Chuyện 'bếp núc' quanh Án lệ số 55/2022/AL

Án lệ số 55/2022/AL sẽ giúp ổn định các quan hệ xã hội hình thành từ giao dịch chưa được công chứng, chứng thực nhưng đã được thực hiện trên thực tế.

LTS: Ở số báo trước, chúng tôi đã giới thiệu tới bạn đọc một án lệ vừa được thông qua, đó là Án lệ số 55/2022/AL về việc công nhận hiệu lực của hợp đồng vi phạm điều kiện về hình thức. Án lệ này do GS-TS Đỗ Văn Đại (giảng viên Khoa luật dân sự Trường ĐH Luật TP.HCM, thành viên hội đồng tư vấn án lệ thuộc TAND Tối cao) đề xuất. Dưới đây là chia sẻ của GS-TS Đỗ Văn Đại xung quanh câu chuyện “bếp núc” về án lệ này.

Điều 129 BLDS 2015 cho phép tòa án công nhận hiệu lực của giao dịch chưa được công chứng, chứng thực (lập bằng văn bản đánh máy hay viết tay) khi “một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất 2/3 nghĩa vụ trong giao dịch”. Quy định này đương nhiên được áp dụng cho các giao dịch được xác lập từ thời điểm BLDS 2015 có hiệu lực, tức từ ngày 1-1-2017.

Sự cần thiết của Án lệ số 55

Tuy BLDS 2015 có quy định chuyển tiếp tại Điều 688 nhưng chưa rõ có áp dụng Điều 129 cho giao dịch được xác lập trước ngày 1-1-2017 hay không? Thực tiễn xét xử cũng không thống nhất, có tòa án áp dụng Điều 129 cho cả giao dịch xác lập trước ngày 1-1-2017 nhưng cũng có tòa án từ chối áp dụng.

Như vậy, có một vấn đề pháp lý mà văn bản chưa quy định cụ thể và có cách hiểu khác nhau nên chúng ta cần có án lệ để thống nhất áp dụng. Đây cũng là tiêu chí lựa chọn án lệ được quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP (quy định về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ) “có giá trị làm rõ quy định của pháp luật còn có cách hiểu khác nhau, phân tích, giải thích các vấn đề, sự kiện pháp lý và chỉ ra nguyên tắc, đường lối xử lý, quy phạm pháp luật cần áp dụng trong một vụ việc cụ thể hoặc thể hiện lẽ công bằng đối với những vấn đề chưa có điều luật quy định cụ thể”.

Thực tế áp dụng BLDS 2005, nhiều giao dịch bị tòa tuyên bố vô hiệu do chưa được công chứng, chứng thực dù các bên đã ổn định với hoàn cảnh của giao dịch. Vì vậy, một trong những mục tiêu sửa đổi BLDS vào năm 2015 là giảm trường hợp giao dịch vô hiệu chỉ vì lý do hình thức, đặc biệt chỉ vì lý do chưa được công chứng, chứng thực.

Trước sự không rõ ràng như trên, rất nhiều tòa án đã từ chối áp dụng điều luật này để tuyên bố giao dịch vô hiệu. Việc này dẫn đến hệ quả tiêu cực vì giao dịch được hình thành không phải để bị tuyên bố vô hiệu mà để có hiệu lực nhằm đáp ứng kỳ vọng của các bên khi giao kết. Việc tòa án tuyên bố giao dịch vô hiệu làm mất ổn định xã hội.

Trước những ảnh hưởng tiêu cực như vừa nêu, Án lệ số 55 có nội dung “hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất (QSDĐ) được xác lập trước ngày 1-1-2017 chưa được công chứng, chứng thực nhưng bên nhận chuyển nhượng đã thực hiện 2/3 nghĩa vụ của mình. Trường hợp này, tòa án công nhận hiệu lực của hợp đồng” giúp áp dụng pháp luật thống nhất.

Đặc biệt, điều này còn không cho phép tòa án tuyên bố giao dịch vô hiệu chỉ vì chưa được công chứng, chứng thực khi một bên đã thực hiện được 2/3 nghĩa vụ của mình dù giao dịch đó được xác lập trước ngày 1-1-2017. Hướng trong Án lệ số 55 sẽ giúp ổn định các giao dịch, bản án, quyết định của tòa án thay thế hình thức công chứng, chứng thực còn thiếu và đó là điểm thuyết phục của án lệ này.

