Chuyện 'ba cây chụm lại'

Dân ta có câu ca dao với hình tượng rất hay về sức mạnh nhờ đoàn kết: “Một cây làm chẳng nên non/Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”.

Lịch sử dựng nước và giữ nước hàng nghìn năm, truyền thống “tắt lửa tối đèn có nhau” của người Việt Nam đã chứng minh điều đó.

Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, đoàn kết do “ba cây chụm lại” đã có những thay đổi về tính chất, thậm chí bản chất vốn có của nó.

Sự cố kết của dòng tộc hay một thôn, làng nào đó có cái hay là giữ được những phong tục, tập quán truyền thống, trong đó có mối quan hệ huyết thống, tình nghĩa xóm giềng, vốn là một trong những cội nguồn của sức mạnh Việt Nam. Tuy nhiên, sự cố kết đó cũng có cái dở, như duy trì những hủ tục lạc hậu, không phù hợp luật pháp, như tảo hôn, cưỡng hôn, dùng lệ làng thay pháp luật...

Đoàn kết do “ba cây chụm lại” còn bị biến tướng thành câu kết nhau làm điều sai trái với đạo đức và pháp luật.

Như việc mua bán, vận chuyển, tàng trữ chất ma túy, không chỉ vài gam, liên quan một hai người, mà đã lên hàng tấn, với cả đường dây.

Như vụ cờ bạc trên mạng với số tiền lên đến hàng ngàn tỷ đồng, có sự bao che nhau từ người có trọng trách trở đi.

Như vụ hợp đồng mua bán cổ phần một công ty truyền thông, qua điều tra bước đầu có sự “liên thông” nhau giữa các cá nhân bên A và B.

Biến tướng của “ba cây chụm lại” còn thể hiện ở cục bộ địa phương, lợi ích nhóm.

Cục bộ địa phương để chỉ một địa phương, đơn vị nào đó vì lợi ích của mình làm ảnh hưởng đến toàn cục, như xây dựng công trình không phù hợp quy hoạch toàn vùng, tranh thủ xin ngân sách cho địa phương trong khi ngân sách chung có hạn.

Chuyện cục bộ địa phương cũng có thể thông cảm được, bởi mục tiêu là lợi ích của nhân dân địa phương, đơn vị đó.

Nhưng lợi ích nhóm lại là chuyện khác.

Có lợi ích nhóm diễn ra và tác động chỉ trong một cơ quan, đơn vị, có thể dẫn đến mất đoàn kết nội bộ.

Có lợi ích nhóm liên quan đến chủ trương, chính sách thì phạm vi và đối tượng tác động rộng lớn.

Trong phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói về “chủ nghĩa tư bản thân hữu”, quan hệ “lợi ích nhóm”, “thao túng chính sách”.

Tại kỳ họp Quốc hội lần thứ 8, khóa XIV đang diễn ra, cụm từ “lợi ích nhóm” được đại biểu Quốc hội nêu ra khi thảo luận hoặc đề cập đến một số dự án tầm quốc gia, hoặc liên quan hàng trăm ngàn người.

Nhưng để nhận diện và xử lý lợi ích nhóm không dễ. Khi dư luận lên tiếng thì được thanh minh, bào chữa bằng những mỹ từ như vì quyền lợi tập thể, nhân dân; hoặc do chưa nghiên cứu đầy đủ quy định pháp luật. Khi vi phạm bị phát hiện, cơ quan chức năng cũng chỉ kết luận về hành vi đã được nêu trong quy định, quy phạm pháp luật, như tham nhũng, đưa và nhận hối lộ, cố ý làm trái...

Cho thấy, nếu “ba cây chụm lại” vì chính nghĩa sẽ tạo ra sức mạnh chính nghĩa và sức mạnh đó sẽ được nhân lên nhiều lần. Ngược lại, nếu “ba cây chụm lại” vì chuyện phi nghĩa cũng sẽ tạo ra sức mạnh phi nghĩa, xử lý rất khó khăn, nhất là khi vi phạm núp bóng dưới hào quang vì quyền lợi tập thể, địa phương, đơn vị, nhân dân.

Hữu Ý

Nguồn Đồng Tháp: http://www.baodongthap.vn/chinh-tri/chuyen-ba-cay-chum-lai--87826.aspx