Chuyện cầu Bồng Lai bị sập trong đêm và ước nguyện của dân làng

'Trong lúc này hơn 4.700 người dân thôn chúng tôi mong muốn xây lại cây cầu này càng sớm càng tốt, có như vậy việc lưu thông sẽ được thuận lợi...và tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển', người dân thôn Bồng Lai bày tỏ.

Những ngày qua, chuyện người dân thôn Bồng Lai, xã Ninh Hải (huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương) tự nguyện bỏ tiền, bỏ công sức để làm cây cầu tạm bắc qua sông Dầm để khắc phục cây cầu bị sập trong đêm khiến ai cũng vui mừng, phấn khởi.

Bởi cây cầu này không chỉ nhân chứng sống gắn liền với quá trình phát triển làng quê mà còn giúp ích cho việc lưu thông của các tầng lớn nhân dân trong và ngoài xã. Do đó, việc người dân đồng thuận cùng nhau góp tiền của làm cầu tạm trong lúc chờ Nhà nước xây cầu mới khiến mọi người nơi đây vui hơn bao giờ hết.

Việc cầu Bồng Lai bị đổ sập hơn 1 tháng khiến cho việc đi lại của người dân khó khăn

Việc cầu Bồng Lai bị đổ sập hơn 1 tháng khiến cho việc đi lại của người dân khó khăn

Chiều 31/5, khi PV Báo Gia đình & Xã hội có mặt tại khu vực cầu Bồng Lai cũng là lúc hàng trăm người dân đang hăng say làm việc. Từ vận chuyển vật liệu xây dựng, hàn xì từng thanh sắt, đổ mới các trụ cầu, trộn bê tông ... đều được mọi người làm cẩn thận, khẩn trương và suốt quá trình làm đó, ai cũng vui tươi phấn khởi như chính đang làm công việc của gia đình mình.

Ông Nguyễn Tuấn Liện (Đội 5, thôn Bồng Lai) cho biết: “Lâu lắm rồi, người dân quê tôi mới đông vui thế này khi tham gia công việc tập thể. Việc làm mới, khắc phục cầu Bồng Lai bị đổ sập chính là niềm mong mỏi, ước nguyện của biết bao người dân trong thôn, ngoài xã. Ai cũng mong cây cầu tạm sớm hoàn thành để đi lại thuận lợi cũng như giúp cho việc giao thương kinh tế ”.

Hiện trạng cầu Bồng Lai sau khi bị đổ sập trong đêm 19/4

Trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội anh Bùi Văn Vình (SN 1980) kể, tối 19/4 cầu Bồng Lai bất ngờ bị gãy 1 nhịp đổ sập xuống sông (đoạn tiếp giáp thôn Bồng Lai) tạm thời chia cắt giữa thôn đi sang các xã lân cận (thôn Dậu Trì, xã Hồng Thái; Đi chợ Vé, hay xuống thị trấn Ninh Giang). Từ đó đến nay cây cầu này chưa được cơ quan chức năng sửa chữa khiến cho việc đi lại của người dân, học sinh, công nhân trong và ngoài địa phương cùng các xã lân cận trở nên khó khăn. Nếu đi đường khác để đến chỗ làm, nơi học tập… sẽ xa hơn và ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế gia đình.

Trước nhu cầu cấp thiết của người dân, cho nên anh Vình và ông Lê Đình Phóng (cùng thôn) bàn với người dân đứng lên làm cầu tạm trên nền cầu Bồng Lai cũ trong lúc chờ Nhà nước xây cầu mới.

Việc xây dựng cầu tạm Bồng Lai dựa trên tinh thần tự nguyện đóng góp của người dân và các tổ chức

Sau khi được người dân đồng thuận, ngày 28/5, 2 người làm đơn gửi lên UBND xã Ninh Hải trình bày nguyện vọng và được chính quyền địa phương đồng ý. Ngay sau đó mọi người cùng triển khai công việc làm cầu.

