Chuyện bi hài đằng sau một 'vấn nạn kinh điển'

Gian lận thi cử là chuyện không hề mới cũng chẳng xa lạ ở bất cứ một nền giáo dục nào. Tuy nhiên, biến trò gian lận học đường này trở thành một 'vấn nạn' thuộc hàng 'kinh điển' với những câu chuyện 'hậu trường' mang đậm tính bi hài đến mức 'vô tiền khoáng hậu' thì có lẽ không ở đâu 'sánh' bằng Ấn Độ.

Chuyện học cũng… bi thương

Từ năm 1980, tỷ lệ thanh thiếu niên Ấn Độ không được đi học đã giảm từ 1/2 xuống còn 1/10. Số học sinh đi học ở Ấn Độ tăng đều qua các năm. Hiện quốc gia này có gần 300 triệu trẻ em đi học, nhiều hơn bất kỳ nước nào trên thế giới. Đây là thành công lớn đối với đất nước có nhiều trẻ em ở độ tuổi đi học nhiều nhất trên thế giới.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, nền giáo dục Ấn Độ cũng tồn tại rất nhiều câu chuyện thuộc “mặt trái của tấm huân chương”. Điển hình là việc số lượng đã không song hành cùng chất lượng. Đã có những con số đáng quan ngại: một nửa số trẻ em 9 tuổi ở đây không làm nổi một phép tính đơn giản như 8 + 1. Một nửa trẻ em 10 tuổi không thể đọc nổi một đoạn văn dành cho trẻ 7 tuổi, tỷ lệ cao giáo viên không vượt qua được bài test năng lực giảng dạy mỗi năm…

Lý giải cho điều này, nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng đó là hệ quả tất yếu của việc đặt nặng chuyện bằng cấp thi cử mà xem nhẹ việc dung nạp kiến thức, “kỹ năng mềm” cho học sinh.

Chưa hết, tâm lý chuộng bằng cấp, coi bằng cấp như tấm “hộ chiếu” để đảm bảo cuộc sống kinh tế dư dả và địa vị xã hội cao vốn ăn sâu vào tiềm thức nhiều bậc phụ huynh tại Ấn Độ đã khiến họ đặt quá nhiều kỳ vọng vào con cái. Và để biến kỳ vọng ấy thành hiện thực, họ, vừa ép con lao vào học, vừa bằng mọi giá.

Vì thế nên tỷ lệ chọi các trường đại học tại Ấn Độ được xem là khắt khe nhất thế giới, cao gấp 10 lần các đại học danh giá như Oxford và Cambridge. Chính áp lực ấy đã là nguồn cơn tạo nên vô số những câu chuyện bi thương chỉ từ sự học ở nước này. Cuối tháng 4 năm 2016, một cô gái 17 tuổi tên Kriti Tripathi tìm đến cái chết ở Kota, Ấn Độ ngay sau khi vượt qua kỳ thi vào Viện Công nghệ Ấn Độ (IIT) danh giá. Một tuần sau, một sinh viên khác cũng ở Kota - Preeti Singh treo cổ tự tử.

Trong bản di chúc dài 5 trang để lại, Tripathi thể hiện sự thất vọng của mình vì buộc phải học ngành kỹ thuật, trong khi ước muốn thực sự của em là trở thành một nhà khoa học NASA.

Cảnh tượng phụ huynh leo tường ném tài liệu vào phòng thi năm ngoái ở Ấn Độ. Ảnh: AFP

Buộc mặc đồ… lót khi làm bài thi

Và một khi sức học của con cái họ không được như kỳ vọng thì các bậc phụ huynh Ấn Độ vẫn nuôi quyết tâm cố sống cố chết kiếm cho con một tấm bằng và cách duy nhất chỉ còn là “lá bùa” gian lâ%3ḅn thi cử. Vô số cách gian lận, từ cổ điển như dùng phao thi, đến hiện đại như máy ảnh và máy quay công nghệ cao, trở thành trào lưu phổ biến ở Ấn Độ.

Năm 2015, hàng trăm người ở bang Bihar, miền đông nước này, bị bắt vì trèo tường vào trường học để truyền tài liệu cho con em trong giờ kiểm tra. Học sinh, sinh viên vào phòng thi với camera giấu trong cà vạt, bút và áo ngực có tích hợp công nghệ truyền dẫn dữ liệu Bluetooth… chẳng còn là sự hiếm.

Ngày 28/2/2016, công chúng choáng váng trước một thông tin được đăng tải trên nhiều tờ báo: khoảng 1.150 thí sinh nam tham dự cuộc thi tuyển mộ các vị trí thư ký trong quân đội Ấn Độ chỉ mặc độc… quần lót ngồi trên một thảm cỏ trong trường thi ở huyện Muzaffarpur, bang Bihar. Họ phải làm bài thi đặt trên đùi, mỗi thí sinh ngồi cách nhau tới 2,5m, trong khi giám thị mặc đồng phục đi lại giám sát.

