Chuyện... 'chợ cóc'

Không cần ki-ốt hay mái che, không người quản lý, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, vệ sinh môi trường... đó là những tác hại mà 'chợ cóc' (hay còn gọi chợ tự phát) mang lại.

Chợ tự phát gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động thương mại, an toàn giao thông cũng như vệ sinh môi trường.

Những năm gần đây, mặc dù các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã tuyên truyền, vận động và có biện pháp dẹp bỏ, thế nhưng “chợ cóc”, chợ tạm vẫn tồn tại, gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động thương mại, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường.

Theo ghi nhận của phóng viên, trên địa bàn TP Thanh Hóa, chợ “cóc” tồn tại ở khá nhiều nơi. Cứ vào mỗi buổi sáng hay cuối chiều tại khu vực chợ cóc Tân An, chợ cóc Đông Thọ... luôn tấp nập kẻ bán, người mua. Ở đây, có đầy đủ các loại mặt hàng phục vụ đời sống của người dân. Những phản thịt, những hàng hoa quả, hàng rau, thủy, hải sản... thi nhau bày tràn lan dọc hai bên vỉa hè, lòng đường, gây cản trở an toàn giao thông.

Lý giải thói quen mua thực phẩm tại chợ tự phát, chị Nguyễn Thị Hà, phường Lam Sơn chia sẻ: “Nhiều hôm đi làm về muộn nên tôi thường mua thực phẩm ở những chợ cóc, chợ tạm. Ở đây hầu như mặt hàng nào cũng có, lại có thể dễ dàng dừng xe mua vài thứ đồ rồi đi luôn, không cần tốn thời gian như đi chợ truyền thống, siêu thị hay cửa hàng”.

Không cần ki-ốt hay mái che, người ta tận dụng những khu đất trống trải bạt rồi bày hàng bán. Cũng có người trưng hàng ngay trên xe máy, xe đạp bằng một cái rổ nan, hai cái sọt theo kiểu xe thồ hình thành nên những “chợ cóc, chợ tạm” ven đường nằm bên cạnh các khu công nghiệp dành cho công nhân. Chợ họp từ khoảng 16h đến 19h với đa dạng các loại hàng hóa phục vụ nhu cầu thiết yếu của người lao động.

Tại Khu Công nghiệp Hoàng Long (TP Thanh Hóa), khoảng 16h30’ cũng là thời điểm hoạt động nhộn nhịp nhất của khu chợ cóc, chợ tự phát. Đây là thời điểm hàng nghìn công nhân ra về sau giờ tan ca nên chợ luôn tấp nập người mua bán các loại mặt hàng phục vụ đời sống.

Gọi là chợ tạm, nhưng hàng hóa bày bán tại đây rất đa dạng, phong phú với đầy đủ các mặt hàng, từ quần áo, đồ gia dụng, giày dép... đến cá, thịt, rau các loại. Tuy nhiên về nguồn gốc xuất xứ, các điều kiện an toàn vệ sinh thì vẫn là dấu chấm hỏi. Đó là chưa kể đến việc những mặt hàng này được bày bán ở lòng đường, lề đường, rồi bụi đường, khói xe...

Đang cầm bó rau trên tay, chị Nguyễn Thị Nh., Công ty TNHH Giày Aleron Việt Nam bộc bạch: “Giá cả các mặt hàng ở đây tương đối hợp lý, phù hợp với thu nhập của công nhân, lại không mất thời gian cho việc di chuyển vì vậy sau giờ tan ca nhiều người thường ra đây mua thức ăn về chuẩn bị cơm tối cho cả gia đình. Thế nên, cũng không quan tâm nhiều đến những vấn đề khác lắm!”.

Cũng như chị Nh., chị Hoàng Thị H., Công ty TNHH Giày Rollsport Việt Nam chia sẻ: “Nhiều khi qua các kênh truyền thông cũng biết hàng hóa ở những khu chợ cóc, chợ tạm thường không được đảm bảo, đặc biệt là các loại thực phẩm tươi sống nhưng do thu nhập có hạn, lại tiết kiệm được thời gian nên tôi vẫn cứ mua”.

