Chuyện cảm động về cậu bé khuyết tật tứ chi

Chỉ mới 8 tuổi, độ tuổi chưa biết buồn, chưa biết ước mơ về tương lai và... chưa một lần được gọi tiếng mẹ thấm đẫm tình mẫu tử, cậu bé vẫn cứ hồn nhiên sống và lớn lên giữa những cụ già và những đứa trẻ cùng cảnh ngộ. Và có điều hết sức đặc biệt ở cậu là từ khi chào đời cậu bé không có hình hài nguyên vẹn - không có hai tay và chân như một người bình thường. Dù vậy, cậu bé lại có khả năng phi thường, đó là cậu không chỉ viết được mà còn viết chữ rất đẹp... Cậu bé tên Trần Văn Lạc, ở Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Bình Định.

Chúng tôi tìm về Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Bình Định ở đường Ngô Gia Tự, thị trấn Bình Định, huyện An Nhơn để tìm cậu bé tên Trần Văn Lạc có số phận hết sức đặc biệt theo lời chỉ dẫn của bác sĩ Trang Xuân Chi - cán bộ Hội Chữ thập đỏ tỉnh Bình Định. Khi hỏi chuyện, Giám đốc trung tâm Nguyễn Thanh Châu cho biết Lạc đang đi học. Tôi ngạc nhiên bởi một cậu bé không có tay chân thì làm sao có thể "đua chữ" với các bạn đồng trang lứa lành lặn khác ở một trường chính quy. Những nghi ngờ của tôi lập tức tan biến khi trực tiếp gặp em tại lớp học. Cô giáo chủ nhiệm Hồ Thị Hồng vui vẻ dẫn tôi đến chỗ Lạc ngồi để "mục sở thị" các tập vở viết chính tả, làm toán của em. Nét chữ trên các trang vở sáng đẹp, khuôn hình tròn trịa, hầu như không có một vệt tẩy xóa, lem mực nào. Lật từng trang, các bài tập viết chính tả của Lạc đều được cô giáo chấm điểm 9, 10. Trong tập vở làm toán, điểm số cũng rất cao, nhiều bảng kẻ ô thẳng thớm, trùng khớp nhau trông rất mực tài hoa.

Để kiểm tra khả năng dùng cùi tay kẹp bút viết chữ, tôi đưa tờ giấy không có hình ca-rô bảo Lạc viết dòng chữ "Công cha như núi Thái Sơn/Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra". Chỉ trong nháy mắt, hai dòng chữ do Lạc cặm cụi viết hiện ra ngay hàng thẳng lối, không sai một lỗi nào. Lạc quay sang cầm phấn viết lên bảng con từ học tập cũng rất đẹp, sắc nét. Tôi hỏi cô giáo Hồ Thị Hồng: "Tật nguyền như thế, trong mỗi giờ tập chép, cô có "chế độ ưu đãi" dành riêng cho em không?". Cô giáo Hồng nhìn tôi bảo: "Không có ưu đãi gì trọi, nhiều khi mới đọc xong lần thứ nhất, chưa kịp nhắc lại lần thứ hai thì cháu đã viết xong rồi. Tính ra Lạc viết còn nhanh hơn cả những bạn học bình thường khác". Cô giáo Hồng cho biết thêm: "Từ khi nhập học vào lớp 1 đến nay (hiện Lạc đang học lớp 2), em đều đạt danh hiệu học sinh khá. Chỉ thua các bạn khác môn... thể dục. Khi mới tập viết, em mang tay giả nhưng do vướng víu quá nên giờ không thích sử dụng nữa, em chỉ thích dùng cùi tay kẹp bút viết". Tôi thoáng thấy trên đôi cánh tay tật nguyền của Lạc đã xuất hiện những vết chai sần, tím tái.

Một đoạn trong bài tập viết chính tả của cháu Trần Văn Lạc

Mỗi khi đến trường, Lạc được các anh chị lớn ở trung tâm chở đi, đưa về. Những phần việc khác, một mình em đều tự xoay xở được. Cất thước, bút viết, tập vở, sách, bảng, phấn... cũng như lấy những vật dụng ấy ra từ cặp sách đều được Lạc thực hiện dễ dàng, nhanh chóng. Trên tứ chi của Lạc, tay phải bị cụt nguyên bàn, tay trái cụt đến cùi chỏ, trên bàn chân phải ngón có ngón không, chân trái cụt tận đầu gối phải mang chân giả. Trong giờ ra chơi, tôi dẫn Lạc ra sân trường, hỏi: "Cháu có hay thấy đau nhức trong người không?". Lạc thưa lại: "Thưa chú, nhiều khi trời mưa, cháu thấy đau đau ở chân, tay. Ngày thường, cháu khỏe lắm, chỉ chạy không được thôi vì cháu phải mang chân giả". Thấy nét mặt rạng rỡ, tôi cầm hai cánh tay cụt ngủn của em và hỏi ước mơ sau này làm gì? Ánh mắt trên khuôn mặt ngây thơ của Lạc nhìn tôi một hồi lâu rồi nở nụ cười hồn nhiên. Rồi bất chợt, em lặng im giữa sân trường náo nhiệt.

8 năm về trước, câu chuyện về sự xuất hiện của Lạc ở Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Bình Định đã làm rơi nước mắt nhiều người có dịp đến nơi này. Bị bỏ rơi ngay sau khi được sinh ra ở Trung tâm Y tế huyện An Nhơn kèm với một bì thư đựng hai trăm ngàn đồng và một mảnh giấy viết tay. Nhiều người đã trách cứ bà mẹ nào đó đã quá vô tình, đành đoạn vứt bỏ giọt máu của mình. Nhưng rồi khi đọc được lá thư của người mẹ trẻ bất hạnh, ai cũng mềm lòng trước sự việc trái ngang. Thư có đoạn viết: "Tôi không dám nói gì hơn để cảm ơn ông bà cô bác. Xin mọi người hãy vì tương lai của cháu mà giúp đỡ cháu. Hoàn cảnh của tôi lúc này tôi không biết nói như thế nào, chỉ mong quý ông bà cô bác hiểu rằng đây là tất cả những gì tôi có thể làm được. Tôi là người làm thuê cuốc mướn, ngày qua ngày cũng chỉ đủ ăn. Còn đứa trẻ, cha nó đã bỏ nó và bây giờ cũng không rõ ở đâu. Tôi lại sống xa gia đình, đất khách quê người, vất vả lắm mới nuôi cháu được đến ngày hôm nay với tất cả sự giúp đỡ của bạn bè, hàng xóm. Nay được biết huyện An Nhơn có trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi, tàn tật, tôi nghĩ chỉ có nơi đây mới có được tương lai và niềm vui của cháu...". Cho đến giờ, dù đã cố công tìm kiếm, những người có trách nhiệm vẫn chưa rõ tung tích của người mẹ lâm vào cảnh ngộ bi đát thuở ấy hiện đang ở đâu, làm gì. Dường như mong mỏi con mình sau này được may mắn, thoát cảnh lầm than, cơ cực, người mẹ đã đặt tên cho con (ghi sẵn trong thư gửi lại) là Lạc, lấy họ và tên lót là Trần Văn.

Đ.P

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/gioi-tre/chuyen-cam-dong-ve-cau-be-khuyet-tat-tu-chi-327261.html