Lý giải về hiện tượng “vô tiền khoáng hậu” này, giới chức quân đội bang Bihar cho biết đây là cách… tốt nhất để loại bỏ nguy cơ các thí sinh giấu tài liệu trong quần áo và rằng “Chúng tôi chẳng có cách nào khác ngoài lựa chọn làm theo phương pháp này, mặc dù nó hơi kỳ quặc”.

Nhưng đó chỉ là một trong rất nhiều “giải pháp độc đáo” để đối phó với vấn nạn gian lận thi cử ở quốc gia Nam Á này. Đã có chuyện các thí sinh nữ phải mặc “quần áo sáng màu với tay áo xắn nửa không có nút áo, phù hiệu hay bông hoa to, quần dài và dép lê hoặc sandal có đế thấp, không được mang giày”, thậm chí có chuyện người nhà một nữ sinh đã phải dùng dao lam để gỡ nút quần jean cô đang mặc trên người để có thể vào phòng thi…

Nhiều trường đại học tại Ấn Độ đã phải lắp đặt những chiếc máy dò kim loại. Tất cả chỉ bởi các giám thị được cảnh báo hãy cảnh giác tuyệt đối với những chiếc… nút tưởng chừng bé nhỏ, vô hại trên quần áo thí sinh bởi đấy hoàn toàn có thể là đầu mối cho một phương tiện thông tin liên lạc hỗ trợ cho các thí sinh.

Sự đổ vỡ từ một cách nhìn

Không dừng lại ở đó, nhiều phụ huynh Ấn Độ sẵn sàng chi tiền cho các “đường dây gian lận” chuyên giải đề thi nhanh chóng. Chính điều này đã khiến gian lận thi cử đã có đất sống phì nhiêu tại Ấn Độ, dần trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng của không chỉ ngành giáo dục nước này. Mỗi năm, ước tính khoảng 17 triệu người tham gia vào hoạt động trục lợi các phụ huynh và học sinh đang tuyệt vọng vì thi cử, tạo nên cái mà báo chí gọi là “đường dây mafia” thi cử.

Thậm chí có chuyện giáo viên luyện thi đứng ra “môi giới” giữa các bậc phụ huynh có nhu cầu với người cung cấp đáp án cho các môn thi. Càng gần mùa thi, các “băng đảng mafia” này càng hoạt động mạnh. Báo chí đã từng nói về câu chuyện cậu học sinh trung học Raghav trong phòng thi, rằng chỉ vài phút sau khi tham gia vào kỳ thi cuối năm môn toán tại trường trung học ở thủ đô New Delhi, Raghav đã xin phép giáo viên cho đi vệ sinh. Bên trong phòng vệ sinh, cậu học sinh bắt đầu gửi hình ảnh chụp đề thi bằng tin nhắn theo số điện thoại mà cậu nhận được cách đó mấy ngày.

Chỉ vài phút sau, đáp án đã hiển thị trên màn hình điện thoại của cậu. Để có được “sự thần kì” ấy cho cậu bé Raghav, bà Sunita, mẹ của cậu, đã phải móc hầu bao số tiền 16.000 Rupee (246 USD).

Đáng chú ý là phản ứng của bà Sunita khi nói về sự “trợ giúp” này: “Đó không phải là gian lận. Đó là một cách làm mà thôi”. Một cách nhìn nhận bình thản đến ngỡ ngàng. “Đây rõ ràng là tín hiệu cho thấy một hệ thống giáo dục đổ vỡ” - Yamini Aiyar, Giám đốc điều hành Trung tâm Nghiên cứu Chính sách của Ấn Độ, chua chát nhận định.

Và điều nguy hiểm hơn nữa, nói như nữ học giả Snigdha Poonam, “chính những yếu tố này đã đẩy những thanh niên trẻ tuổi Ấn Độ vào những nền kinh tế được xây dựng trên sự gian lận”, ở đó các em đã buộc phải quen với thực tế rằng: “Em học hành chăm chỉ, nhưng mọi người chỉ nhìn vào kết quả chứ không cần biết người đó có gian lận hay không”.

Đó thực sự là một thực tế “cười ra nước mắt”, một vấn nạn chưa hề có lối thoát của nền giáo dục Ấn Độ. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, người lên nắm quyền từ tháng 5/2014, từng lên tiếng cảnh báo rằng “Bộ máy giáo dục của chúng ta không thể là cỗ máy đẻ ra những con robot”, ông kêu gọi cải tổ giáo dục, từ học vẹt sang đào tạo những kỹ năng cần thiết cho học sinh, loại trừ tư duy sùng bái bằng cấp.

Nhưng đến thời điểm này, khi những câu chuyện gian lận thi cử mang đậm sắc màu “huyền thoại” còn lan tràn trên mặt báo Ấn Độ, chừng đó mong mỏi của ngài Narendra Modi vẫn chỉ là mong mỏi.

Hà Trang

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/thoi-su/quoc-te/chuyen-bi-hai-dang-sau-mot-van-nan-kinh-dien-35099