Chuyện chàng 'hotboy' làm 'anh nuôi dạy trẻ'

Bàn Văn Khánh, chàng trai dân tộc Dao vừa tròn 26 tuổi đã khiến mọi người phải ngạc nhiên và thán phục khi lựa chọn việc đứng lớp dạy học bậc mầm non làm công việc của mình và trở thành một người thầy mẫu mực.

Chọn làm 'anh nuôi dạy trẻ'

'Con sẽ thi vào ngành Giáo dục Mầm non' - Khánh nói với bố mẹ vào học kỳ 2 của lớp 12 năm 2008.

Ở thời điểm đó, cậu học sinh cuối cấp chỉ đơn giản nghĩ, ngành này 'lạ lạ, hay hay' và bản thân thì rất yêu trẻ con. Vậy là quyết định.

'Đó là nghề dành cho con gái' - mẹ Khánh ngỡ ngàng. Còn bố cậu thì âm thầm lo lắng về… giới tính của con trai mình. Cả xã Tân Thịnh, thậm chí cả huyện Định Hóa - Thái Nguyên, chưa bao giờ có một 'anh nuôi dạy trẻ'.

Những người nông dân lam lũ, như bố mẹ Khánh, cố gắng cho con cái ăn học để sau này đỗ đạt, thoát nghèo, bằng những nghề danh giá, như là kỹ sư, bác sỹ. Với Khánh, bố cậu vốn định hướng cho vào ngành công an.

Khánh biết bố mẹ cũng thất vọng về mình lắm. Nhưng ý Khánh đã quyết. Mà chàng trai có ngoại hình mảnh dẻ, thư sinh hiền lành ấy vốn xưa nay rất sắt đá trong những quyết định của mình.

Thầy giáo trẻ Bàn Văn Khánh.

Sau gia đình, đến lượt bạn bè phản đối. 'Mày có bị làm sao không đấy?' - Có người hỏi thẳng. Khánh chỉ cười. Bản thân Khánh cũng xác định, nếu vào nghề này thì phải bỏ đi cái tôi của bản thân, dám hy sinh và biết chấp nhận những khó khăn rào cản tâm lý bên ngoài.

Năm ấy, Bàn Văn Khánh thi đỗ vào Cao đẳng Sư phạm Thái Nguyên, thừa 2 điểm so với điểm chuẩn.

Người thầy không bục giảng

Tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm sau 3 năm, Bàn Văn Khánh được phòng giáo dục Mầm non huyện Định Hóa phân về trường Mầm non Kim Sơn. Với bất kỳ giáo viên nào, có việc ngay khi vừa ra trường là một may mắn. Sau này Khánh nghĩ, có thể may mắn ấy đến với mình, chính bởi vì anh là nam giáo viên mầm non duy nhất của huyện.

Trong lịch sử trường Mầm non Kim Sơn, cũng chưa bao giờ đón một 'anh nuôi dạy trẻ'. Ngày Khánh xách balo nhập trường là một sự kiện nho nhỏ của ngôi trường heo hút ấy. Cả trường ùa ra đón chào và ngắm nhìn như một sự kiện lạ.

Khi thầy giáo bước vào, cả trường ồ lên 'Ôi! Đẹp trai và phong độ quá, cứ như hotboy vậy!'. Cô nào cũng xung phong thích dạy cùng thầy Khánh, mọi người cứ trêu nhau ai được dạy cùng Khánh là một điều may mắn.

20 tuổi, Khánh bước vào nghề, nhiều người thầm nghĩ chắc Khánh sẽ rất bỡ ngỡ khi làm những công việc mà từ trước đến giờ chỉ dành cho phụ nữ.

Quả thật, trong quyết định chọn nghề của mình trước đó, một phần Khánh nghĩ, dạy trẻ mầm non cũng chỉ đơn giản là dạy hát, dạy múa. Thế nên, khi nhận lớp và làm việc buổi đầu tiên, Khánh 'toát mồ hôi hột'. Đâu chỉ có việc dạy hát, dạy múa, Khánh còn phải chăm sóc, giữ an toàn cho các bé. Và việc các bé khóc quấy khiến Khánh bối rối vô cùng.

'Khi các trẻ khóc, mình đến nói chuyện với trẻ, hướng trẻ đến các góc chơi gần gũi với trẻ để trẻ có cảm giác an toàn' - Đó là cách Khánh dỗ khi trẻ khóc.

Rồi cả những áp lực xung quanh, như làm giáo viên mầm non thì thức khuya dậy sớm, ban ngày dạy ở trên lớp, tối về lại soạn bài, soạn giáo cụ. Công việc liên tục ngày này qua ngày khác, không có thời gian nghỉ ngơi khiến Khánh nhiều khi mệt mỏi.

