Chuyển biến lớn về an toàn giao thông

Thời gian qua, tình hình trật tự an toàn giao thông trên địa bàn thành phố Hà Nội đạt nhiều hiệu quả và có chuyển biến tích cực. Công tác đảm bảo an toàn giao thông được chú trọng, đặc biệt là tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương.

Chuyển biến tích cực

Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, năm 2019, toàn quốc xảy ra 17.626 vụ tai nạn giao thông, làm chết 7.624 người, bị thương 13.624 người. So với năm 2018, số vụ tai nạn giao thông giảm 939 vụ (giảm 5,06%), số người chết giảm 587 người (giảm 7,15%), số người bị thương giảm 934 người (giảm 6,42%). Như vậy, năm 2019 có mức giảm về số người chết sâu nhất kể từ năm 2014 đến nay.

Để có được kết quả này, Hà Nội đã áp dụng nhiều giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông, giảm thiểu ùn tắc và tai nạn trên toàn địa bàn. Dễ thấy, hiện Hà Nội đã bổ sung nhiều biển báo, gờ giảm tốc, điều chỉnh chu kỳ đèn đối với 15/21 điểm. Ngoài ra, tại 2 nút giao thông Trung Kính – Mạc Thái Tổ và Phạm Văn Bạch – Dương Đình Nghệ cũng được ngành chức năng lắp đặt thiết bị phục vụ công tác thu thập thông tin tín hiệu tại các nút giao thông điển hình.

Các lực lượng chắc năng ra quân đảm bảo về trật tự an toàn giao thông. Ảnh: Giang Nam

Các lực lượng chắc năng ra quân đảm bảo về trật tự an toàn giao thông. Ảnh: Giang Nam

Ghi nhận của Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho thấy, đến hết tháng 6/2019, Hà Nội xử lý được 6/33 điểm thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông như: Láng – Nguyễn Chí Thanh; Nguyễn Khang – Cầu 361; cầu Cống Mọc; Khu vực Vành đai 3 trên cao – Pháp Vân – Giải Phóng; Hồ Tùng Mậu – Lê Đức Thọ; Ngõ 80-84 Chùa Láng.

Ngoài việc triển khai lắp đặt các thiết bị, Sở Giao thông vận tải Hà Nội cũng phối hợp với Sở Xây dựng, Ủy ban nhân dân các Quận tổ chức rà soát, đề xuất danh mục xén dải phân cách, cải tạo làn đường, di chuyển cây xanh trên địa bàn 12 Quận trên tổng số 15 tuyến đường, 7 hầm chui dân sinh, 3 nút giao thông.

Tại lễ phát động ra quân Năm An toàn giao thông 2020 và đợt cao điểm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông Tết Nguyên đán Canh Tý và lễ hội xuân năm 2020, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, thời gian tới sẽ chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về trật tự an toàn giao thông, đặc biệt là vi phạm về nồng độ cồn, sử dụng chất ma túy đối với người điều khiển phương tiện giao thông; vi phạm quy định về đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện; tăng cường kiểm tra tại bến khách ngang sông, bến tàu chở khách du lịch, bảo đảm an toàn giao thông phục vụ lễ hội chùa Hương năm 2020.

Điểm nhấn đáng chú khác là, thời gian qua mạng lưới xe buýt luôn được Thành phố quan tâm đầu tư phát triển theo hướng chất lượng, hiện đại nhằm phục vụ tốt nhất nhu cầu đi lại của người dân. Tính đến tháng 11/2019, Hà Nội đã mở mới 05 tuyến buýt, nâng mạng lưới vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt của Thủ đô Hà Nội gồm 127 tuyến; mức độ bao phủ của mạng lưới tuyến buýt đạt 30/30 quận huyện đạt 100% tương ứng với 457/584 xã phường thị trấn đạt 78,3% (tăng 19 xã (4,3%) so với năm 2018); 62/71 bệnh viện đạt 87%; 190/283 các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông đạt 67%; 27/27 các khu công nghiệp lớn đạt 100%; 30/40 các khu đô thị đạt 75%.

Bên cạnh việc phổ rộng mạng lưới, nâng cấp và đưa vào vận hành xe buýt hiện đại, sử dụng nhiên liệu sạch, hiện những hành khách đi xe buýt trên địa bàn Thủ đô còn được thụ hưởng và sử dụng phần mềm “Timbuyt.vn” nhằm thuận tiện hơn trong việc tìm kiếm tuyến xe phù hợp.

