Chuyện chưa kể ở lớp học tình thương, nơi học trò là 'viên ngọc quý'

Hơn 10 năm qua, lớp học tình thương của anh Huỳnh Quang Khải luôn là ngôi nhà thứ hai của những em nhỏ khó khăn trên địa bàn quận 12.

Tại một góc trong con hẻm nhỏ ở phường Hiệp Thành, quận 12, TP.HCM, người ta thường thấy một lớp học nhỏ, vẫn âm thầm, đều đặn mở cửa từ 18h45 đến 20h45 từ thứ Hai đến thứ Sáu hàng tuần.

Đó chính là lớp học tình thương Ngọc Việt, nơi đã thực hiện ước mơ cho biết bao trẻ em nghèo được đến lớp, được biết chữ.

Từ đồng cảm đến đồng hành

Lớp học 0 đồng này được anh Huỳnh Quang Khải, 29 tuổi, hướng dẫn viên du lịch, cùng vài người bạn thành lập vào năm 2009.

Trước đây, khi thấy trong khu phố có nhiều em có hoàn cảnh khó khăn, không đủ điều kiện đến trường, anh mở lớp học. Học sinh chủ yếu là con em công nhân viên, lao động trong khu vực.

Thầy giáo Huỳnh Quang Khải luôn dành cả tâm huyết cho từng buổi lên lớp.

Thầy giáo Huỳnh Quang Khải luôn dành cả tâm huyết cho từng buổi lên lớp.

Duy trì được vài năm, đến năm 2013, do bận rộn với lịch trình của một hướng dẫn viên, không có thời gian đứng lớp, anh Khải đóng cửa lớp học một thời gian.

Bẵng đi khoảng 2 năm, đến năm 2015, anh Khải gặp lại học trò cũ bán vé số dạo, nhặt ve chai ngoài đường. Bọn trẻ năn nỉ tiếp tục mở lớp để chúng có cơ hội đi học như bạn bè đồng trang lứa, khi ấy anh không thể cầm lòng. Thế là lớp học tình thương được “hồi sinh”, duy trì và phát triển đến tận bây giờ.

Khoảng thời gian đầu, các em được đưa lên gác nhà anh Khải để học. Dần dần, số học sinh càng ngày càng đông, anh Khải phải tận dụng khoảng sân trước nhà, trước đây là nơi nuôi gà, chừng 10m vuông, mua vật liệu rồi lợp mái tôn dựng thành lớp học.

“Hồi đó chưa có cái nền, mấy thầy trò phải trải bạt ra ngồi, đốt đèn cầy lên học. Sau này, mới làm được nền xi măng, tôi câu điện cho tụi nhỏ học, trời mưa thì cả lớp bỏ chạy vì không có mái che. Sau đó, lúc có tiền tôi mới từ từ xây dựng nên lớp này”, anh kể.

Về sau, học sinh đến nhiều hơn, thầy Khải mở thêm một phòng học khang trang ở khoảng sân phía sau nhà và chia thành hai nhóm, một nhóm là các em lớp 1, 2; nhóm còn lại là các em lớp 3, 4.

Không những thế, anh còn mời cô Hồ Thị Nho, 78 tuổi, giáo viên chủ nhiệm cũ của mình về giảng dạy cho các em.

Khi Covid-19 bùng phát, số học sinh đến lớp giảm hơn một nửa. Từ đó, người thầy này vẫn luôn canh cánh một nỗi lo, những học trò của mình sẽ không còn cơ hội tiếp tục học hành.

Anh tâm sự: “Hồi đầu, tôi mở lớp dạy cùng mấy đứa bạn cũng chỉ vì thấy tụi nhỏ tội nghiệp. Vậy mà càng dạy, tôi càng cảm nhận nhiều hơn sự đồng cảm giữa tôi với chúng. Thế là cứ đứa nào nghỉ tôi lại lo. Bản thân tôi cũng không nỡ bỏ lớp, bỏ học sinh của mình”.

Học trò là những “viên ngọc”

Theo chia sẻ, lý do anh Huỳnh Quang Khải đặt tên lớp học là Ngọc Việt vì “Ngọc” là viên ngọc, còn “Việt” trong Việt Khải là nghệ danh của anh khi còn làm MC đám cưới.

