Chuyển biến tích cực trong xử lý nợ xấu từ Nghị quyết 42

Ngày 21-6-2017, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Nghị quyết số 42/2007/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (sau đây gọi tắt là Nghị quyết 42). Ngày 19-7-2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1058/QĐ-TTg phê duyệt Đề án 'Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020' (Quyết định 1058).

Hai văn bản trên có vai trò quan trọng góp phần thúc đẩy quá trình tái cơ cấu và xử lý nợ xấu đạt hiệu quả; khơi thông vốn cho nền kinh tế.

Góp phần nâng cao ý thức trả nợ

Thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, căn cứ thực trạng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42, đánh giá khả năng thu hồi nợ xấu, các tổ chức tín dụng (TCTD) đã xây dựng kế hoạch xử lý nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 phù hợp từng thời kỳ. Bên cạnh đó, Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ xử lý nợ xấu. Có thể nói, Nghị quyết 42 đã hỗ trợ tích cực cho VAMC nói riêng, các TCTD nói chung trong hoạt động xử lý nợ xấu, tháo gỡ những vướng mắc trước đây.

Thông qua Nghị quyết 42, quyền chủ nợ của VAMC, TCTD được khẳng định và bảo vệ thông qua các quy định rõ ràng về quyền thu giữ tài sản; quyền ưu tiên thanh toán cho nghĩa vụ nợ khi xử lý tài sản bảo đảm (TSBĐ) của khách hàng, bên bảo đảm để thu hồi nợ, quan hệ của chủ thể là đối tượng đi vay và người đi vay trở về đúng bản chất của giao dịch dân sự kinh tế, có vay phải có trả. Qua đó, VAMC và các TCTD đã tự tin hơn trong hoạt động xử lý nợ xấu, nợ xấu được xử lý nhanh chóng, thực chất và hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, kể từ khi có Nghị quyết 42, sự phối hợp giữa VAMC, các TCTD với các cấp, các ngành, từ Trung ương đến địa phương trong hoạt động xử lý nợ xấu có chiều hướng tích cực và hiệu quả hơn, đặc biệt trong công tác thu giữ, xử lý, chuyển nhượng TSBĐ. Đặc biệt, Nghị quyết 42 góp phần nâng cao ý thức của khách hàng trong việc trả nợ, ý thức chấp hành pháp luật và thái độ hợp tác của khách hàng với VAMC, các TCTD trong việc xử lý TSBĐ để thu hồi nợ cũng tích cực hơn. Có nhiều khoản nợ trước đây khách hàng chây ỳ, không trả nợ cho TCTD nhưng khi chuyển khoản nợ sang VAMC theo giá trị thị trường và VAMC áp dụng các biện pháp xử lý, khách hàng đã có động thái hợp tác trả nợ. Ngoài ra, Nghị quyết 42 đã tạo động lực khuyến khích các TCTD bán nợ xấu cho VAMC theo giá trị thị trường. Đối tượng và hoạt động mua, bán nợ xấu của VAMC cũng đã được mở rộng, VAMC được bán nợ xấu cho các tổ chức, cá nhân, bao gồm cả pháp nhân không có chức năng kinh doanh mua, bán nợ. Đồng thời, VAMC đã tổ chức đấu giá thành công nhiều khoản nợ.

Dần hình thành thị trường mua bán nợ

TS Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhận định, việc mua bán xử lý nợ xấu sau khi có Nghị quyết 42 đã có những bước tiến đáng kể. Những TSBĐ từ trước đến nay không bao giờ nghĩ là thu được, nhưng đến thời điểm này đã thu được. Con nợ từ chỗ chây ỳ, chống đối nay đã hợp tác, chủ nợ không còn cảnh “đứng cho vay, quỳ thu nợ”. Các giải pháp xử lý nợ xấu được triển khai đồng bộ cùng với các biện pháp kiểm soát, phòng ngừa nợ xấu mới phát sinh đã góp phần quan trọng nâng cao chất lượng tín dụng và giảm tỷ lệ nợ xấu của hệ thống các TCTD. Bên cạnh đó, Nghị quyết 42 bước đầu đã tạo điều kiện quan trọng góp phần xử lý nợ xấu tại các TCTD, đến cuối tháng 6-2018, tỷ lệ nợ xấu so với tổng nợ là 2,09%, giảm so với thời điểm ngày 31-12-2016 (2,46%). Đến ngày 30-6-2018, hệ thống TCTD đã xử lý được 138,29 nghìn tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42. Ngoài ra, không chỉ nhìn về con số, tình hình mua bán nợ sau Nghị quyết 42 có bước tiến về chất. Các tổ chức và cá nhân đang có nợ tại các TCTD đều có nhìn nhận tương đối khách quan về trách nhiệm của mình phối hợp với người cho vay để xử lý TSBĐ của các khoản nợ xấu. Thông qua Nghị quyết 42 cũng đã dần hình thành một thị trường mua bán nợ theo đúng nguyên tắc của thị trường và đã tạo tiền đề để các TCTD hoạt động tương đối theo nguyên tắc thị trường. Ngoài mua bán nợ, hoạt động thu nợ của các TCTD đặc biệt là VAMC kể từ sau khi có Nghị quyết 42 có bước tiến đáng kể...

Theo TS Nguyễn Đức Kiên, có hai điểm nhấn lớn nhất đã đạt được sau một năm triển khai Nghị quyết 42. Thứ nhất là thay đổi nhận thức để chúng ta có thể điều hành lại nền kinh tế từng bước tiếp cận với nguyên tắc kinh tế thị trường. Thứ hai, những vấn đề dự báo tác động tích cực, tiêu cực của Nghị quyết 42 đối với nền kinh tế, TCTD tương đối sát. Điều có ý nghĩa đặc biệt nữa của Nghị quyết 42 khẳng định những “ưu ái” không chỉ đối với ngân hàng thương mại nhà nước mà bao gồm cả các ngân hàng từ thành phần kinh tế khác nhau thể hiện bình đẳng quan tâm tới tất cả loại hình sở hữu chứ không phân biệt đến Nhà nước hay tư nhân.

PHƯƠNG LINH

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/chuyen-bien-tich-cuc-trong-xu-ly-no-xau-tu-nghi-quyet-42-551570