Chuyện các 'đạo sĩ'

Đạo, nhái, chôm chỉa trong văn học nghệ thuật thì nhiều lắm. Thực sự là kẻ cắp như rươi. Vấn đề là thái độ của người ngay đối với kẻ gian, nên thế nào để đạo chích tởn đến già.

1/Đào Hải Phong, một trong những họa sĩ bị đạo, nhái nhiều nhất Việt Nam kể có bạn trẻ nói với anh “Cháu chép tranh chú 5 năm nay nuôi em cháu ăn học”. Anh Phong đáp “Không sao, đừng lừa đấy là tranh tôi là được”. Và anh khuyên những người thích treo tranh anh hãy chơi phiên bản - đó là tranh Đào Hải Phong nhưng không phạm luật bản quyền.

Hai năm trước tôi viết loạt bài “Hai người lính hội ngộ lịch sử sau 45 năm”, nhiều Facebooker và Youtuber đưa lại, không phải ai cũng hạ cố đưa tên tác giả, tôi chẳng để tâm nhưng có lần Bùi Trọng Nhân con trai người lính Sài Gòn trong ảnh “Hai người lính” gửi tôi đường dẫn bài trên FB một cậu còn trẻ, được biết từng ra sách lịch sử, đọc buồn cười vì thông tin trên Tiền Phong đã biến thành thông tin và câu chuyện của cậu.

Tác phẩm “Một ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng” của Dương Ngân Hải- pha vỡ lở gần đây nhất của giới “đạo sĩ” nước nhà

Tác phẩm “Một ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng” của Dương Ngân Hải- pha vỡ lở gần đây nhất của giới “đạo sĩ” nước nhà

Tả như thật: “11 giờ 10 phút trưa 25/1/2018, người Sài Gòn “gộc” Bùi Trọng Nghĩa đáp chuyến bay 1372 của Vietnam Airlines từ TPHCM ra Phú Bài, Huế. Trước đó, 19 giờ 30 tối 24/1, nhà báo Chu Chí Thành lên chuyến tàu SE1 khởi hành từ ga Hà Nội. Cũng từ Hà Nội, chiều 25/1 Nguyễn Huy Tạo lên tàu SE9 cùng thủ trưởng cũ- Đại tá Trần Long…”. Nói chung toàn của độc nhà trồng (nhà: báo Tiền Phong) thế mà người ngoài viết xưng xưng như thể đang đứng bên đường ray tàu hỏa và đường băng sân bay chứng kiến và kể hầu bạn đọc!

Bài viết kiếm được ngàn vạn lượt thích, hàng trăm lượt chia sẻ, bên dưới đầy người cảm ơn tác giả thật sâu sắc, nhân văn. Sử gia trẻ thì kể mình vốn là kẻ lãng mạn chính trị nên vừa viết bài này vừa khóc!

Nhân - con trai người lính Sài Gòn hỏi cảm nhận, tôi nói không quan tâm nhưng người làm báo như mình kỵ nhất lấy của người khác mà không trích nguồn, lập lờ đánh lận con đen. Có lẽ Nhân phản hồi đến tai đương sự nên sau đó thấy chiếu cố thòng tên tôi nhưng đọc vẫn không biết đâu là sản phẩm của báo Tiền Phong đâu là của ông trẻ kia. Thế cũng đi viết văn với sử cho nhọc công. Và từ ngày có mạng xã hội giúp sức thì nhiều vị càng bung lụa hết cỡ, tháu cáy ù xọe hết cỡ, chả cần biết giời giăng gì.

2/Trong vụ đạo thơ ầm ĩ 5 năm trước (bài thơ Buổi sáng của P.N.T. Đoan bị P.H.Thư sao y), thấy ý kiến của Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều ghê nhất. Tuy nhiên cũng chỉ quyết liệt trên báo, còn thì Hội của anh Thiều có cảnh cáo, khai trừ hội viên đạo văn như đã hẹn đâu, chả xử lý gì mà chỉ kêu gọi sự tự trọng, kêu gọi đối diện bản án lương tâm!

