Chuyện cảm động giữa núi rừng đại ngàn

Hoa Lan Nghinh Xuân nở báo hiệu một mùa Xuân mới lại về. Những ngày này, đồng bào các dân tộc ở khu vực biên giới cửa khẩu Cà Roòng (huyện Bố Trạch, Quảng Bình) ấm lòng hơn với sự sẻ chia của những cán bộ, công chức Hải quan đóng chân tại đây. Nhiều câu chuyện cảm động về công chức Hải quan giúp dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo bằng những việc làm cụ thể, thiết thực đã được chúng tôi ghi nhận trong chuyến công tác.

Đến xã vùng biên...

Đặt chân nơi biên ải xa xôi, chúng tôi không chỉ đón nhận tình cảm của những người đồng nghiệp mà còn được lắng nghe câu chuyện “cổ tích giữa đời thường” về những cán bộ, công chức Hải quan và những thầy giáo, cô giáo. Họ vẫn đang từng ngày bám bản, bám biên, góp phần thay đổi diện mạo vùng phên dậu của đất nước.

Từ trung tâm huyện Bố Trạch, Quảng Bình đến xã biên giới Thượng Trạch gần 50 cây số. Ở giữa núi rừng đại ngàn, điện là thứ xa xỉ, mọi thông tin liên lạc cũng rất hạn chế. Chiếc loa phát thanh cũng chính là phương tiện duy nhất để đồng bào nơi đây tiếp cận thông tin từ bên ngoài vào mỗi buổi sáng và chiều tối. Người dân nơi đây thu nhập chính bằng nghề đi rừng, sản xuất, chăn nuôi nhỏ, mọi sinh hoạt dựa vào nguồn nước từ con suối nhỏ chảy qua...

Trụ sở Chi cục Hải quan cửa khẩu Cà Roòng (Cục Hải quan Quảng Bình) nằm xen kẽ với bản Troi, bản 61, bản Tuộc thuộc xã Thượng Trạch. Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Cà Roòng Trương Thị Hoa Mai chia sẻ, ở vùng biên giới này đời sống của người dân còn khó khăn lắm.

Chúng tôi theo chân những cán bộ, công chức Hải quan vào thăm bản, với cách duy nhất là đi bộ. Đường dẫn vào bản đi ngang qua lòng một con suối, rồi đường đất trơn trượt. Đi đến đâu, mỗi cán bộ, công chức đều được bà con ở đây chào đón niềm nở, thân tình. Ở vùng biên giới xa xôi, lại sống và làm việc xa nhà nên với mỗi cán bộ, công chức Hải quan, cửa khẩu giống như ngôi nhà thứ hai. Vì thế, họ coi đồng nghiệp, bà con đồng bào nơi đây như chính những người thân trong gia đình.

Đồng cảm với những khó khăn của đồng bào dân tộc, không kể những ngày lễ, ngày tết, các cán bộ, công chức Hải quan lại đến thăm hỏi, động viên bà con hay phát động quyên góp ủng hộ để chia sẻ khó khăn với bà con. “Cầm tay chỉ việc” bà con dân bản học cách canh tác đất đai, nuôi trồng. Không những vậy, mỗi cán bộ, công chức Hải quan cũng không quên nhiệm vụ, đó là vận động bà con tham gia tố giác tội phạm ma túy, tuyên truyền để bà con tìm hiểu về tác hại của ma túy với cộng đồng, bảo vệ vùng biên không phát sinh các có tệ nạn xã hội.

...Cảm nhận không khí gia đình

Nơi biên viễn còn nhiều khó khăn này, từng thầy giáo, cô giáo vẫn đang miệt mài gieo vần từng “con chữ” cho lứa măng non vùng biên.

Ba tháng hè, trẻ con Ma Coong theo bố mẹ lên nương rẫy, vào rừng hái măng, tìm mật ong, "quên" cái chữ và quên luôn đường đến trường. Vào năm học mới, việc đầu tiên là giáo viên đi tìm học sinh. Với mỗi thầy giáo, cô giáo tâm niệm học được chữ cũng là con đường gần nhất để các em học sinh tiếp cận với văn hóa của các vùng miền. Vì thế, để cho lớp học đông đủ, các thầy giáo, cô giáo ở từng điểm trường phải đến tận nhà tìm cách động viên, thuyết phục các em đến trường - Hiệu trưởng trường Tiểu học số 2 xã Thượng Trạch Võ Anh Tuân chia sẻ.

Ngôi nhà đã xuống cấp nhiều lần bị mưa bão tàn phá. Hàng ngày, cả thầy và trò phải thay phiên nhau dạy và học ghép ở đó. Mỗi ca học có các em mầm non lớp 1, lớp 2 học chung; còn lớp 3, lớp 4, lớp 5 học chung. Vất vả là vậy, các thầy vẫn cắm bản, còn các em vẫn chăm lo đến lớp.

Thấu hiểu khó khăn của các em học sinh dân tộc nơi đây, chị Trương Thị Mai Hoa kêu gọi anh em trong chi cục, các đồng nghiệp trong Ngành chung tay giúp đỡ các em học sinh ở điểm trường bản Chămpu thuộc trường Tiểu học số 2 Thượng Trạch. Không có phòng học, các thầy cô giáo phải mượn nhà dân để dạy. Mỗi tấm lòng thiện nguyện là nguồn động viên để thầy và trò vượt nơi đây vượt qua khó khăn. Toàn bộ kinh phí khoảng 100 triệu đồng được dùng để xây dựng 2 phòng học bằng nhà sàn đơn sơ cũng đủ để thầy và trò nơi đây ấm lòng nhân dịp ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Kể từ đó, tuổi trẻ Hải quan và những nhà hảo tâm coi nơi đây là điểm đến trong hoạt động nhân đạo từ thiện hàng năm.

Hình ảnh hoạt đông tình nguyện của những cán bộ, công chức Chi cục Hải quan cửa khẩu Cà Roòng, Cục Hải quan Quảng Bình. (Ảnh tư liệu do đơn vị cung cấp)

Hình ảnh hoạt đông tình nguyện của những cán bộ, công chức Chi cục Hải quan cửa khẩu Cà Roòng, Cục Hải quan Quảng Bình. (Ảnh tư liệu do đơn vị cung cấp)

Những ngày này không khí đón Xuân khắp nơi ở miền xuôi đang rộn ràng. Ở các bản làng vùng biên cương Tổ quốc, không khí Tết cũng đang ngập tràn với tình cảm thân thương giữa những cán bộ, công chức Hải quan và đồng bào các dân tộc. Các cán bộ, công chức Chi cục Hải quan cửa khẩu Cà Roòng vẫn đang đảm bảo quân số ở lại trực Tết. Cũng giống như mọi năm, dịp Tết năm nay, cán bộ, công chức Hải quan lại cùng bà con các dân tộc gói bánh chưng đón tết Cổ truyền.

Tết ở vùng cao chan chứa những niềm vui thật bình dị, là sự thiêng liêng của tình đồng bào ruột thịt và mang đến cho mỗi công chức Hải quan xa nhà sự ấm cúng của không khí gia đình...

Quang Hùng

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/chuyen-cam-dong-giua-nui-rung-dai-ngan-118829-118829.html