Chuyển biến tích cực trong công tác quản lý tôn giáo, tín ngưỡng

Qua 3 năm triển khai Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, thực tiễn cho thấy, công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực tôn giáo, tín ngưỡng đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Luật Tín ngưỡng, tôn giáo được Quốc hội thông qua ngày 18/11/2016, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2018. Ngày 30/12/20217, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 162 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo.

Theo bà Nguyễn Thị Định, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Thanh tra, Ban Tôn giáo Chính phủ, qua hơn 3 năm triển khai thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo đã có những chuyển biến tích cực. Luật đã tạo hành lang pháp lý để thực hiện thống nhất và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo, được các tổ chức, cá nhân tôn giáo và người dân đón nhận, yên tâm sống đạo và giữ đạo, chấp hành nghiêm pháp luật khi thực hiện các hoạt động tôn giáo.

Tìm hiểu thực tiễn tại các địa phương thì thấy nhận định của Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Thanh tra, Ban Tôn giáo Chính phủ hoàn toàn có cơ sở.

Tại Đồng Tháp, tính đến ngày 31/12/2020, toàn tỉnh có 57 công trình tín ngưỡng, tôn giáo được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa và kiểm kê lập Danh mục di tích lịch sử văn hóa. Trong đó có 45 công trình tín ngưỡng (7 công trình xếp hạng quốc gia, 28 công trình xếp hạng cấp tỉnh và 10 công trình được kiểm kê lập Danh mục di tích), 12 công trình tôn giáo (2 công trình xếp hạng quốc gia, 4 công trình xếp hạng cấp tỉnh và 6 công trình kiểm kê lập Danh mục di tích).

- Công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực tôn giáo, tín ngưỡng đã có nhiều chuyển biến tích cực. Ảnh: Bình Minh

- Công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực tôn giáo, tín ngưỡng đã có nhiều chuyển biến tích cực. Ảnh: Bình Minh

Báo cáo sơ kết 3 năm triển khai thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định số 162 của Sở Văn hóa – Thể thao & Du lịch tỉnh Đồng Tháp cho biết, từ khi Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định số 162 có hiệu lực, Sở đã kịp thời ban hành các văn bản triển khai, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện công tác quản lý nhà nước về tôn giáo, tín ngưỡng trên địa bàn tỉnh, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ và có tính khả thi cao, đem lại hiệu quả trong công tác quản lý các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo.

Việc thi hành pháp luật của cơ quan nhà nước và người có thẩm quyền, cũng như các điều kiện thi hành pháp luật tín ngưỡng, tôn giáo đảm bảo tính kịp thời, đầy đủ; các tổ chức, cá nhân cơ bản thực hiện nghiêm túc các quy định về hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo. Chẳng hạn, việc bầu, cử người đại diện hoặc thành viên ban quản lý cơ sở tín ngưỡng đảm bảo các tiêu chuẩn theo quy định tại Điều 11 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo. Đến nay, 100% cơ sở tín ngưỡng thuộc đối tượng quản lý có người đại diện hoặc ban quản lý. Việc đăng ký hoạt động cũng được thực hiện đúng theo quy định tại Điều 12 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo (hướng dẫn người đại diện hoặc ban quản lý thực hiện việc đăng ký hoạt động với đầy đủ nội dung, quy mô, thời gian diễn ra hoạt động tín ngưỡng).

Tại Hải Dương, lãnh đạo TP. Hải Dương đã sớm xác định rằng Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định 162 là cơ sở pháp lý để vận dụng vào thực tế, những người làm công tác tôn giáo nói chung cần nắm chắc quan điểm đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác tôn giáo để từ đó góp phần vào việc bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân.

Qua sự vận động của cán bộ các cấp, chức sắc, chức việc, nhà tu hành và tín đồ các tôn giáo đã thể hiện thái độ hợp tác và cam kết sẽ tham gia vận động tín đồ tôn giáo mình sinh hoạt tôn giáo đúng phương châm “tốt đời đẹp đạo”.

UBND TP. Hải Dương thông qua Phòng Nội vụ đã cử cán bộ trực tiếp hướng dẫn tổ chức cho tín đồ các tôn giáo sinh hoạt đúng tôn chỉ mục đích của đạo và chính sách, pháp luật của Nhà nước. Thời gian vừa qua, hoạt động của các chức sắc, chức việc, nhà tu hành và tín đồ các tôn giáo trong thành phố khá ổn định. Đa số đều chấp hành tốt pháp luật của Nhà nước và hiến chương của giáo hội.

Các tổ chức tôn giáo đã tích cực tham gia một số hoạt động từ thiện mang lại hiệu quả thiết thực như phong trào vận động xây dựng nhà tình nghĩa, nhà tình thương, cứu trợ cho đồng bào miền Trung bị lũ lụt sau cơn bão, vận động cấp học bổng cho học sinh nghèo hiếu học…

Bên cạnh đó, các cấp, ngành của thành phố cũng đã vận động các chức sắc, nhà tu hành và tín đồ của các tôn giáo tham gia có hiệu quả các phong trào ích nước, lợi dân tại địa phương như “Quỹ vì người nghèo”, “Quỹ đền ơn, đáp nghĩa”, “Phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng”, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”…

Hà Minh

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/chuyen-de/dai-doan-ket/chuyen-bien-tich-cuc-trong-cong-tac-quan-ly-ton-giao-tin-nguong-286967.html