Chuyển biến trong việc tang ở Đông Anh

Không tổ chức làm cỗ mời khách trong ngày tang lễ; không cúng tuần 49 ngày và ngày cải táng; từng bước tiến tới xóa bỏ những hủ tục lạc hậu; quy hoạch lại nghĩa trang nhân dân; vận động người dân thực hiện hỏa táng đối với người qua đời. Đó là những việc làm thiết thực đang được huyện Đông Anh triển khai quyết liệt, góp phần tạo chuyển biến trong thực hiện việc tang văn minh.

Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, nhiều gia đình ở huyện Đông Anh đã lựa chọn hình thức hỏa táng khi người thân qua đời, tại Đài hóa thân Hoàn vũ.

Những chuyển biến quan trọng

“Việc tang lễ liên quan tới tâm linh, tín ngưỡng nên xưa nay người Việt rất coi trọng. Đối với khu vực nông thôn, những phong tục truyền thống càng được coi trọng hơn. Truyền thống tốt rất nhiều, nhưng những thủ tục rườm rà, lạc hậu; những hạn chế trong tổ chức tang lễ cũng không ít, thậm chí những hủ tục đó đã “ăn sâu, bám rễ” bao đời nay nên muốn thay đổi cũng không phải việc dễ dàng”.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Uy Nỗ (huyện Đông Anh) Tô Kim Vấn chia sẻ: "Trước đây, việc tang ở xã Uy Nỗ khá nặng nề. Người thân vừa "nằm xuống", gia đình đã phải chuẩn bị lợn, gà... làm cỗ. Trong đám tang, vẫn còn cảnh lăn đường, khóc mướn, bắc cầu đưa thi hài người chết qua đầu con cháu, rắc vàng mã (khi đưa tang)… Việc chôn cất chủ yếu là địa táng. Tuy nhiên, hiện việc tang ở Uy Nỗ giờ đã thay đổi nhiều theo hướng văn minh hơn.

Phó Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Đông Anh Nguyễn Thị Hạnh cho biết thêm, không riêng Uy Nỗ, việc tang văn minh đang chuyển biến ở tất cả các xã. Hiện nay, 100% các thôn làng, tổ dân phố trên địa bàn huyện Đông Anh đều có ban tang lễ. Mỗi xã cử một cán bộ phụ trách việc tang chịu trách nhiệm ký hợp đồng với ban tang lễ thành phố khi gia đình trong xã có thân nhân qua đời thực hiện hỏa táng; không còn các hủ tục lăn đường, khóc mướn; 100% đám tang không mời thuốc lá, không cử nhạc tang sau 23 giờ và trước 5 giờ sáng.

Các đám tang đều có sự phối hợp giữa gia đình và các ban, ngành, đoàn thể của xã. Việc ăn uống linh đình trong đám tang cũng đã giảm mạnh so với trước. Toàn bộ các gia đình cán bộ, công chức trên địa bàn huyện không tổ chức làm cỗ mời khách trong ngày tang, cúng tuần 49 ngày và cải táng...

Nổi bật nhất là đối với hỏa táng, ban đầu khi mới tuyên truyền vận động rất khó. Người dân lo ngại ảnh hưởng tới vấn đề tâm linh, nhưng nay đã có những chuyển biến lớn. Tính từ năm 2006 đến hết năm 2017, toàn huyện có 13.261 người qua đời, trong đó có 5.074 số đám tang thực hiện hỏa táng đối với người qua đời, tỷ lệ người qua đời được thực hiện hỏa táng tăng đều qua các năm: Từ 4,7% vào năm 2006 đến nay đã đạt hơn 80%. Đặc biệt, tại một số thôn như: Hà Lỗ, Lỗ Khê (xã Liên Hà), thôn Vệ, Tằng My (xã Nam Hồng), thôn Ấp Tó, Chợ (xã Uy Nỗ)... tỷ lệ hỏa táng các năm gần đây đều đạt 100%.

Những kinh nghiệm hay

Việc tang văn minh tưởng như rất khó nhưng lại được triển khai và đạt kết quả cao ở Đông Anh. Để đạt được kết quả này, theo nhiều cán bộ từ thôn, xã tới huyện, đó là hành trình đầy khó khăn nhưng cũng rất dễ khi tìm được “chìa khóa”. Phó Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Đông Anh Nguyễn Thị Hạnh cho biết, để tháo gỡ khó khăn, các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các ngành đoàn thể từ huyện đến cơ sở đã tập trung chỉ đạo đồng bộ, thu hút sự vào cuộc của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Xác định muốn người dân thực hiện thì đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp phải là những người phải gương mẫu, nghiêm túc thực hiện trước.