Đồng lương ít ỏi với tổng hơn 1 triệu đồng mỗi tháng mới thật là gian nan. Tiền xăng xe, tiền điện thoại, tiền mua đồ dùng phục vụ lên lớp còn không đủ, nói chi đến những trang trải cho trăm việc không tên khác. Không có tiền, Khánh hạn chế cả giao lưu, gặp gỡ bạn bè.

Những lúc như thế, tinh thần sắt đá của Khánh không khỏi bị lung lay. Khánh lại tự vấn mình 'Phái chăng mình đã đi sai đường?'. Có lúc, Khánh muốn từ bỏ.

Nhưng công việc thì cũng dần quen. Nghề 'gõ đầu trẻ' xưa nay vốn vậy, tất cả giáo viên mầm non đều tâm huyết với nghề khi được tiếp xúc với trẻ. Bạn bè nhiều người cũng bảo Khánh, họ chán khi làm công việc không đúng với đam mê. Còn Khánh, có đam mê, nên quyết bám trụ với nghề.

Các công việc trong lớp Khánh làm dần dần không những tốt mà còn rất tốt, từ dạy trẻ đến chăm sóc cho trẻ từng bữa ăn, giấc ngủ.

Không chọn sai đường

Đến nay, Bàn Văn Khánh gắn bó với công việc 'anh nuôi dạy trẻ' được 6 năm. Trong đó, 5 năm đầu, Khánh dạy ở trường Mầm non Kim Sơn. Từ đầu năm 2017, Khánh được chuyển biên chế về trường Mầm non Tân Thịnh - Huyện Định Hóa với mức lương gần 3 triệu đồng mỗi tháng.

Các bé ngày càng quý mến, ríu rít, tíu tít bên thầy. Ban đầu, các bé chỉ gọi 'cô Khánh', 'chú Khánh', nay cả trường đã chào 'thầy Khánh'. Phụ huynh thì yên tâm: 'Khi cháu về nhà, cháu còn bảo bà và mẹ buộc tóc không đẹp bằng thầy, thầy buộc tóc đẹp lắm!'.

Clip: Tình cảm các bé trường Mầm non Tân Thịnh dành cho thầy giáo trẻ Bàn Văn Khánh

Khánh cũng trở thành cánh tay đắc lực để trường Mầm non Tân Thịnh. Ngoài những công việc chuyên môn, Khánh còn kiêm nhiều việc như thợ điện, thợ hồ, thợ sơn... Có Khánh, các chị em trong trường được hỗ trợ nhiều.

Qua quá trình học hỏi, trau dồi, nâng cao kiến thức, chuyên môn, Khánh tham gia tất cả các hội thi giáo viên dạy giỏi các cấp từ cấp trường, cấp huyện, cấp tỉnh và đều đạt thành tích giáo viên dạy giỏi xuất sắc. Với người thầy giáo vừa tròn 26 tuổi, những thành tích này phần nào giúp mình có thêm động lực để làm nghề.

Trải qua 6 năm đủ gian nan, thử thách cùng niềm vui của một 'anh nuôi dạy trẻ', Bàn Văn Khánh tâm niệm 'Nghề là mình chọn, còn nghiệp thì theo mình'Cứ yêu thương các bé thật nhiều sẽ nhận lại được sự yêu thương'.

Xem thêm: Hình ảnh 'hot boy' Bàn Văn Khánh tận tâm làm 'anh nuôi dạy trẻ'

Niềm vui đầu ngày của thầy trò, phụ huynh trường Mầm non Tân Thịnh.

Đầu giớ sáng, các bé quây quần bên thầy, say sưa nghe thầy Khánh kể chuyện.

Trong nắng mai, thầy trò cùng ra sân tập thể dục để sức khỏe được dẻo dai.

Thầy Khánh cũng rất khéo tay cắt dán cho các bé những hình thù ngộ nghĩnh, đáng yêu

Các bé được học những bài hát, bài múa mới cùng thầy. Dù không múa dẻo như các cô, nhưng thầy Khánh luôn tận tâm và thu hút các bé.

Thầy Khánh với giọng nói mạnh mẽ, dứt khoát cũng là một lợi thế, giúp các bé dễ tập trung hơn.

Đến giờ cơm, thầy đi rửa tay, chia cơm cho 31 em nhỏ.

Rồi giờ ngủ, thầy đi kiểm tra từng chiếc gối của mỗi bé.

Clip: Thầy giáo trẻ Bàn Văn Khánh tận tâm dạy trẻ mầm non

Bàn Văn Khánh đã chia sẻ cùng các giáo viên nữ trong trường những công việc đặc thù thường dành cho con trai như sửa điện, trèo thang trang trí trường, trang trí lớp...

Thầy giáo sinh năm 1991 bên các trò nhỏ.

Ảnh và video: Phạm Tùng - Tuấn Phong

Hoài Nguyễn Baodatviet.vn

Nguồn Tiin: http://tiin.vn/chuyen-muc/hoc/chuyen-chang-hot-boy-lam-anh-nuoi-day-tre.html