Chuyện chiều thứ 6: Cô Dung 'sịp'

Anh Thắng ơi em tội tình chi Mà anh đem bắt em đi khỏi đàn? Giờ học anh cúi xuống bàn Chơi chim dấu diếm đáng ngàn lần chê…

Bài thơ đã ra đời cách đây gần 30 năm, có lẽ cả tác giả bài thơ lẫn nhân vật “anh Thắng” ấy chả ai còn nhớ, vậy mà tôi không thể nào quên được.

Lên cấp II, dù ở ngay Hà Nội song chúng tôi lại học tập tại một ngôi trường dột nát và tệ hại đúng tính chất một ngôi trường làng. Nếu ví Hà Nội là một con cá thì khu vực Kim Liên, Trung Tự, ngõ chợ Khâm Thiên… có thể gọi là vây cá, áp chót của đuôi cá hoặc đại loại thế, còn có cả ao và ruộng nên cũng gọi là quê cũng chẳng sai. Vậy mà ngôi trường làng đó lại có cô Dung- giáo viên dạy Toán ăn mặc rất quý phái và rất hay pha trộn tiếng Pháp vào các bài giảng vì hình như ngày xưa cô học trường Pháp. Bọn tôi, lũ học trò "quân khu" làng Kim Liên, Trung Tự, ngõ chợ Khâm Thiên thì học dốt, nghịch ngợm khỏi phải nói. Nhưng bọn tôi rất ngại cô Dung cũng như sợ học cái môn Toán đó…

Chả hiểu thế quái nào mà trường tôi dù có hẳn mấy ông bảo vệ mặt mày hằm hè trẻ con đứa nào cũng sợ, thế mà công tác an toàn trị an lại vô cùng lỏng lẻo. Chắc vì trường rộng, tường thấp nên bọn trẻ xung quanh toàn lợi dụng “thời tiết xấu” vào ị bậy. Cho đến giờ tôi vẫn không thể lý giải vì hình như trong 4 năm học cấp II thì có đến dăm lần lớp được nghỉ vài hôm để dọn vệ sinh. Mà lạ cái, những đứa dọn vệ sinh hăng hái nhất phần lớn là bọn học dốt. Tất nhiên là bà lao công cũng đã dọn sơ qua “phần chính”, nhưng cái “phần phụ” kia mới là phần kinh dị chứ. Bọn học dốt cũng là bọn nghịch như quỷ, toàn tranh thủ cái máy nước trong trường cọ rửa bàn ghế để được vầy nước một cách hợp pháp. Và những ngày “tổng vệ sinh” ấy đã trở thành những ngày vui như tết vì bỗng dưng được nghỉ học, được vui chơi đùa nghịch.

Nhưng vui nhất thì phải kể đến chuỗi ngày được nghỉ học sau mỗi trận mưa to ngập đường tắc cống, đường xá ngập lênh bênh và trường học thì như cái ao bát ngát. Được nghỉ học, bố mẹ thì vẫn đi làm không ai cai quản, chả biết làm gì bọn tôi rủ nhau ra đường “nhảy sóng”, ấy là cái từ do thằng Hòa nghĩ ra vì mỗi khi đang lội nước ngoài đường mà có cái ô tô nào đi qua lại tạo thành sóng mạnh y hệt sóng biển. Nhảy sóng nhiều mệt nhưng vui lắm, về ăn cơm khỏe hơn cả lúc đi học. Nhưng mà tuyệt đối không đứa nào về nhà kể lại cho người lớn nếu không sẽ bị dừng hết vì đây là trò chơi nguy hiểm, dễ bị va chạm với xe cộ đi trên đường. Hết dọn lớp đến ngập đường, ngập trường, chúng tôi cứ triền miên trong những trò vui mà việc học thì gần như chả đoái hoài gì đến thì cô Dung “sịp” xuất hiện. Ấy là khi bước vào đầu lớp 7.

Cô Dung nhiều tuổi rồi, mái tóc phi giê hơi có nhiều sợi bạc, mặc quần âu ống hơi loe, bên trên là những chiếc áo sơ mi vải voan hoa mầu ghi, mầu vàng… nói chung cô mặc rất đẹp và lịch sự. Đối với bọn trẻ trường làng chúng tôi thì cô rất đài các, nghiêm khắc và ghê gớm. Hai cái tính từ đầu tiên thì không nói làm gì, nhưng cái thứ ba chắc chủ yếu do cô dạy môn Toán.

