Chuyển biến trong nghiên cứu, ứng dụng khoa học - kỹ thuật ở lĩnh vực y dược

Nhờ đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật (KHKT) vào công tác y tế dự phòng, khám, chữa bệnh, sản xuất thuốc, vật tư và trang thiết bị y tế, nên lĩnh vực y dược của tỉnh nhà trong những năm qua đã đạt được nhiều thành tựu, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc, bảo vệ sức khỏe người dân.

Ca ghép thận đầu tiên tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Với sự trợ giúp của các thiết bị quang học hiện đại, kỹ thuật nội soi chẩn đoán, nội soi phẫu thuật, các bệnh viện trong tỉnh đã nâng cao chất lượng chẩn đoán, giảm thiểu tổn thương trong phẫu thuật, rút ngắn thời gian điều trị, sớm phục hồi sức khỏe cho người bệnh. Trong lĩnh vực xương khớp, chấn thương với sự hỗ trợ của máy cộng hưởng từ, CT-Scanner, máy điều trị thoát vị đĩa đệm bằng sóng radio đã triển khai thành công các phương pháp phẫu thuật điều trị thoát vị đĩa đệm, thay khớp háng nhân tạo, phẫu thuật nội soi khớp, phẫu thuật sọ não lấy máu tụ dưới màng cứng. Các thành tựu mới trong công nghệ Laser cũng được ứng dụng mạnh mẽ trong phẫu thuật, điều trị các bệnh da liễu, y học cổ truyền, phục hồi chức năng... Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, nhờ ứng dụng tiến bộ KHKT nên đã thực hiện thành công nhiều kỹ thuật y khoa cao, chuyên sâu, hiện đại, như: Phẫu thuật cắt u thực quản 1/3 dưới, phẫu thuật thay khớp vai; phẫu thuật nội soi cắt đại tràng; cắt thận, tuyến thượng thận; phẫu thuật nội soi cắt tuyến giáp; mở thông dạ dày nội soi; tiêm botulinum toxin A điều trị co cứng cơ; đốt sóng cao tần điều trị u gan; nút mạch điều trị u lành tính tuyến tiền liệt; phẫu thuật thay khớp gối; điều trị suy tĩnh mạch nông chi dưới bằng lazer nội mạch. Trong lĩnh vực cận lâm sàng đã triển khai xét nghiệm phát hiện ADN đặc trưng của Cyto Megalo Virus (CMV), xét nghiệm PSA tự do (Free PSA) giúp chẩn đoán phân biệt ung thư tuyến tiền liệt với các bệnh lành tính tuyến tiền liệt, xét nghiệm HE 4 chẩn đoán ung thư buồng trứng, nội mạc tử cung, xét nghiệm hóa mô miễn dịch... Vì thế, nhiều ca bệnh khó đã được cứu chữa thành công, mang lại niềm tin, sự hài lòng của người bệnh.

Tại Bệnh viện Nhi, với sự trợ giúp của hệ thống tim phổi nhân tạo bệnh viện đã triển khai kỹ thuật mổ tim hở, điều trị bệnh lý tim bẩm sinh cho trẻ em. Tại Bệnh viện Phụ sản nhờ được đầu tư hệ thống thiết bị hỗ trợ sinh sản, từ năm 2008 đã triển khai thành công kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm. Trong chuyên khoa mắt, với việc ra đời của hệ thống máy phaco đã thay thế phương pháp mổ đục thủy tinh thể truyền thống bằng phương pháp phaco với nhiều ưu điểm, như thời gian mổ và phục hồi sau mổ ngắn, thị lực sau mổ tốt hơn. Bệnh viện Mắt cũng đã thực hiện thành công kỹ thuật ghép giác mạc...

