Chuyển biến tích cực trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí

Trong 9 tháng năm 2019, cơ quan công an đã và đang thụ lý điều tra 21 vụ, 54 bị can, trong đó khởi tố mới 13 vụ, 46 bị can; viện kiểm sát nhân dân hai cấp truy tố 4 vụ, 9 bị can; tòa án nhân dân hai cấp xét xử 3 vụ, 7 bị cáo. So với cùng kỳ năm 2018, số vụ án, số bị can bị khởi tố mới đều tăng cao. Đáng chú ý là trong số 21 vụ, 54 bị can cơ quan công an đã và đang thụ lý điều tra thì cấp tỉnh thụ lý 8 vụ, 20 bị can, cấp huyện 13 vụ, 34 bị can. Điều này cho thấy, với việc đẩy mạnh phân cấp cho cơ quan điều tra cấp huyện thụ lý các vụ án kinh tế, tham nhũng trong thời gian qua, công tác đấu tranh với tội phạm kinh tế, tham nhũng từ cơ sở ngày càng có hiệu quả hơn, dần khắc phục được tình trạng 'trên nóng, dưới lạnh'.

Thượng tá Hoàng Văn Bình, Phó trưởng Phòng Cảnh sát kinh tế, tham nhũng và buôn lậu (Công an tỉnh) cho biết: Qua điều tra cho thấy hầu hết các vụ án tham nhũng diễn ra ở cơ sở, trong đó các hành vi sai phạm chủ yếu liên quan đến bồi thường giải phóng mặt bằng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, chiếm tỷ lệ 80 - 90% trong các vụ án tham nhũng. Đây cũng là những nguyên nhân cơ bản gây bất bình, bức xúc trong dư luận, gây bất ổn cho tình hình ở cơ sở.

Để đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN), lãng phí, với vai trò là lực lượng chủ công, từ đầu năm đến nay toàn ngành thanh tra đã tiến hành 187 cuộc thanh tra hành chính (trong đó Thanh tra tỉnh tiến hành 18 cuộc; thanh tra các sở, ngành tiến hành 31 cuộc; các huyện, thị xã, thành phố tiến hành 138 cuộc), đã ban hành kết luận 143 cuộc. Qua thanh tra phát hiện nhiều sai phạm về kinh tế với số tiền 49.398,76 triệu đồng, kiến nghị thu hồi 29.167,76 triệu đồng (đã thu 28.416,17 triệu đồng, đạt 98%), kiến nghị xử lý khác hơn 20.231 triệu đồng, xử phạt vi phạm hành chính 18 tổ chức và 53 cá nhân.

Có thể thấy những chuyển biến rõ nét trong công tác PCTN trên địa bàn tỉnh thời gian qua là sự cụ thể hóa quyết tâm chính trị của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh trong thực hiện công tác PCTN, lãng phí. Từ đầu năm đến nay, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thành lập 2 đoàn kiểm tra việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác PCTN, lãng phí đối với ban thường vụ 2 huyện và đảng ủy - ban giám đốc 2 sở; chỉ đạo các cơ quan tố tụng, thi hành án dân sự và các cơ quan, tổ chức có liên quan xây dựng kế hoạch chấn chỉnh, khắc phục hạn chế, tồn tại trong công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế theo kết luận của Đoàn công tác số 4 Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN; chỉ đạo tiến hành rà soát các cuộc thanh tra kinh tế - xã hội, việc thực hiện các kết luận, kiến nghị sau thanh tra, kiểm toán và sau các cuộc kiểm tra, rà soát của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Ban Nội chính Tỉnh ủy đã thường xuyên theo dõi, đôn đốc các cơ quan chức năng tập trung xác minh, điều tra, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế thuộc diện Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy chỉ đạo; vụ việc, vụ án Ban Nội chính Tỉnh ủy theo dõi, đôn đốc; tổ chức kiểm tra việc lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện công tác nội chính, PCTN, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với Ban Thường vụ Huyện ủy Như Thanh...

