Chuyện chưa biết về kỳ tích ca ghép phổi đầu tiên từ người cho chết não

Làm thế nào để thực hiện lấy cả tim và phổi cùng lúc từ người hiến chết não, bảo toàn được cả hai tạng này thực hiện hai ca ghép, trong đó có một ca nhận tạng cách cả nghìn cây số? Đây là một kỳ tích mà các bác sĩ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã chinh phục được thành công, đánh dấu một bước tiến lớn trong lĩnh vực ghép tạng.

Các bác sĩ tiến hành ca ghép tạng tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.

Các bác sĩ tiến hành ca ghép tạng tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.

40 giờ cân não cho một cuộc chiến kỳ tích

Người hiến tạng là một nam giới 45 tuổi bị chết não, đã được bố mẹ, người vợ thân yêu và toàn thể gia đình đồng ý quyết định hiến tạng của anh, để mong muốn nối tiếp những cống hiến còn dang dở của anh cho cuộc đời. Quyết định ấy đã giúp cho sáu người có cơ hội được cải thiện cuộc sống, và có những người được kéo dài tuổi đời thêm nhiều năm nữa.

Cuộc ghép tạng xuyên Việt lần này diễn ra vào ngày 26-2 tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 mang nhiều dấu ấn đặc biệt. Mà một trong những dấu ấn đó, chính là ca ghép phổi đầu tiên từ người cho chết não, khó khăn và phức tạp hơn so với một ca ghép phổi từ người cho sống.

TS. Ngô Vi Hải, Chủ nhiệm khoa Phẫu thuật tim mạch, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, chỉ 15% bệnh nhân chết não có đủ điều kiện hiến phổi. Và để lấy được phổi, phải có kỹ thuật rất chuyên sâu, mới thực hiện thành công ca ghép, giúp phổi hoạt động tốt ở cơ thể người nhận.

Các bác sĩ chuẩn bị tiến hành ca ghép tạng.

Thách thức lớn nhất với kíp phẫu thuật là phải giải được bài toán bảo toàn cả tim và phổi ghép cho người nhận. Nếu bác sĩ chỉ phẫu thuật lồng ngực đơn thuần sẽ không thể phẫu thuật được tim và ngược lại. Vì thế, người thực hiện kỹ thuật này phải có kỹ năng rất tốt về tim mạch, để làm sao thực hiện nối được những mạch lớn, thậm chí phải xác định dùng tuần hoàn ngoài trong những trường hợp đặc biệt.

Vì sao ghép phổi được cho là ghép tạng khó nhất? BS Hải phân tích: bảo vệ cả hai tạng tim và phổi cùng lúc rất nhiều thách thức. Trong kỹ thuật lấy phổi, khi cắt tâm nhĩ trái cần phải lấy tĩnh mạch phổi rộng. Trong khi đó, để thực hiện ghép tim, cũng cần vạt nhĩ trái của người hiến đầy đủ. “Người phẫu thuật viên phải tính toán làm sao cắt cho phù hợp để kíp ghép phổi và ghép tim đều không thiếu hụt tổ chức. Phải phối hợp rất đồng bộ trong việc lấy tim và phổi người hiến, lấy tim trước rồi tiến hành lấy phổi sau” – BS Hải nói.

Nhưng khó khăn lớn hơn cả với các bác sĩ, đó là việc hồi sức và bảo toàn được chức năng của phổi, để lấy tạng này còn khỏe mạnh khi cơ thể người cho chết não đã suy kiệt.

Trung tướng, GS.TS Mai Hồng Bàng, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 phân tích, ở một người cho chết não, vấn đề hồi sức cho phổi đủ điều kiện ghép khó hơn các tạng khác rất nhiều. “Khi bệnh nhân chết não sẽ bị rối loạn các chức năng cơ thể. Nếu muốn giữ gan và thận, các bác sĩ phải truyền dịch nhiều nhưng khi truyền dịch gây phù phổi sẽ hỏng phổi. Phổi là tạng rất dễ bị nhiễm trùng, nhất là với những người phải nằm lâu hồi sức. Vì thế, trong quá trình hồi sức, khó khăn nhất là phải có sự cân bằng bảo vệ tất cả các tạng” – GS.TS Mai Hồng Bàng cho biết.

GS.TS Mai Hồng Bàng động viên vợ và con bệnh nhân H yên tâm về sức khỏe của anh H sau khi ghép phổi.

Mặc dù được đánh giá là một kỹ thuật khó vì phải lấy ghép đa tạng (tim, phổi, thận, giác mạc) chỉ trong vòng 10 giờ đồng hồ ở nhiều đơn vị khác nhau, rất thụ động cho một cuộc ghép tạng xuyên quốc gia và thực hiện một kỹ thuật khó như ghép phổi, nhưng với sự chuẩn bị rất kỹ càng, 60 nhân viên y tế thạo nghề nhất của bệnh viện được huy động cho “trận chiến này”. Các bác sĩ thực hiện hội chẩn liên viện, mời các chuyên gia từ Bệnh viện Việt Đức, Chợ Rẫy hội chẩn. Để bảo đảm về mặt chuyên môn, bệnh viện cũng hội chẩn quốc tế với các bác sĩ tại Bệnh viện Foch – Pháp để tiến hành ca ghép phổi.

Là người trực tiếp được đi học kỹ thuật ghép phổi tại Bệnh viện Foch, Pháp và đã tham gia vào khoảng 40 ca ghép phổi, TS Ngô Vi Hải nói, rất may mắn đối tác là Bệnh viện Foch đã chuyển giao kỹ thuật tối ưu cho Bệnh viện 108, trong đó đặc biệt chú trọng đến kỹ năng của phẫu thuật viên và quy trình gây mê của bác sĩ gây mê.