Tại Khu Công nghiệp Lễ Môn (TP Thanh Hóa) cũng diễn ra tình trạng tương tự. Đặc biệt, việc công nhân dừng lại mua hàng hóa ở dọc các tuyến đường đã gây tắc nghẽn, khiến việc đi lại của người dân thêm phần khó khăn, nguy hiểm.

Khi được hỏi, nhiều người mua đều cho biết là rất lo ngại tai nạn giao thông nhưng vì tiện trên đường về nên ghé vào mua cho nhanh. Chính sự tiện đó mà phần lớn công nhân làm việc trong các khu công nghiệp trên địa bàn sau giờ tan ca về đều không vào chợ mà lựa chọn mua hàng hóa tại một số chợ tự phát. Thực tế trên càng khiến cho các hộ, cá nhân có hàng hóa tập trung ra chợ cóc để buôn bán thay vì phải vào chợ theo quy định.

Cái không có lợi đầu tiên của “chợ cóc” chính là gây cản trở giao thông, tiềm ẩn tai nạn giao thông và mất mỹ quan. Chợ cóc thường họp vào đầu buổi sáng và cuối buổi chiều, đây là thời điểm mật độ người và phương tiện tham gia giao thông đông. Trong khi đó, người bán, người mua tại các chợ cóc đều lấn chiếm vỉa hè, lòng, lề đường dẫn đến nguy cơ gây ùn tắc, mất an toàn giao thông.

Cũng vì tiện nên “chợ cóc” ra đời và tồn tại dai dẳng không chỉ trên địa bàn TP Thanh Hóa mà còn ở các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn toàn tỉnh. “Chợ cóc” chỉ đáp ứng nhu cầu của một bộ phận người dân nhưng lại gây bức xúc cho cơ quan quản lý Nhà nước và cả cộng đồng.

Vì chợ cóc hoạt động không có đơn vị quản lý nên sau mỗi buổi họp chợ, tình trạng nước thải, rác thải xả tràn lan, không có người thu gom, xử lý dẫn tới gây ô nhiễm môi trường. Hình ảnh túi nilon, dây buộc, vẩy cá... vương vãi khắp vỉa hè, lòng đường là cảnh ai cũng có thể bắt gặp sau mỗi buổi chợ cóc họp.

Còn đối với các hộ dân sống tại các khu chợ tạm, chợ cóc mặc dù tạo nhiều thuận tiện trong việc mua bán song bên cạnh đó họ cũng ngán ngẩm bởi tình trạng mất trật tự, ách tắc giao thông và ô nhiễm môi trường.

Một số người dân sống gần chợ tạm Tân An tâm sự: “Vào những giờ cao điểm, tiếng mời chào khách xen lẫn tiếng mặc cả, rồi tiếng còi xe làm cả khu chợ trở nên rất ồn ào gây ảnh hưởng nhiều tới các gia đình sinh sống gần chợ. Đó là chưa kể đến mùi tanh, hôi của những chỗ bán cá, bán gà bốc lên khó chịu”.

Trên thực tế, những năm qua tỉnh Thanh Hóa đã có nhiều chủ trương, biện pháp quyết liệt trong việc dẹp chợ cóc, chợ tạm nhưng hiệu quả đạt được không đáng kể. Đến nay, trên địa bàn tỉnh vẫn còn tồn tại chợ tạm, “chợ cóc”. Điều đáng lo ngại là loại hình chợ này ngày càng có chiều hướng gia tăng và xuất hiện ở nhiều nơi.

Mặt khác, do không hoạt động dưới sự kiểm soát của cơ quan chức năng nên giá cả ở các khu chợ tự phát không ổn định, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm.

Trước tình trạng trên đề nghị cơ quan chức năng có thẩm quyền kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm đang tồn tại để trả lại không gian sạch sẽ thoáng đãng và an toàn cho khu vực.

Vấn nạn “chợ cóc”, chợ tạm đã và đang tồn tại nhiều năm nay và đang là vấn đề nhức nhối, nhưng để giải quyết được vấn nạn này một cách triệt để cần phải có những giải pháp căn cơ, bền vững.

Bài và ảnh: Hoài Thu

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/chuyen-cho-coc/123269.htm