Chuyện cảm động về cuộc đời nữ điệp báo vùng Đông Bắc

Nữ điệp báo Hoàng Thị Mùi (bí danh Hoàng Thị Thanh), hoạt động trong vùng địch ở địa bàn Đông Bắc những năm từ 1946 đến 1950.

Bà Hoàng Thị Mùi trò chuyện với cán bộ Bộ CHQS tỉnh.

Bà Hoàng Thị Mùi trò chuyện với cán bộ Bộ CHQS tỉnh.

Tuổi thơ cơ cực

Tôi đến thăm gia đình bà Hoàng Thị Mùi ở tổ 1, khu 5B, phường Cẩm Thịnh, TP Cẩm Phả, đúng hôm bà dọn về nhà mới. Ngôi nhà 2 gian cấp 4, rộng chừng hơn 30m2 được các con cháu bà xây dựng cho với thiết kế khá hợp lý.

Trong ngôi nhà mới, bà Mùi xúc động hồi tưởng lại thời niên thiếu cơ cực và quá trình hoạt động tình báo đầy hiểm nguy nhưng cũng rất vinh quang của mình.

Bà kể: :Bố mẹ tôi đều là con nhà bần cố nông ở vùng quê Tiên Lãng (TP. Hải Phòng). Tấc đất cắm dùi không có, nên ngay từ nhỏ đã phải đi làm con sen, cái ở cho nhà giàu và lấy nhau cũng trong tủi nhục, nước mắt.

Năm 1930, khi tôi tròn 3 tháng tuổi, nghe tin ở Vùng mỏ cuộc sống dễ thở hơn, thế là lựa một đêm, bố mẹ tôi bồng con trốn ra làm phu mỏ. Những tưởng ở đây cuộc sống sẽ dễ chịu hơn, nào ngờ đã là người dân mất nước thì ở đâu chẳng khổ nhục.

Ở đây, bố mẹ tôi dựng tạm một chiếc lán trên núi để sống qua ngày. Mùa hè thì dột tứ bề, mùa đông thì rét thấu ruột gan. Là phu khai thác than, làm quần quật từ sáng đến tối, bố mẹ tôi cũng chỉ kiếm đủ ngày 2 bữa cháo loãng.

Cuộc sống càng khốn khó hơn khi mẹ sinh thêm 2 em nữa. Mới 5, 6 tuổi đầu, tôi đã phải trông em cho bố mẹ đi làm. Và từ năm lên 9 tuổi thì tôi chính thức bước vào cuộc sống mưu sinh.

Nhà ở Cửa Ông, từ 3h sáng tôi đã phải thức giấc, theo mẹ lên núi Mông Giăng (phường Cẩm Tây ngày nay) để làm “nhau” nhặt than kiếm mỗi ngày 6 lạng gạo. Ngày nào cũng vậy, từ sáng sớm đến xế chiều, tôi phải nhặt đủ một goòng than kíp lê, buổi trưa không được ăn uống gì.

Nếu bọn cai ký thấy trong goòng chỉ cần lẫn một hòn xít là hôm đó toi công, chúng đánh số “0” vào phiếu. Vậy nào đã xong, chúng còn cảnh cáo, đấm, đá túi bụi. Đến tận bây giờ tôi vẫn không quên được hình ảnh bọn cai, ký đánh đập, cúp phạt lũ “nhau” chúng tôi. Thằng cai Nghi béo ị là ác ôn nhất. Thằng này thường xuyên đánh đập bất kể người già, trẻ em chẳng có lý do gì. Nhiều lúc buồn chân, buồn tay, hắn cũng lôi “nhau” ra đấm, đá túi bụi cho đỡ... buồn.

Một hôm, lựa lúc bọn cai đi ăn trưa, tôi chui vào bụi cây mang ít đồ ăn buổi sáng mẹ đóng vào cặp lồng để lót dạ lúc buổi trưa thì không may bị tên Nghị đi vệ sinh bắt gặp. Hắn lao vào đá tung miếng ăn của tôi rồi dùng roi mây quất túi bụi khiến thân hình tiều tụy như tàu lá của tôi tả tơi, máu me bê bết”.

Những tháng ngày chiến đấu trong lòng địch

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, cuộc sống của gia đình bà Hoàng Thị Mùi bước sang trang mới. Làm ở Tuyển than Cửa Ông ngoài giờ làm, Mùi tập bắn súng, tập điều lệnh và học chữ quốc ngữ.

Cuộc sống mới ngắn chẳng tày gang, bởi thực dân Pháp quyết tâm xâm lược nước ta một lần nữa. Bố Mùi theo đoàn quân cách mạng lên đường đi kháng chiến.

Ở lại vùng địch, mẹ thì nuôi giấu cán bộ nằm vùng, Mùi thì được tuyển vào Đội Trinh sát thuộc quân báo Đông Bắc. Cô được giao làm trinh sát viên hoạt động từ Cẩm Phả đến Cửa Ông để phát hiện, báo cáo với cấp trên về tình hình địch, đặc biệt là phải nắm chắc hoạt động của bọn mật thám, chỉ điểm để răn đe hoặc trực tiếp trừ khử.