Cần nhiều nỗ lực

Mặc dù có nhiều nỗ lực song tình trạng lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường sắt trên địa bàn Hà Nội vẫn đang có những diễn biến phức tạp, đặc biệt là khu vực “phố đường tàu”. Tại những khu vực này, một bộ phận người dân đã tự ý mở các đường ngang, lối đi dân sinh tự phát tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến tai nạn giao thông đường sắt.

Ngoài ra, Hà Nội cũng đang phải đối mặt với tình hình ùn ứ giao thông trong giờ cao điểm sáng, chiều vẫn diễn ra trên các tuyến trục chính xuyên tâm, tuyến vành đai do lưu lượng phương tiện tham gia giao thông gia tăng, cơ sở hạ tầng giao thông quá tải không đáp ứng được (nhất là trong các ngày trước và sau các kỳ nghỉ lễ, Tết). Ngoài ra, thời tiết mưa ngập trên diện rộng vẫn diễn biến phức tạp gây khó khăn cho việc đi lại của nhân dân.

Đáng lo ngại, hiện trên địa bàn thành phố vẫn còn một số tuyến đường do đang trong quá trình thi công, hoàn thiện để đưa vào sử dụng nên việc tổ chức giao thông còn nhiều hạn chế, dẫn đến những vấn đề phức tạp về trật tự, an toàn giao thông, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông.

Nhiều khu đô thị, khu chung cư, nhà cao tầng được xây dựng nhưng chưa đồng bộ kết nối giữa đường nội bộ và hệ thống giao thông chung của thành phố dẫn tới nhiều nơi, nhiều địa bàn giao thông chưa hợp lý.

Tại lễ phát động ra quân Năm An toàn giao thông 2020 và đợt cao điểm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông Tết Nguyên đán Canh Tý và lễ hội xuân năm 2020, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng của Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân Thủ đô Hà Nội, thành phố lớn có điều kiện giao thông phức tạp nhất của cả nước, đã thực hiện đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả nhiều giải pháp giúp kéo giảm tai nạn giao thông, khắc phục ùn tắc giao thông, góp phần quan trọng vào kết quả công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông của cả nước.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ nhấn mạnh, năm 2020 là năm đầu tiên cả nước thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, vì vậy, Chính phủ chỉ đạo triển khai Năm An toàn giao thông 2020 với chủ đề “Đã uống rượu, bia - không lái xe” với mục tiêu giảm từ 5-10% số vụ, số người chết, bị thương do tai nạn giao thông so với năm 2019.

Nhằm thực hiện thành công mục tiêu này, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ yêu cầu, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia; các bộ, ngành, đoàn thể và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quán triệt tinh thần Kết luận số 45-KL/TƯ, ngày 1/2/2019, của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 18-CT/TƯ về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông và khắc phục ùn tắc giao thông; Nghị quyết 12/NQ-CP của Chính phủ về tăng cường thực hiện các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông, chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2019-2021; tập trung thực hiện có hiệu quả Kế hoạch Năm An toàn giao thông 2020 với chủ đề “Đã uống rượu, bia - không lái xe”.

Qua những định hướng về phát triển giao thông Thủ đô thời gian tới, ông Vũ Văn Viện – Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội, giao thông là huyết mạch của nền kinh tế. Muốn nền kinh tế phát triển, kết cấu hạ tầng nói chung, giao thông phải đi trước một bước. Đặc biệt, để thích ứng với cuộc cách mạng 4.0, đặt trong bối cảnh Hà Nội đang hướng tới mô hình “thành phố thông minh”, thì giao thông là một trong những lĩnh vực đóng vai trò tiên phong.

Phát huy vai trò của mình, thời gian qua Hà Nội nói chung và Sở Giao thông vận tải Hà Nội nói riêng đã tăng cường kiểm tra, xử lý các vi phạm giao thông, vi phạm lấn chiếm lòng đường, hè phố, hành lang an toàn giao thông nhằm lập lại trật tự đô thị, trật tự an toàn giao thông, giảm tai nạn giao thông trên địa bàn Thành phố.

Từng bước triển khai đề án Phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng; đẩy mạnh triển khai Kế hoạch phát triển phương tiện vận tải hành khách công cộng trên địa bàn Thành phố; Xây dựng cơ sở dữ liệu (số hóa) về hạ tầng giao thông và phương tiện giao thông; Xây dựng bản đồ giao thông số trực tuyến để phục vụ công tác quản lý, điều hành và điều tiết giao thông; Lắp đặt hệ thống camera phục vụ cho công tác quản lý điều hành giao thông trên địa bàn nội thành.

Giang Nam

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/chuyen-bien-lon-ve-an-toan-giao-thong-101723.html