Song song với việc ứng dụng công nghệ qua đầu tư trang thiết bị y tế hiện đại, công tác nghiên cứu khoa học, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật cũng đã được chú trọng. Các đơn vị trong ngành y tế đã chủ trì thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh, phối hợp nghiên cứu các đề tài cấp bộ, cấp Nhà nước. Từ năm 2011 đến nay, trong lĩnh vực y dược, toàn tỉnh đã triển khai thực hiện 34 nhiệm vụ khoa học công nghệ (KHCN), trong đó, có 23 nhiệm vụ chuyển giao công nghệ, kỹ thuật tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị bệnh với tổng kinh phí sự nghiệp khoa học hỗ trợ gần 7,6 tỷ đồng. Tiêu biểu như nhiệm vụ nghiên cứu, ứng dụng kỹ thuật phẫu thuật nội soi ngoài phúc mạc đặt mảnh ghép nhân tạo điều trị thoát vị bẹn và kỹ thuật phẫu thuật tim hở tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh; phẫu thuật nội soi kết hợp với phẫu thuật mở điều trị dị tật không hậu môn và kỹ thuật thay máu cho trẻ vàng da sơ sinh bằng phương pháp tự động tại Bệnh viện Nhi; ứng dụng thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch điều trị nhồi máu não sớm tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh...; 11 nhiệm vụ KHCN nghiên cứu và phát triển các đối tượng cây dược liệu và sản xuất thuốc từ cây dược liệu với tổng kinh phí sự nghiệp khoa học hỗ trợ trên 10 tỷ đồng.

Được biết, tỉnh ta có khoảng 714 loài cây thuốc thuộc 521 chi, 67 họ thực vật, trong đó có trên 500 loài cây mọc tự nhiên, 185 loài là cây trồng và 15 loài cây nhập nội đang trồng đại trà: Có 3 đơn vị gồm: Công ty CP Dược – Vật tư y tế Thanh Hóa; Cơ sở sản xuất thuốc y học cổ truyền Bà Giằng và Hãng thuốc Thể thao Thanh Hóa sản xuất thuốc từ dược liệu. Ngoài ra, còn một số doanh nghiệp đang phát triển các sản phẩm chức năng từ nguồn dược liệu trồng trong tỉnh, như: Viên nang curcuminoid của Công ty CP Nghệ Việt (Nông trường Thạch Quảng – Thạch Thành); Dầu Hồng gấc của Công ty CP Tinh chất thảo dược Việt Nam (Khu Công nghiệp Tây Bắc ga, TP Thanh Hóa); Tảo xoắn tươi Spirulina TOT của Công ty CP Long Phú (xã Quảng Thái, Quảng Xương)... Riêng Công ty CP Dược – Vật tư y tế Thanh Hóa với việc thực hiện Dự án “Hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất biofil và hyđan”, công ty đã làm chủ và ứng dụng thành công nhiều công nghệ mới, tiên tiến như: Công nghệ sản xuất và bảo quản cao khô men bia định chuẩn; công nghệ Blow-fill-seal (phương pháp tự động tạo hình và đóng gói sản phẩm dạng lỏng); công nghệ tiệt khuẩn dung dịch thuốc biofil trước khi đóng ống nhựa; công nghệ sản xuất viên nén và viên nang hydan... Đặc biệt thông qua dự án, Công ty CP Dược – Vật tư y tế Thanh Hóa đã bào chế được dạng thuốc mới, tiện dụng, có chất lượng cao, số lượng ổn định, mở rộng quy mô sản xuất biofill (thuốc bổ dưỡng giúp tăng cường sức khỏe) lên 5-7 triệu ống/tháng, hyđan (thuốc chữa phong tê thấp) lên 145 triệu viên/năm, tạo việc làm ổn định cho 70-80 lao động với mức thu nhập 5,3 triệu đồng/người/tháng...

Có thể thấy, những chuyển biến tích cực trong nghiên cứu và ứng dụng KHCN trong lĩnh vực y dược trên địa bàn tỉnh là thành quả của nhiều năm liền chuẩn bị về mọi mặt từ chủ trương, chính sách đến phát triển đội ngũ nhân lực, cơ sở vật chất, đồng thời đánh dấu bước phát triển mới của ngành y dược tỉnh nhà, qua đó, góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân, phục vụ công cuộc CNH, HĐH quê hương, đất nước.

Bài và ảnh: Phong Sắc

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/portal/pages/msx9ts/new-article.aspx