ lây nhiễm luôn rình rập, nhưng chứng kiến ánh mắt lo lắng, đầy sợ hãi của mỗi bệnh nhân, bác sĩ Cấp và đồng nghiệp luôn lấy đó là động lực để tiếp tục chiến đấu, giành sự sống cho họ. Họ gác lại mọi thứ, cả gia đình để vì bệnh nhân trong phòng cách ly kia.

Nguồn VTC: https://vtc.vn/benh-va-thuoc/nhung-chuyen-chua-ke-sau-canh-cua-phong-cach-ly-benh-nhan-nhiem-virus-corona-ar527153.html