“Mỗi học sinh đến đây đều là một viên ngọc quý. Tôi thương tụi nhỏ như con ruột của mình. Hễ ngày nào không gặp chúng là ngày đó tôi buồn”, anh nói.

Ở lớp, ngoài Toán và Tiếng Việt, mỗi tuần các em còn được học một buổi về đạo đức, nhân cách sống.

Tại đó, các em được chia sẻ và giải đáp khúc mắc của mình về cuộc sống, những vấn đề ở tuổi mới lớn, cũng như lắng nghe những lời chỉ dạy, đúc kết từ trải nghiệm sống của chính thầy Khải.

Các em học sinh có cơ hội tham gia các buổi vui chơi, hoạt động ngoại khóa do thầy Khải tổ chức.

Câu nói “Sống là cho đi” được anh viết ra, dán ở ngay bảng tên của lớp, vì đó là một trong những điều đầu tiên anh mong muốn các học trò của mình thấu hiểu.

Học sinh Đỗ Quang Hiếu, 10 tuổi, cho biết, em đã học tại lớp học tình thương này hơn một năm và đang học lớp 3. Hiếu kể: “Em thích học ở đây vì đi học vui, có thầy, có các bạn. Thầy Khải đôi khi nóng tính nhưng cũng có nhiều lúc rất hài hước. Thầy còn hay tổ chức những buổi đi chơi, cắm trại để chúng em được trải nghiệm nhiều hơn”.

Không những thế, anh Khải còn đặt may đồng phục của lớp để các em có cảm giác được đi học ở trường như các bạn, cũng như tự tay thiết kế giấy khen dành cho những học sinh khá, giỏi để động viên các em.

Cũng tại lớp học đơn sơ này, thầy Khải cùng các trò tự tay trang trí lớp theo chủ đề từng mùa, một phần để lớp học trở nên sinh động, một phần khiến những đứa trẻ thiếu thốn tình cảm này cảm nhận được sự ấm áp, vui tươi của các mùa lễ hội.

Bên cạnh đó, anh còn dạy các em nhỏ xếp hạc giấy, tự tay viết vào đó ước mơ của mình và treo ở góc lớp, như một lời nhắc nhở bản thân phải luôn cố gắng để đạt đến ước mơ đó.

Em Giang Thị Ngọc Diễm, 12 tuổi, chuyển lên TP.HCM sau khi bỏ học giữa chừng vào năm lớp 4, khi em 9 tuổi. Hiện tại, em đang học lớp 3 tại lớp học tình thương của thầy Khải.

Diễm hồn nhiên cho biết: “Em mong muốn sau này trở thành một giáo viên giỏi. Nếu lớp học còn tồn tại đến lúc đó, em sẽ xin thầy cho em đứng lớp. Không có tiền cũng không sao, miễn là em có thể làm điều mình thích, dạy lại cho những đứa nhỏ có hoàn cảnh như mình là vui lắm rồi”.

Cứ thế, mỗi ngày trôi qua, tiếng giảng bài của thầy, tiếng ê a đọc chữ, vui vẻ cười đùa của học sinh vẫn luôn rộn rã tại một góc trong con hẻm nhỏ.

Dẫu có khó khăn, dẫu bao lời đàm tiếu, mỉa mai của những người còn hoài nghi, anh Huỳnh Quang Khải chưa từng có ý nghĩ bỏ cuộc. Anh cho biết, mình sẽ duy trì lớp học này đến khi nào anh không còn đủ sức nữa thì thôi.

Thư viện tình thương được đặt tại một góc nhỏ trong lớp.

Nói về lớp học của anh Khải, bà Mai Thị Thu Thảo, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy phường Hiệp Thành cho biết: “Cũng từng là cán bộ Đoàn, tôi đánh giá cao và nể phục Khải về những gì em ấy làm. Khải tổ chức lớp học dù công việc của em ấy là một hướng dẫn viên du lịch, đi nhiều, ít cố định về thời gian. Trong quá trình dạy học còn nghĩ ra nhiều hình thức khen thưởng để động viên các em học tốt”.

Y.N

Yến Nhi

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/chuyen-chua-ke-o-lop-hoc-tinh-thuong-noi-hoc-tro-la-vien-ngoc-quy-a491894.html