Chuyển biến, nhưng chưa đạt yêu cầu

Sau hơn một năm thực hiện Chỉ thị số 08-CT/TU (ngày 26-5-2016) của Thành ủy Hà Nội về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác bảo đảm trật tự và văn minh đô thị trên địa bàn, công tác quản lý đô thị đã có nhiều chuyển biến tích cực, song nhiều mặt vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu.

Vỉa hè, lòng đường bị lấn chiếm trở lại trên nhiều tuyến phố. Ảnh: ÐĂNG ANH

Vỉa hè, lòng đường bị lấn chiếm trở lại trên nhiều tuyến phố. Ảnh: ÐĂNG ANH

Sau hơn một năm thực hiện Chỉ thị số 08-CT/TU (ngày 26-5-2016) của Thành ủy Hà Nội về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác bảo đảm trật tự và văn minh đô thị trên địa bàn, công tác quản lý đô thị đã có nhiều chuyển biến tích cực, song nhiều mặt vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu.

Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục cho biết, sau khi Thành ủy Hà Nội có Chỉ thị số 08 và UBND thành phố ban hành Kế hoạch số 143/KH-UBND (ngày 27-7-2016) về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác bảo đảm trật tự và văn minh đô thị trên địa bàn Thủ đô, các cấp, các ngành và UBND các quận, huyện, thị xã vào cuộc với tinh thần trách nhiệm cao. Cả hệ thống chính trị đã triển khai chỉ thị bằng nhiều giải pháp mới, phù hợp tình hình thực tế tại địa phương, tạo chuyển biến nhanh chóng trên tất cả các lĩnh vực, trong đó nổi bật là công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng. Năm 2017, lực lượng thanh tra xây dựng kiểm tra gần 17.500 công trình, phát hiện hơn 1.900 công trình vi phạm. Các công trình vi phạm đều được thiết lập hồ sơ ngay từ đầu và đến nay đã xử lý dứt điểm gần 1.600 trường hợp, hơn 300 công trình vi phạm còn lại đang tiếp tục giải quyết. UBND các quận, huyện, thị xã đã ban hành gần 1.750 quyết định xử phạt vi phạm hành chính, với số tiền hơn 12 tỷ đồng.

Huyện Gia Lâm đã quy định rõ trách nhiệm của chủ tịch UBND các xã, thị trấn, trưởng phòng, ban liên quan và thanh tra xây dựng trong công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng. Huyện rà soát, phân loại đất công, đất nông nghiệp, gắn với đẩy nhanh việc cấp sổ đỏ đất ở, đất nông nghiệp sau dồn điền đổi thửa cho người dân. Chỉ sau thời gian ngắn, các vi phạm về đất đai, trật tự xây dựng giảm rõ rệt. Huyện đang tập trung giải quyết hơn 400 trường hợp xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, đất công tồn tại từ nhiều năm trước, nếu phù hợp quy hoạch sẽ cho chuyển mục đích sử dụng đất, nếu không phù hợp sẽ xử lý dứt điểm. Ðể tạo sự thay đổi bền vững, Gia Lâm gắn thực hiện văn minh đô thị với xây dựng nông thôn mới, bằng việc nâng cao chất lượng vệ sinh môi trường, vận động người dân cải tạo hồ ao, trồng cây xanh, xử lý rác thải, phế thải chăn nuôi.

Tại huyện Ba Vì, địa bàn từng xảy ra nhiều vi phạm lớn thời gian qua, sau khi có Chỉ thị số 08, UBND huyện đã kiểm tra, phát hiện và xử lý kỷ luật một số tập thể, cá nhân vi phạm. Cụ thể, một chủ tịch HÐND, một chủ tịch UBND, một phó chủ tịch UBND cấp xã bị khiển trách; ba chủ tịch UBND cấp xã bị cảnh cáo do để xảy ra vi phạm trong quản lý đất đai và trật tự xây dựng; Phòng Tài nguyên và Môi trường bị phê bình do thực hiện không đúng yêu cầu của Sở Tài nguyên và Môi trường trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, cấp sổ đỏ cho người dân.

Tại khu vực nội thành, các quận đã nghiêm túc thực hiện chỉ thị. Nhờ đó, bộ mặt đô thị của Thủ đô ngày càng xanh, sạch, đẹp, văn minh hơn; trật tự đô thị, trật tự công cộng có chuyển biến tích cực. Nhiều tuyến đường, tuyến phố mới được chỉnh trang đồng bộ về hạ tầng. Các vi phạm trật tự giao thông, lấn chiếm lòng lề đường, vỉa hè kinh doanh được xử lý. Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Nguyễn Xuân Lưu cho biết, sau khi có chỉ thị của Thành ủy, tỷ lệ công trình xây dựng có phép trên địa bàn quận đạt 99,6%, tăng 5,5% so với năm 2016. Quận đã xử lý dứt điểm 54 trong tổng số 62 công trình xây dựng vi phạm, 11 trên tổng số 14 nhà siêu mỏng, siêu méo, cấp sổ đỏ cho gần 9.300 thửa đất và rà soát, lập hồ sơ đưa vào quản lý 55 ô đất công, đất nông nghiệp. Quận đã giải tỏa thành công 22 chợ cóc, trồng mới 2.000 cây xanh, loại bỏ gần 300 cột điện không sử dụng sau khi hạ ngầm, bó gọn hệ thống dây cáp, chỉnh sửa, xử lý gần 2.900 biển hiệu quảng cáo không đúng quy định, tạo sự thay đổi rõ rệt về bộ mặt đô thị...

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong thời gian qua công tác bảo đảm trật tự và văn minh đô thị còn nhiều hạn chế như tình trạng vứt bỏ rác thải không đúng giờ, đúng nơi quy định gây mất vệ sinh môi trường. Ùn tắc và tai nạn giao thông diễn biến phức tạp, công tác phòng, chống cháy, nổ còn nhiều hạn chế. Ðáng chú ý, công tác cải tạo, nâng cấp vỉa hè, kết hợp chỉnh trang đô thị chưa thực hiện đúng chỉ đạo của thành phố, thiếu quy trình kỹ thuật, thi công ẩu dẫn đến nhiều khu vực vỉa hè hư hỏng, gây bức xúc dư luận…

Phát biểu tại hội nghị giao ban Thường trực Thành ủy, HÐND, UBND thành phố với lãnh đạo quận, huyện, thị xã quý IV-2017, đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền tạo chuyển biến về ý thức, nhận thức, trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân Thủ đô trong việc xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh của người Hà Nội. Ðồng chí yêu cầu bí thư, chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã, các xã, phường, thị trấn đề cao trách nhiệm, tập trung quyết liệt hơn nữa trong việc chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật, trật tự xây dựng và nâng cao chất lượng quản lý đô thị. Ðẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư hạ tầng giao thông, các công trình trọng điểm, dự án nhà máy cung cấp nước sạch. Hoàn thành hạ ngầm đường dây đi nổi, quản lý tốt hệ thống dây cáp, các công trình ngầm hạ tầng kỹ thuật đô thị, kết hợp chỉnh trang các tuyến hè phố bảo đảm đúng quy chuẩn, kỹ thuật và có sự giám sát chặt chẽ của các ngành chức năng thành phố. Thực hiện quyết liệt biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và các giải pháp giảm ùn tắc, tai nạn giao thông, phòng, chống cháy, nổ.

Minh Vân

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/hanoi/item/35001502-chuyen-bien-nhung-chua-dat-yeu-cau.html