“Ở nhiều trung tâm khác, để ghép phổi phải tiến hành cắt ngang xương ức người bệnh, phẫu thuật rộng hơn nhưng quá trình sau mổ rất phức tạp. Tại Foch, chúng tôi học được kỹ thuật rất tốt với hai đường mở ngực bệnh nhân bé. Phẫu thuật viên có thể hơi khó thực hiện thao tác nhưng nó giúp bệnh nhân được phục hồi hậu phẫu rất tốt. Tại Bệnh viện Foch, 50% bệnh nhân có thể rút ống nội khí quản ngay trên bàn mổ. Còn trường hợp ghép phổi đầu tiên tại Bệnh viện 108, bệnh nhân kết thúc mổ vào 18 giờ chiều ngày 26-2 đã có thể rút ống nội khí quản vào lúc 9 giờ sáng ngày 27-2 (15 giờ đồng hồ sau mổ). Bệnh nhân hồi phục giống như một ca phẫu thuật lớn trong lồng ngực khác” – TS Hải cho biết.

Cơ hội nối dài sự sống

Việt Nam đã có nhiều ca ghép tạng thường quy tim, gan, thận, ghép tụy, ghép tế bào gốc… Việt Nam cũng đã chinh phục ca ghép phổi đầu tiên từ người cho sống tại Bệnh viện Quân y 103 vào năm 2017. Nhưng đây là lần đầu tiên, Việt Nam chinh phục được ca ghép phổi từ người cho chết não.

Bệnh nhân may mắn nhận phổi lần này là anh Trần Ngọc H, quê Nam Định, sinh năm 1964. Từ bé, anh H mắc bệnh ho gà, và dần dần bị suy hô hấp do bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính giai đoạn cuối. Những ngày cuối năm 2017, sức khỏe anh dần suy kiệt, bị suy hô hấp nặng, rất nhiều lần phải cấp cứu, thở ô-xi và có thể tử vong bất kỳ lúc nào. Ghép phổi là cơ hội duy nhất dành cơ hội sống cho người bệnh.

Chị Trần Thị H, vợ anh H cho biết, chiều ngày mùng 9 Tết, gia đình nhận được cuộc gọi từ bệnh viện nhập viện sớm để chuẩn bị ghép phổi. “Dù gia đình rất lo lắng vì chưa biết gì về ghép phổi lại chưa có ca ghép phổi nào đầu tiên ở Việt Nam. Nhưng anh H đã quyết định ghép tạng nên gia đình hoàn toàn tôn trọng anh ấy và tin tưởng vào đội ngũ y, bác sĩ của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108”.

Sức khỏe bệnh nhân ổn định sau ca ghép phổi.

Ngày thứ 18 sau ghép phổi, bệnh nhân H đã tự thở, thông khí phổi, thông khí máu, sức khỏe ở trạng thái ổn định, tự thở và ăn cháo được. Anh H cho biết, giờ anh đã có thể thở phào tới 80% vì anh cảm nhận được sự thay đổi rõ rệt của bản thân sau ca ghép.

Mặc dù, hành trình hồi sức, chăm sóc đặc biệt, tập luyện vật lý trị liệu, chống thải ghép ở phía sau còn nhiều thách thức vì liên quan trực tiếp đến vấn đề thông khí, nhưng sau ca phẫu thuật thành công, cơ hội nối dài sự sống của anh đã trở thành hiện thực. Trên thế giới sau ghép phổi, tỷ lệ sống năm đầu tiên là 90%, sau năm năm là 70%, sau 10 năm là 50%.

40 giờ đồng hồ cho một ca điều phối tạng xuyên quốc gia, một ca ghép phổi đầu tiên diễn ra thuận lợi trong tám giờ phẫu thuật là một kỳ tích mới của lĩnh vực ghép tạng tại Việt Nam. Với sự điều phối của Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã nhanh chóng tìm được người nhận phù hợp từ danh sách chờ ghép của các Bệnh viện Việt Đức, Chợ Rẫy.

Kết quả này có được nhờ hành trình chuẩn bị chu đáo cả về chuyên môn, kỹ thuật và cơ sở vật chất trong hai năm qua của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Bên cạnh chinh phục kỳ tích ca ghép phổi đầu tiên, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 còn thực hiện chuyển tạng xuyên quốc gia gồm tim và thận vào Bệnh viện Chợ Rẫy. Vì khả năng bảo quản của tim chỉ sáu giờ đồng hồ và thận không quá 18 giờ đồng hồ, các bác sĩ thực hiện lấy tim trước và cho chuyển ngay lên máy bay vào TP Hồ Chí Minh tiến hành ghép cho bệnh nhân suy tim giai đoạn cuối. Sau đó, các bác sĩ tiến hành lấy thận, vận chuyển ở chuyến máy bay kế tiếp, để bảo đảm thời gian vàng cho tạng. Bệnh viện cũng điều phối một giác mạc cho Bệnh viện Mắt Trung ương.

Từ kỳ tích tuyệt vời này, TS Hải cho biết, không chỉ dừng ở việc đào tạo và chuyển giao kỹ thuật mổ, tới đây, bệnh viện sẽ mời thêm các giáo sư, chuyên gia đầu ngành về hô hấp của Bệnh viện Foch sang Việt Nam, tiếp tục đào tạo về theo dõi điều trị sau mổ, kiểm soát những vấn đề có thể xảy ra, chẩn đoán bệnh, phòng chống thải ghép.

Thực hiện thành công ca ghép phổi đầu tiên tại Việt Nam từ người cho chết não

THẢO LÊ - THIÊN LAM

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/suckhoe/tieu-diem/item/35809102-chuyen-chua-biet-ve-ky-tich-ghep-phoi-dau-tien.html