Quá trình hình thành Án lệ số 55

Để có được án lệ này, tôi đã dành rất nhiều tâm huyết. Trước đây, tôi đã từng đề xuất một quyết định theo hướng công nhận hiệu lực của hợp đồng chưa được công chứng, chứng thực để phát triển thành án lệ nhưng không được chấp nhận. Án lệ số 55 là kết quả của sự kiên trì sau nhiều năm cố gắng.

GS-TS Đỗ Văn Đại, giảng viên Khoa luật dân sự Trường ĐH Luật TP.HCM, thành viên hội đồng tư vấn án lệ thuộc TAND Tối cao

GS-TS Đỗ Văn Đại, giảng viên Khoa luật dân sự Trường ĐH Luật TP.HCM, thành viên hội đồng tư vấn án lệ thuộc TAND Tối cao

Để một bản án, quyết định trở thành án lệ phải trải qua một quy trình khá chặt chẽ, sau công đoạn rất khó là tìm kiếm bản án, quyết định phù hợp với tiêu chí phát triển án lệ. Như đối với bản án trở thành Án lệ số 55, tôi đã nghiên cứu rất nhiều án để tìm ra bản án có tính thuyết phục.

Sau khi đề xuất, dự thảo cần được lấy ý kiến của công chúng trong hội thảo, được hội đồng tư vấn án lệ thẩm định và cuối cùng là phải được Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao thông qua.

Ở giai đoạn hội thảo và thẩm định, người đề xuất phải dùng kiến thức pháp lý và xã hội vững chắc để thuyết phục người tham gia. Đây là công việc không đơn giản vì nhận thức về sự cần thiết của án lệ, đánh giá về tính thuyết phục của dự thảo án lệ thường rất khác nhau…

Hy vọng với những cố gắng nêu trên, Án lệ số 55 sẽ phần nào đem lại những hệ quả tích cực cho xã hội, giúp ổn định các quan hệ xã hội hình thành từ giao dịch chưa được công chứng, chứng thực nhưng đã được thực hiện trên thực tế.

Có thể áp dụng cho những tình huống pháp lý tương tự nào?

Theo khoản 1 Điều 8 Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP, khi xét xử, thẩm phán, hội thẩm phải nghiên cứu, áp dụng án lệ, bảo đảm những vụ việc có tình huống pháp lý tương tự thì phải được giải quyết như nhau. Do đó, việc xác định tình huống pháp lý tương tự với Án lệ số 55/2022/AL là rất cần thiết trong tương lai.

Với Án lệ số 55, tòa án sẽ công nhận hiệu lực của các hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ có tranh chấp khi bên nhận chuyển nhượng đã thực hiện 2/3 nghĩa vụ của mình dù chưa được công chứng, chứng thực và xác lập trước ngày 1-1-2017. Đây là tình huống pháp lý tương tự.

Trong vụ việc tạo ra Án lệ số 55, cả hai bên đã thực hiện 2/3 nghĩa vụ của mình. Tuy nhiên, thực tế có xảy ra trường hợp mới chỉ có một bên thực hiện 2/3 nghĩa vụ của mình như bên nhận chuyển nhượng thanh toán được ít nhất 2/3 so với giao dịch hay bên chuyển nhượng đã giao ít nhất 2/3 diện tích đất cho bên nhận chuyển nhượng. Đối với các trường hợp này, Án lệ số 55 cũng được áp dụng để công nhận giao dịch dù chưa được công chứng, chứng thực.

Ngoài giao dịch chuyển nhượng, chúng ta còn có thể gặp nhiều giao dịch khác về QSDĐ chưa được công chứng, chứng thực nhưng một bên đã thực hiện ít nhất 2/3 nghĩa vụ của mình. Ví dụ như giao dịch trao đổi hay góp vốn QSDĐ mà bên có đất đã giao ít nhất 2/3 diện tích đất thỏa thuận.

Cạnh đó, ngoài hợp đồng về QSDĐ, còn có nhiều giao dịch khác chưa được công chứng, chứng thực và một bên đã thực hiện ít nhất 2/3 nghĩa vụ của mình như hợp đồng mua bán, trao đổi, góp vốn có đối tượng là nhà ở. Các tình huống pháp lý này tương tự như trong Án lệ số 55 nên án lệ này có thể được áp dụng để công nhận hiệu lực của hợp đồng.

GS-TS ĐỖ VĂN ĐẠI

Nguồn PLO: https://plo.vn/chuyen-bep-nuc-quanh-an-le-so-552022al-post705036.html