Sau đó, cô được giao làm điệp báo thuộc Ban tình báo miền Đông, hoạt động từ Quảng Yên đến Hải Ninh. Từ năm 1946 đến 1954, đơn vị của Hoàng Thị Mùi thay đổi tên gọi nhiều lần, chuyển địa bàn hoạt động khắp nơi, cuối cùng là Tiểu đoàn 98, một cơ quan thuộc Bộ Quốc phòng. Đơn vị đã có những đóng góp cực kỳ to lớn phục vụ đắc lực cho cấp trên trong hoạch định chiến lược tổ chức các trận đánh.

Quãng đời gần 10 năm hoạt động trong lòng địch của bà Hoàng Thị Mùi có biết bao kỷ niệm. Bà không thể nào quên được 5 lần thoát khỏi tay giặc do được sự đùm bọc của nhân dân.

Bà kể tiếp: “Lần đầu tôi thoát chết là năm 1948. Năm ấy, cấp trên cử đồng chí Hoàng Thị Minh từ Cửa Ông về bắt liên lạc với tôi để cùng thực hiện một nhiệm vụ mới. Đồng chí Minh đóng vai là cháu họ của mẹ tôi và phải giả là có tính cách lả lơi để che mắt quân thù. Cơ sở hoạt động của tôi lúc ấy có tới 15 người, được tổ chức khá chặt chẽ, địch mới chỉ đánh hơi thấy, chưa biết gì chắc chắn.

Một buổi sáng, tổ tình báo đang họp kín thì có 2 tên mật thám đến ở lì trong nhà tôi tới tận chiều với thủ đoạn có ý định tán tỉnh cô chị họ lẳng lơ. Tổ được mật báo là mẹ tôi cũng đang đóng kịch để lừa bọn chúng. Lo lắng cho mẹ gặp nguy hiểm, tôi và đồng chí Minh quyết định quay về để giải vây cho bà.

Vừa nhìn thấy con và cháu về, mẹ tôi liền vác đòn gánh ra vừa phang túi bụi, vừa chửi “Tiên sư bố con đĩ, người ta đánh đĩ chín phương còn một phương lấy chồng. Còn mày thì đánh đĩ cả mười phương, suốt ngày rủ rê con gái tao đi đàn đúm. Mày xéo ngay, cả con Mùi nữa”.

Thấy vậy, cả xóm thợ kéo đến khuyên can khiến 2 tên mật thám tiu nghỉu chuồn thẳng. Sau cuộc giải vây ấy, cấp trên xét thấy cơ sở tại gia đình tôi có nguy cơ bại lộ, nên đã tìm cách đưa cả 3 trở về căn cứ nhận nhiệm vụ mới.

Đau đớn thay, 2 tên mật thám hèn hạ đã trả thù những người đến giải vây cho 3 người hôm trước bằng cách bắt một số người đưa về khám ở Hòn Gai tra khảo, đánh đập dã man. Không khai thác được gì, chúng đã bắn họ rồi phi tang mất xác. Một thời gian sau, 2 tên này đã bị lực lượng của ta trừ khử.

“Còn tới 3 lần tôi thoát chết trong gang tấc nữa. Mà ở lần nào cũng may mắn được bà con cứu giúp”, bà Hoàng Thị Mùi xúc động chia sẻ.

3 lần được gặp Bác Hồ

Hòa bình lập lại, bà Hoàng Thị Mùi đi học và về làm cán bộ bình dân học vụ, rồi chuyển sang làm cán bộ công đoàn. Đến năm 1985, bà nghỉ hưu ở cương vị Bí thư Đảng ủy, Phó Viện trưởng Viện điều dưỡng công nhân Cẩm Phả.

Nữ chiến sĩ tình báo Hoàng Thị Mùi cho biết: Cuộc đời làm cách mạng của bà có nhiều niềm vui, nhưng vui nhất là 3 lần được gặp Bác Hồ. Nhớ nhất là lần dự Đại hội Công đoàn toàn quốc lần thứ 3 năm 1960 tại Hà Nội, bà được Bác Hồ bắt tay và căn dặn rất nhiều.

Hôm ấy, khi nghe đồng chí Hoàng Quốc Việt, Chủ tịch Tổng Công đoàn Việt Nam giới thiệu bà là nữ tình báo viên vùng Đông Bắc, hiện là Phó trưởng ban nữ công Công đoàn ở Vùng mỏ, Bác ân cần nắm tay bà và dặn: Bây giờ làm gì ở Vùng mỏ cũng là làm than cả. Muốn sản xuất thật nhiều than cho Tổ quốc, đánh thắng giặc Mỹ, giải phóng miền Nam thì thợ mỏ cần phải có sức khỏe... Gái mỏ mà sao mảnh mai thế này? Nói đoạn, Bác quay sang nói với Đoàn Chủ tịch Đại hội: Phải tổ chức chăm sóc tốt sức khỏe cho công nhân mỏ!

Hà An

Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật tháng số 15

Nguồn ĐS&PL: http://doisongphapluat.com/tin-tuc/tin-trong-nuoc/chuyen-cam-dong-ve-cuoc-doi-nu-diep-bao-vung-dong-bac-a270732.html