Chuyện chưa kể ca ghép gan 2 lần xin về 'chờ chết'

'Lo bệnh tình của cháu quá nặng, có thực hiện ghép gan cũng khó thành công nên gia đình xin cho cháu về. Trước khi ghép, bé bị hôn mê, gia đình không đồng ý ghép nữa và tiếp xin về 'chờ chết' nhưng không ngờ, ca ghép đã thành công', chị Vui chia sẻ.

Hơn 1 tuần sau ca ghép gan, sức khỏe bé Dương Thị Phương Mai (15 tuổi, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa) tiến triển nhiều. Da bé còn vàng nhưng không như trước nữa. Lúc này, bệnh nhân đã tỉnh táo, nói chuyện được và ăn uống tốt. Dù vậy, bé vẫn phải nằm trong phòng vô trùng để các bác sĩ theo dõi và chăm sóc.

Trò chuyện với chúng tôi, bé Mai cho biết rất nhớ nhà. Mai chỉ mong muốn nhanh được xuất viện để được về với hai em, nhất là em út, Mai muốn được bế để cưng em.

Mai đang được chăm sóc tại Trung tâm Ghép tạng (BV Việt Đức)

Tại phòng hồi sức, anh Dương Văn Tiến, bố đẻ bệnh nhân cho biết hiện tại sức khỏe đã hồi phục, ăn uống tốt.

Nói về đứa con thân yêu, anh ngậm ngùi: “Thành công này ngoài sức mong đợi. Đã có thời điểm chúng tôi tưởng mất con mãi mãi, bởi bệnh bé quá nặng nhưng đến nay, bé đã qua cơn nguy kịch”.

Chia sẻ về việc hiến gan, anh bảo là bố mẹ ai cũng mong con mình được khỏe mạnh. Vì vậy, khi hay tin ghép gan có thể cứu được con, vợ chồng anh đã bàn tính rất kỹ. Tuy nhiên, cái khó là chi phí ghép quá cao mà gia đình không thể lo được. Khi BV cho biết, sẽ được hỗ trợ thì anh đồng ý hiến gan ngay.

“Vợ chồng chúng tôi đều đăng ký hiến nhưng cô ấy sức khỏe yếu, tôi sợ chịu không nổi khi phẫu thuật nên quyết giành lấy phần hiến gan cho con”, anh Tiến cười.

Anh Dương Văn Tiến, bố bé Mai

Chị Nguyễn Thị Oanh, người nhà bệnh nhi cho biết, cách đây 2 năm, Mai có biểu hiện vàng da, mệt mỏi. Gia đình đã đưa đi nhiều nơi nhưng không tìm ra bệnh. Khoảng sau Tết Nguyên đán 2017, sức khỏe của Mai ngày càng yếu. Gia đình đưa bé ra BV Đa khoa Tĩnh Gia (Thanh Hóa) rồi chuyển tới BV Bạch Mai. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán Mai suy gan nhưng chưa tìm ra nguyên nhân. Sau đó, bệnh nhân Mai được chuyển sang BV Nhi TƯ và được chẩn đoán suy gan do hội chứng Wilson. Bệnh nhân được chuyển đến BV Việt Đức để điều trị. Các bác sĩ cho biết, chỉ ghép gan mới cứu sống được bé.

Nhớ lại thời điểm trước khi Mai được mổ, chị Nguyễn Thị Vui, bác của bệnh nhi cho biết: Chúng tôi cũng không hy vọng gì nhiều, bởi tỷ lệ thành công rất thấp. Hơn nữa, gia đình cũng không có tiền nên gia đình xin về nhưng BV nói là miễn phí cho ca mổ.

Trước khi phẫu thuật, vào sáng ngày 29/3, Mai hôn mê, có dấu hiệu suy hô hấp. Gia đình đã quyết định không đồng ý tiến hành ghép gan vì sợ cháu không qua được. Vì vậy, gia đình đã ký giấy xin về và đưa Mai ra xe về “chờ chết”. Lúc ấy, các bác sĩ bảo, vẫn có thể cứu được, còn nước còn tát. Sau một lúc, gia đình bàn bạc, rồi đồng ý thực hiện ca ghép.

Chị Nguyễn Thị Vui, người nhà bệnh nhân Mai

"Trong lúc các bác sĩ thực hiện phẫu thuật, chúng tôi ở ngoài hành lang đứng ngồi không yên. Chỉ đến khi ca mổ thành công, tôi và Oanh (mẹ bé) ôm chầm lấy nhau. Chị Oanh khóc, tôi cũng khóc. Chúng tôi chỉ biết cảm ơn bác sĩ”, chị Vui nói.

Cũng theo chị Vui, ở quê, gia đình anh Tiến thuộc diện hộ nghèo. Để có thể lo cho gia đình, vợ chồng anh đi phụ hồ để kiếm tiền. Cách đây 2 năm, trong lúc phụ hồ, chị Oanh đã bị tai nạn lao động khiến sức khỏe bị ảnh hưởng. Hiện chị Oanh không còn làm được những việc nặng nữa nên rất ít người thuê. Khi Mai bị bệnh, gia đình chật vật xoay tiền để điều trị cho con. Đến nay, số tiền nợ cũng lên đến hàng trăm triệu đồng.

Trước đó, như PNVN đã thông tin, chiều ngày 3/4, Trung tâm Ghép tạng (BV Việt Đức) đã thực hiện thành công ca ghép gan cho bệnh nhi Mai. Theo các bác sĩ, đây là ca ghép gan khó nhất Việt Nam từ trước đến nay và rất ít gặp trên thế giới. Đến nay, sức khỏe của cả người hiến và nhận đã ổn định.

Như Ngọc

Nguồn Phụ Nữ VN: http://phunuvietnam.vn/khoe/chuyen-chua-ke-ca-ghep-gan-2-lan-xin-ve-cho-chet-post25517.html