Đồng chí Trần Văn Tuấn, Bí thư Huyện ủy Như Thanh cho biết: Qua kiểm tra đối với Ban Thường vụ Huyện ủy, Đoàn kiểm tra của Ban Nội chính Tỉnh ủy đã chỉ ra những mặt còn tồn tại, khuyết điểm, để địa phương khắc phục. Công tác kiểm tra không chỉ giúp cho huyện Như Thanh mà đối với các đơn vị được kiểm tra nói chung sẽ tăng cường hơn nữa công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền sâu sát hơn, hiệu quả hơn. Các phòng, ban chuyên môn sẽ rút được nhiều kinh nghiệm trong thực hiện nhiệm vụ cụ thể của mình. Thực hiện kết luận của đoàn kiểm tra, Ban Thường vụ Huyện ủy sẽ xây dựng kế hoạch chi tiết khắc phục những tồn tại, hạn chế. Đây là một trong những nội dung trọng tâm từ nay đến cuối năm để huyện tập trung lãnh đạo, chỉ đạo.

Để thực hiện đồng bộ, hiệu quả công tác PCTN, lãng phí, các cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị trong tỉnh đã coi trọng việc quán triệt, triển khai thực hiện các quy định về công tác PCTN, lãng phí. Toàn tỉnh đã tổ chức 52 hội nghị tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về PCTN cho 8.098 lượt người. Các cấp, các ngành đã ban hành mới 178 văn bản; sửa đổi, bổ sung 124 văn bản liên quan đến công tác quản lý, sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm tài sản công, cấp phát, sử dụng kinh phí, chế độ, định mức... nhằm phòng ngừa tham nhũng. Tiến hành chuyển đổi vị trí công tác đối với 433 người (tăng 116 người so với cùng kỳ năm 2018). 100% cơ quan, tổ chức, đơn vị và 22.845 người/22.895 người thuộc diện phải kê khai tài sản, thu nhập đã kê khai và công khai bản kê khai tài sản theo quy định; 1 trường hợp kê khai không trung thực đã bị xử lý khiển trách. UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan hành chính Nhà nước đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho tổ chức, công dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác quản lý, điều hành; công khai minh bạch hoạt động của cơ quan, đơn vị... Phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội, PCTN, lãng phí, MTTQ và các tổ chức thành viên đã thành lập “đường dây nóng” và hộp thư tố giác tham nhũng; phối hợp với các ban, ngành liên quan tổ chức giám sát công tác PCTN tại một số địa phương, đơn vị.

Tuy nhiên, nhìn lại công tác đấu tranh PCTN, lãng phí thời gian qua cũng cho thấy việc tự kiểm tra, rà soát, phát hiện các dấu hiệu tham nhũng để xử lý, ngăn ngừa kịp thời của một số cấp ủy địa phương, cơ quan, đơn vị còn rất hạn chế. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng kế hoạch, kiểm tra thực hiện của một số đơn vị chưa đạt hiệu quả cao. Nhiều vụ án tham nhũng được khởi tố thời gian qua đa phần là từ đơn tố cáo của công dân và do cơ quan công an thực hiện các biện pháp nghiệp vụ phát hiện. Kết quả thu hồi tiền, tài sản bị chiếm đoạt trong các vụ án còn thấp. Một bộ phận cán bộ, công chức còn vi phạm trong thực thi công vụ, cá biệt có trường hợp cán bộ, công chức cơ quan thực thi pháp luật lại vi phạm pháp luật PCTN.

Để nâng cao hiệu quả công tác PCTN, lãng phí, trong thời gian tới, các cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị cần tiếp tục coi trọng việc triển khai thực hiện Luật PCTN năm 2018; Chỉ thị số 27-CT/TW, ngày 10-1-2019 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Tăng cường kiểm tra các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, dư luận quan tâm, có nhiều đơn thư; chú trọng thanh tra trách nhiệm quản lý Nhà nước của các cấp, các ngành, gắn hoạt động thanh tra với giải quyết tố cáo tham nhũng, lãng phí. Tập trung phát hiện, xử lý các hành vi, vụ án tham nhũng. Thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy vai trò của cơ quan dân cử, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trong việc giám sát cán bộ, công chức và các cơ quan tổ chức, đơn vị để phát hiện, đấu tranh với các hiện tượng tham nhũng, lãng phí.

Việt Linh

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/thoi-su/chuyen-bien-tich-cuc-trong-cong-tac-phong-chong-tham-nhung-lang-phi/109268.htm