“Việc làm cầu tạm dựa trên tinh thần tự nguyện của người dân, chúng tôi không đưa ra một mức đóng góp cụ thể, ai có kinh tế bao nhiêu thì ủng hộ bấy nhiêu, thậm chí không có kinh phí thì ủng hộ ngày công.

Đặc biệt, chúng tôi công khai các tổ chức, cá nhân cùng số tiền ủng hộ được. Sau khi kết thúc công trình, mọi chi tiêu sẽ thông tin rộng rãi cho toàn thể nhân dân. Đây là việc làm tự nguyện xuất phát từ nhu cầu thiết yếu của người dân khi ai cũng mong muốn có được câu cầu mới để đi”, anh Vình cho biết.

Công việc làm lại cầu tạm Bồng Lai đang được mọi người khẩn trương tiến hành

Theo ông Lê Đình Phóng, bản thân ông cùng anh Vình đứng lên kêu gọi mọi người làm cây cầu tạm là theo nguyện vọng của người dân chứ không phải mục đích cá nhân. Trong đó, bản thân ông cũng gặp khó khăn sau khi cầu Bồng Lai bị sập trong đêm.

Tuy nhiên, mọi tính toán làm như thế nào, dự trù kinh phí cũng như mua bán mọi nguyên vật liệu đều được bàn bạc thống nhất, công khai. Quan trọng nhất chính là sự đồng thuận của nhân dân địa phương.

“Việc ủng hộ kinh phí làm cầu chúng tôi kêu gọi bằng nhiều cách khác nhau để thông tin cho người dân. Do đó, ngoài sự đóng góp tự nguyện của nhân dân thôn Bồng Lai, còn có sự ủng hộ của người dân thôn Nhân Lý, Đồng Bình (cùng xã Ninh Hải); tập thể cán bộ giáo viên trường Tiểu học, THCS trong xã; con em địa phương đang sinh sống học tập nơi khác cũng như người dân các địa phương lân cận.

Đến chiều nay (31/5), đã trên 450 lượt cá nhân, tổ chức ủng hộ với tổng số tiền thu được hơn 98 triệu đồng

Cho đến chiều nay (31/5), chúng tôi đã tiếp nhập hơn 98 triệu đồng của trên 450 lượt cá nhân, tổ chức ủng hộ. Tùy vào số kinh phí thu được, chúng tôi sẽ lên phương án cụ thể để làm mới đoạn bị gãy, sửa chữa, gia cố và tu bổ cây cầu, với mục đích giải quyết việc đi lại cho người dân trong thôn cũng như mọi người xã lân cận càng sớm càng tốt và khoảng 1 tuần nữa việc sửa chữa sẽ hoàn thành”, ông Phóng cho biết.

Cũng theo ông Phóng, phương án sửa chữa cầu được thực hiện như sau: Dùng thép chữ I lắp đặt 2 dầm dọc, 1 dầm giữa thép chữ V chiều dài 12m (đoạn bị sập). Gia cố 2 cột chống đoạn giữa tạo cứng chắc, hàn thép V kết nối các dầm với nhau, đồng thời gia cố các điểm tạo độ cứng chắc.

Đơn đề nghị gửi lãnh đạo xã Ninh Hải về việc sửa chữa cầu Bồng Lai cũng như cam kết trong quá trình thi công

Đối với mặt cầu sẽ lột bỏ toàn bộ phần mặt bê tông và thay thế bằng tôn cứng chống trơn trượt tạo độ nhẹ cho cầu. Bên cạnh đó, lan can 2 bên được lắp đặt để bảo vệ trong quá trình người cùng phương tiện đi lại và toàn bộ kinh phí do người dân, nhà hảo tâm tự nguyện đóng góp.

Liên quan đến sự việc trên, ông Phạm Quang Toan – Chủ tịch UBND xã Ninh Hải cho biết: “Việc làm của người dân thôn Bồng Lai là cần thiết và đúng theo nguyện vọng của mọi người khi hơn 1 tháng qua cây cầu này bị đổ sập không thể đi lại. Cho nên, khi nhận được Đơn đề nghị của anh Vình, anh Phóng, chúng tôi nhất trí nhưng có những cam kết.

