Chuyển biến tích cực trong tái cơ cấu ngành hàng khoai lang

Huyện Châu Thành

Từ lâu cây khoai lang được biết đến là mặt hàng nông sản thế mạnh của huyện Châu Thành và được huyện chọn là 1 trong 5 ngành hàng trong Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Đến nay, ngành hàng khoai lang đã bước đầu cơ bản ổn định, nông dân từng bước thay đổi tập quán sản xuất, xây dựng những mô hình liên kết sản xuất tạo ra những sản phẩm hàng hóa chất lượng đáp ứng yêu cầu thị trường.

Hiện tổng diện tích khoai lang trên địa bàn huyện Châu Thành hàng năm là trên 3.000ha, tập trung nhiều ở các xã: Tân Phú, Phú Long và Hòa Tân. Tính riêng trong vụ đông xuân 2019-2020, nông dân đã xuống giống được 730ha chủ yếu là giống khoai tím Nhật, năng suất bình quân 25 tấn/ha, sản lượng đạt 18.250 tấn. Theo nông dân trồng khoai, những năm gần đây, giá khoai lang luôn ổn định ở mức cao. Đặc biệt là việc cây khoai lang được chọn làm ngành hàng chủ lực của huyện trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã mở ra hướng đi mới và tạo được niềm tin cho người trồng khoai lang. Song song đó, việc hình thành các Hội quán, hợp tác xã tại những vùng chuyên canh khoai lang đã tạo sự chuyển biến tích cực trong việc sản xuất, kinh doanh mặt hàng khoai lang của nông dân. Việc tiếp cận được nhiều thông tin thị trường, áp dụng các tiến bộ, khoa học kỹ thuật, đặc biệt là việc liên kết sản xuất, sản xuất theo hướng an toàn nên điệp khúc “được mùa, mất giá” không còn được nhắc đến ở vùng đất chuyên canh khoai lang của nông dân Châu Thành.

Hiện tại đã có nhiều công ty, doanh nghiệp tiếp cận với các hợp tác xã để thu mua sản phẩm khoai lang của nông dân, điển hình như Công ty TNHH MTV Nam Huy Đồng Tháp (xã Hòa Tân, huyện Châu Thành) đã ký kết thu mua sản phẩm khoai lang của Hợp tác xã nông sản An Hòa, xã Hòa Tân, bước đầu với sản lượng 2 tấn khoai thương phẩm/ngày, chế biến thành sản phẩm khoai lang sấy giòn. Sản phẩm này đang được công ty đăng ký chứng nhận sản phẩm OCOP của địa phương. Ông Phan Thanh Dũng – Phó chủ tịch UBND huyện Châu Thành cho biết: “Hướng tới, huyện sẽ quy hoạch lại vùng chuyên canh khoai lang và định hướng phát triển theo hướng an toàn, đảm bảo hàng hóa có thể xuất ra được nhiều thị trường khó tính, đặc biệt là thị trường Châu Âu, đa dạng các mặt hàng nguyên liệu là khoai lang đưa vào sản phẩm OCOP”.

Nhìn chung, sau hơn 4 năm triển khai Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp ở huyện Châu Thành, bộ mặt nông nghiệp, nông thôn đã có nhiều khởi sắc, làm thay đổi nhanh chóng cách nghĩ, cách làm của người dân. Người nông dân đã biết liên kết với nhau từ khâu sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm. Qua đó góp phần nâng cao thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo và thúc đẩy quá trình xây dựng thành công nông thôn mới trên địa bàn của huyện.

Thanh Dự - Đăng Phúc

Nguồn Đồng Tháp: http://www.baodongthap.vn/kinh-te/chuyen-bien-tich-cuc-trong-tai-co-cau-nganh-hang-khoai-lang-91615.aspx