Về bản án lương tâm và sự trả giá, cũng có đấy. Như hai nhạc sĩ B.C và Q.B sau khi bị tố đạo nhạc thì mất hút khỏi đời sống âm nhạc. Có vẻ không gượng nổi. Song đội nhơn nhơn bất chấp, không hối cải vẫn hùng hậu hơn. Ví dụ vụ đạo thơ trên kia. Hồi đó, tôi nghe kể người bị thu hồi giải thưởng thơ có đến gặp lãnh đạo Hội Nhà văn Việt Nam tuyên bố “Sẽ đến ngày của Cesar trả lại cho Cesar, chẳng qua em đang bất lợi vì chưa lục được chứng cứ thôi”. Đúng là cà cuống chết đến đuôi vẫn cay xè, vẫn nói cứng. 5 năm trôi qua, địa vị- tình thế của “Cesar” vẫn chả thay đổi gì cả, là chị Thường Đoan mà thôi.

Từ vụ đó, Nguyễn Quang Thiều đề xuất: “Đến lúc đạo văn phải được đưa vào luật như một loại tội phạm có chế tài xử lý dân sự, phải đền bù danh dự và vật chất cho bị hại. Thậm chí tội hình sự. Thì mới đủ răn đe”. Đạo sĩ ngành khác cũng vậy?

3/Thực tế, đạo, nhái có ở khắp thế giới, với những quan niệm không hẳn đồng nhất. Có cuốn sách tên là “Ăn cắp như một nghệ sĩ” (Steal like an artist) của Austin Kleon với những luận điểm gây sốc. Danh họa Picasso cũng nói: “Nghệ sĩ tồi sao chép. Nghệ sĩ thực đánh cắp”. Chuyện này hẳn chưa thể bàn dịp này song có lẽ các “đạo sĩ” chớ lấy đó làm an ủi, bao biện. Học hỏi, tiếp thu có chọn lọc khác với ăn cắp.

Vì sao người ta đạo tranh đạo ảnh đạo văn, đạo phim đạo nhạc? Vì lòng tự trọng, liêm sỉ không có. Muốn kiếm danh bằng mồ hôi kẻ khác. Có chút danh rồi thì muốn kiếm thêm mà lại lười biếng, cạn sáng tạo. Hoặc đơn giản là một loại bệnh, giống bệnh ăn cắp vật chất. “Thó”, “thuổng” không hẳn vì thiếu thốn.

18 năm trước trong chuyến đi Mỹ do Bộ Ngoại giao Mỹ mời, chủ đề “Cái nhìn của người cầm bút đương đại Việt Nam với các vấn đề xã hội Mỹ”, đoàn chúng tôi có mấy nhà thơ. Tôi nói với một người: Trần Mạnh Hảo đã viết “Mùa đông đúng hẹn như em vậy” thì T.N.H không nên viết “Heo may đỏng đảnh như em vậy” nữa. Chả là đoàn này có cả ông “mùa đông” và ông “heo may”, và thú thực là tôi có phần phòng ngừa “ông heo may” hơn. Biết làm sao được.

Và ăn cắp vật chất mà không phải trả giá cả đời à? Như ngôi sao Winona Ryder, đã hoàn toàn biến khỏi cuộc đời, khỏi Hollywood sau bê bối ăn cắp. Hôm rồi tôi xem phim cũ “Mùa thu ở New York” trong đó Winona thời trẻ đóng cặp Richard Gere. Nhân vật của Winona được mô tả là rất trong sáng. Khổ nỗi tôi không thể tẩy cái cảm giác nhột nhạt khi hình dung ra chị Winona ngoài đời, sau khi đoạt cả Oscar lẫn Quả cầu vàng thì bỗng thành nhân viên “công ty hai ngón”. Thế là câu chuyện phim trở nên không đáng tin. Thế đấy.

Một khi đã chọn làm văn học nghệ thuật và báo chí- những thứ luôn chình ình trước công chúng, thì đừng khuất tất. Bởi đi đêm lắm có ngày găp ma. Hơn nữa, mang danh kẻ sáng tạo mà lại tìm thú vui trong sự chôm chỉa cóp nhặt thì là loại người gì? Như tôi từng khái quát về vụ đạo thơ ồn ào trên kia: “Trên con đường sáng tạo, thấy cái gì hay hay, có hương có nhụy là lại nhặt bỏ vào giỏ đậy lại, đặng có ngày mang ra sơ chế, tinh chế”… Bi kịch lắm.

Và một khi đã bại lộ thì cho phép chúng tôi- những người xem, không tin bất cứ sản phẩm nào của anh chị nữa. Lộ vở thì không chỉ ông họa sĩ tỉnh lẻ như Dương Ngân Hải mới phải kiếm lỗ nẻ mà chui đâu. Xin nghĩ kỹ trước khi hành động.

Vi Khanh

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/van-hoa/chuyen-cac-dao-si-1686345.tpo