Việc xây dựng cầu tạm được người dân Bồng Lai tính toán cụ thể, tỉ mỉ dựa trên nguồn đóng góp tự nguyện của mọi người

Cụ thể: việc sửa chữa cầu phải đảm bảo an toàn trong thi công và sử dụng. Khi hoàn thành cầu tạm không được gắn tên cầu mới, giữ nguyên tên cầu cũ, không được thu phí cầu và khi các cấp chính quyền thi công làm cầu mới thì phần sửa chữa sẽ tự tháo dỡ…”.

Nói về nguồn gốc cầu Bồng Lai, Chủ tịch UBND xã Ninh Hải thông tin, trước năm 1982 do điều kiện kinh tế còn khó khăn nên cây cầu được làm bằng gỗ bắc qua sông Dầm (có chiều dài khoảng 30m) để phục vụ nhân dân đi lại.

Đến năm 1983, nhận thấy cây cầu gỗ không còn đảm bảo an toàn nên chính quyền địa phương bàn nhau làm lại hoặc sửa chữa khắc phục. Đúng vào thời điểm này, cầu Ràm (nối 2 xã Nghĩa An, Tân Hương) được xây mới nên xã Ninh Hải đã liên hệ mua lại toàn bộ sắt để làm cầu sắt Bồng Lai (hiện nay).

Báo cáo vụ việc của UBND xã Ninh Hải và kiến nghị của chính quyền địa phương mong huyện Ninh Giang hỗ trợ kinh phí cây cầu Bồng Lai mới

Qua quá trình khai thác và sử dụng, đến nay cầu sắt Bồng Lai đã hết niên hạn, các thanh sắt chân cầu bị han rỉ, gẫy, hư hỏng nặng. Các tấm bê tông mặt cầu bị vỡ lâu ngày khiến nước mưa ngấm vào bê tông cũng như lưu lượng người cùng phương tiện lưu thông qua đây.. dẫn đến cầu bị đổ sập vào tối 19/4.

“Sau khi nhận được tin báo cầu Bồng Lai đổ sập trong đêm, chính quyền đã cử lực lượng tiến hành kiểm tra và cảnh báo cho người dân cùng phương tiện không đi qua lại cây cầu này để đảm bảo an toàn tính mạng. Đồng thời báo cáo vụ việc vể UBND huyện Ninh Giang.

Hiện tại, công việc sửa chữa, gia cố cầu tạm Bồng Lai đang được người dân tiến hành khẩn trương và khoảng 1 tuần nữa câu cầu tạm sẽ hoàn thành

Hiện tại, huyện Ninh Giang đã cho ý kiến chỉ đạo, giao cho phòng Kinh tế hạ tầng của huyện kết hợp với đơn vị tư vấn thiết kế tính toán xây dựng cầu mới và trong tuần tới đơn vị tư vấn thiết kế sẽ về tiến hành khảo sát”.

Ông Phóng bày tỏ: “Không phải sau khi cầu Bồng Lai bị đổ sập trong đêm ngày 19/4 nhân dân địa phương mới lên tiếng mà vấn đề xây dựng cầu mới đã được chúng tôi có ý kiến cách đây gần 10 năm tại những lần tiếp xúc cử tri HĐND các cấp.

Cho nên, trong lúc này hơn 4.700 người dân thôn Bồng Lai chúng tôi mong muốn tỉnh, huyện kết hợp với xã lên phương án xây lại cây cầu càng sớm càng tốt, có như vậy việc lưu thông sẽ được thuận lợi, buôn bán được dễ dàng và tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển”.

Bài, ảnh: Đức Tùy

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/chuyen-cau-bong-lai-bi-sap-trong-dem-va-uoc-nguyen-cua-dan-lang-20190531212121645.htm