“Chúng tôi đưa việc tang văn minh vào tiêu chuẩn đánh giá làng văn hóa hằng năm. Địa phương nào có tỷ lệ hỏa táng dưới 30% là “điểm liệt”, không đủ tiêu chí chấm điểm làng văn hóa; các gia đình cán bộ xã, thôn có người thân qua đời không thực hiện hỏa táng sẽ không được bình xét thi đua khen thưởng cuối năm và thôn đó cũng không được xét làng văn hóa” - bà Hạnh cho biết.

Để tạo niềm tin trong nhân dân, huyện Đông Anh đã tập trung tuyên truyền trên rất nhiều kênh. Trong đó, mời các sư trụ trì trên địa bàn huyện như Thượng tọa Thích Gia Quang, Sư thầy Thích Minh Thịnh...; các nhà nghiên cứu, nhà khoa học như: Giáo sư Lê Văn Lan, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Thức, Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức... đến tận thôn làng, tổ dân phố để thực hiện việc tuyên truyền đến nhân dân, đặc biệt là người cao tuổi.

Sư thầy Thích Thanh Hòa, trụ trì chùa Cảnh Tiên (thôn Kính Nỗ, xã Uy Nỗ) cho biết, nhà chùa phối hợp với Ủy ban MTTQ huyện Đông Anh, Phòng Tài nguyên và Môi trường tổ chức nhiều buổi nói chuyện với đại diện nhân dân về việc tang văn minh và vận động nhân dân khi có người quá cố nên đưa đi hỏa táng. Thông qua việc phân tích các hình thức tổ chức tang lễ trên thế giới (như: Thiên táng, thủy táng, hỏa táng và địa táng) và nhấn mạnh ưu điểm của hình thức hỏa táng là có lợi hơn cả vừa bảo đảm vệ sinh, vừa tiết kiệm quỹ đất, và cũng là phong tục của nhà Phật... nhiều người dân đã thay đổi nhận thức và nhiều cụ cao tuổi đã đăng ký thực hiện hỏa táng sau khi mình qua đời.

Khi đã tuyên truyền tốt, việc tổ chức thực hiện chính sách chu đáo là yếu tố không nhỏ góp phần tạo sự chuyển biến trong thực hiện việc tang văn minh ở huyện Đông Anh. Sự quan tâm hỗ trợ về kinh phí và cử cán bộ phụ trách thực hiện các nghi thức, thủ tục trong việc hỏa táng đối với người qua đời của các xã, thị trấn đã tạo điều kiện tốt nhất cho gia đình yên tâm thực hiện. Năm 2008-2010, huyện Đông Anh hỗ trợ 3 triệu đồng/ca hỏa táng.

Từ tháng 7-2010 đến nay, mỗi ca hỏa táng được huyện chi trả bằng 6 triệu đồng, trong đó có 4 triệu từ nguồn ngân sách của thành phố và 2 triệu từ huyện. Ngoài ra, 100% xã đều có hỗ trợ thêm kinh phí hỏa táng từ 1 triệu đồng/ca trở lên. Một số thôn làng cũng trích từ nguồn kinh phí của thôn hỗ trợ mỗi ca từ 500 nghìn đến 1 triệu đồng/ca.

Nhiều nghĩa trang trên địa bàn huyện cũng được quy hoạch, cải tạo lại để nơi an nghỉ cuối cùng của người dân được xanh sạch, văn minh hơn. Đến nay, Đông Anh có 1 công viên nghĩa trang cây xanh do huyện quản lý tại thôn Vĩnh Thanh (xã Vĩnh Ngọc) với diện tích 2ha và 141 nghĩa trang nhân dân tại các thôn, làng, tổ dân phố. Hầu hết các nghĩa trang đều có đường vào nhà quản trang, hệ thống tường bao, lối đi lại trong nghĩa trang, trồng cây xanh, hệ thống thoát nước và điện chiếu sáng…

Chia sẻ với chúng tôi, cụ Bùi Trung Trực, thôn Kính Nỗ, xã Uy Nỗ (81 tuổi) vui vẻ cho biết: "Từ khi địa phương thực hiện việc tang văn minh, người dân rất phấn khởi. Tôi cũng nhắc nhở con cháu: Sinh - lão - bệnh - tử là điều không tránh khỏi đối với mỗi người. Nếu sau này về với tiên tổ, tôi cũng sẽ chọn hình thức hỏa táng. Tôi tin rằng, khi nhận thức đã "thông", việc tang văn minh sẽ được duy trì và nhân rộng trong cộng đồng dân cư”.

Nguyễn Mai

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Xa-hoi/896021/chuyen-bien-trong-viec-tang-o-dong-anh