Tại sao cô lại có cái tên kỳ lạ vậy? Đó là cũng từ thằng Hòa mà ra. Là do cô hay mặc quần phăng ống loe, bó phía trên mông và đùi, mỗi khi cô viết bài xuống phía thấp cuối bảng thì cô hay phải khuỵu một chân xuống và vết hằn trên quần cô rõ mồn một. Bọn tôi cũng không để ý mãi đến khi thằng Hòa nó gọi như vậy thế là cả lớp mới nhận ra. Đến giờ ngẫm lại mới thấy cái thằng ấy đầu óc siêu việt, đi trước bọn chúng tôi cả hàng ngàn năm ánh sáng về trường liên tưởng và suy nghĩ khôi hài. Nhưng cô Dung làm sao biết được điều này, cô vẫn ăn mặc như vậy và chỉ khi nào cô cúi xuống thấp quá thì bọn tôi lại nghĩ đến cái tên ấy và nhìn nhau cười. Thế thôi, không hơn không kém!

Nhưng cô Dung “sịp” dạy Toán của chúng tôi lại còn hay làm thơ, nhất là thơ chế diễu, đả kích những đứa học sinh mắc lỗi mất trật tự trong giờ của cô. Bài thơ về “anh Thắng chơi chim” cô ứng khẩu ngay trong lớp làm bọn tôi được một cười nghiêng ngả còn Thắng thì xấu hổ mặt đỏ tía tai và trong suốt 4 năm học cấp II không thấy cậu í mang đến lớp con chim nào nữa. Rồi cô còn lẩy thơ về thói nói dối của thằng Lộc kiểu như “Lộc ơi cậu nói thật mà/ Tại sao cái mũi như là Tino (Buratino)”. Hoặc “Có chàng học trò ngoan/Mang bi vào lớp học/Đi học mà không học/ Trò ngoan thế là cùng”… Đại khái nhìn cái gì cô cũng nói thành thơ, chúng tôi vừa thích vừa ghét những vần thơ châm chích của cô. Nhưng không hiểu sao, lâu dần chúng tôi nhiễm bệnh làm thơ của cô lúc nào không biết. Một hôm thằng Tú thấy thằng Hòa lấy trộm cái áo của con Mai, nó bỗng thốt lên mấy câu: “Mai ơi Mai hỡi Mai à/Áo mày không cất áo thằng Hòa nó vứt đi”. Ô, chúng tôi nghe nó nói xong vỗ tay rầm rầm vì thấy hay quá, du dương quá. Và việc “xuất khẩu thành chương” không ngờ đã trở thành phong trào và khiến cho việc học tập nói chung và học Toán nói riêng trở nên bớt khó khăn từ đó. “Nhà thơ” Dung “sịp” dần được chúng tôi yêu quý hơn.

Cho đến hôm 20/11, chúng tôi đến nhà cô chơi và thêm hiểu hơn về hoàn cảnh của cô. Nhà cô rất khá giả, đẹp đẽ với nhiều đồ dùng sang trọng. Nhưng cô có cậu con trai học lớp ba hơi không bình thường. Hôm đó xảy ra một chuyện mà lúc đầu khiến chúng tôi cười nghiêng ngả nhưng sau khi cười xong thì lại cứ thấy nghĩ ngợi làm sao. Ấy là cả hội đang chơi đùa với con trai cô thì thằng Vũ quá trớn hay là không may lại thộp vào “con giống” của thằng bé. Thế là ngay giữa bá quan văn võ, thằng bé đáp trả y như thế với thằng Vũ làm Vũ ta một phen muốn độn thổ. Cả hội bấm bụng nín cười đến lúc ra khỏi ngõ nhà cô mới dám cười thả ga, còn thằng Vũ phi xe đạp chạy trước… Cười xong rồi, cả lũ chợt chìm trong im lặng sau lời con Mai nói rất khẽ: “Cô Dung nuôi dạy cậu con trai này chắc không dễ dàng gì…”

Tuổi học trò hồn nhiên, vô tư đã cho chúng tôi những đặc ân dễ yêu và dễ ghét. Nếu như lúc đầu cô Dung được đặt cái nick không mấy thiện cảm thì sau này, cô đã được chúng tôi suy tôn thành “nhà thơ”. Cùng từ đó mà chúng tôi không chỉ biết yêu môn Văn mà còn thích học Toán, rồi còn hay làm thơ nữa. Và cũng từ đây, những suy nghĩ, cách cảm nhận về cuộc sống, về sự vất vả, số phận của những người xung quanh cũng được bắt đầu!

Thuy miny

Nguồn Tạp chí Công thương: http://tapchicongthuong.vn/bai-viet/chuyen-chieu-thu-6-co-dung-sip-62635.htm