Chuyện áo dài ở Hoàng thành

Một cuộc gặp gỡ ba bề bốn bên diễn ra ngay khuôn viên gần khu Đoan Môn, di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long, sáng 16/10, trong khuôn khổ Festival Áo dài Hà Nội 2016 đã bàn tới cả ở phương diện tình yêu và tương lai cho áo dài.

Nghệ sĩ, người mẫu và khách quốc tế trình diễn áo dài tại cổng thành Thăng Long. Ảnh: Hồng Vĩnh.

Chung thân với áo dài

Nhiều nữ nghệ sỹ gạo cội, mỹ nhân điện ảnh Việt một thời có màn trình diễn trước đông đảo quan khách tối khai mạc Festival Áo dài Hà Nội 2016. Họ cũng được mời đến hội thảo “Bảo tồn và phát huy áo dài truyền thống trong phát triển du lịch” để kể những câu chuyện gắn với áo dài.

NSND Trà Giang vận chiếc áo dài in tranh chèo Bùi Xuân Phái của NTK Minh Hạnh, ôn lại niềm xúc động được cha dẫn đi chọn vải may chiếc áo dài đầu tiên. NSND Hoàng Cúc tươi tắn sau thời gian chống chọi và chiến thắng ung thư dùng từ “bung lụa” để kể lại chuyện chọn áo dài để diện và chụp ảnh ở những nơi có cảnh trí đẹp nhất của đất nước.

Hoàng Cúc kể lần mang bộ phim Kiếp phù du mà chị đóng vai chính đi trình chiếu tại một liên hoan phim ở Pháp, khán giả ồ lên thích thú, reo “Việt Nam” khi tà áo dài xuất hiện trong khán phòng khiến chị vô cùng tự hào.

Ở một liên hoan phim khác tại Tiệp Khắc cũ, những người chấm giải nói nếu diễn viên chính Hồi chuông màu da cam (Hoàng Cúc) có mặt tại liên hoan sẽ trao giải nữ diễn viên xinh đẹp nhất. “Có lẽ chỉ vì tà áo dài trong phim”, Hoàng Cúc nói. Bà đưa ra khái niệm lạ- “áo dài chủ quyền”, khi kể những kỷ niệm đi suốt cuộc đời nghệ sỹ. Chỉ cần nhìn thấy áo dài là người ta biết, không gì khác đó chính là Việt Nam.

NSƯT Thanh Loan- ni cô Huyền Trang ngày nào, khoe “chung thân với áo dài”. Sinh ra và lớn lên ở Hàng Bông, trở thành diễn viên và có thời gian dài sống ở Mỹ với con gái, Thanh Loan không hề có một chiếc váy nào bao giờ, cả đời chỉ biết khoe mình bằng chiếc áo dài vì mặc nó thấy mình đẹp, mang cốt cách người Hà Nội”.

Bà quả phụ Bùi Xuân Phái (phải) và NSND Trà Giang trình diễn trong đêm khai mạc Festival Áo dài Hà Nội.

Né thảm họa áo dài thế nào?

Cử tọa có dịp học sử qua câu chuyện y phục mấy nghìn năm. Chẳng là nhà nghiên cứu, sưu tầm áo dài cổ người Huế Trần Đình Sơn giảng giải tới 50 phút về trang phục qua các thời kỳ, gốc tích chiếc áo dài Việt, bắt nguồn từ áo Giao Lĩnh cho tới tiến trình cách tân sau này. NTK Minh Hạnh thì đối thoại với các NTK cả ba miền về chủ đề này một cách thú vị, yêu cầu mỗi người nêu ý tưởng ngắn gọn về giải pháp đối phó thảm họa áo dài.

“Là người chuyên thiết kế áo dài, tôi cho rằng đến lúc phải đưa ra quy chuẩn cho tà áo dài”, NTK Lan Hương nói. NTK Lan Anh chung ý kiến này và mong các nhà nghiên cứu, giới thiết kế xây dựng kim chỉ nam phân biệt áo dài truyền thống, áo dài cách tân.

Hữu Là La, NTK trẻ sở hữu chuỗi cửa hàng áo dài thêu tay ở Hà Nội và TPHCM lại có ý khác. “Mỗi chiếc áo dài đều có nguồn gốc, nếu bây giờ đặt ra quy chuẩn sẽ gò ép sáng tạo và tự do”, cô nói. Cô cũng cho rằng, để tránh thảm họa còn phụ thuộc thẩm mỹ của khách hàng.

Không chỉ no mắt, người trẩy hội Festival Áo dài mấy ngày qua ở Hoàng Thành có cơ hội mua, chọn áo dài thỏa thích với hàng trăm gian hàng. Áo dài DUMY từ TPHCM ra đắt như tôm tươi, hai ngày bán khoảng 400 chiếc, rẻ nhất chỉ vài trăm ngàn.

Một trong những câu hỏi hầu như chưa ai trả lời thấu đáo: Festival Áo dài tổ chức để làm gì? “Hiện chúng ta mới nói đến giá trị tinh thần. Festival còn mang đến cả giá trị vật chất mà tại đó áo dài được cụ thể hóa, phổ biến hơn”, Minh Hạnh nói. Chị cũng cho rằng, nếu tổ chức tốt các hoạt động như thế không cần phải kêu gào vận động nhiều bởi nó sàng lọc và cho cho chúng ta vẻ đẹp đúng nghĩa của tà áo dài.

Áo dài thành sản phẩm du lịch

Duy Đạt, NTK trẻ thắc mắc tại sao hướng dẫn viên du lịch không mặc áo dài, nhiều đoạn quảng cáo trên truyền hình rõ ràng quảng bá cho doanh nghiệp Việt nhưng người mẫu không mặc áo dài? “Đó là điều đáng tiếc, cái khó của người làm du lịch”, ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó giám đốc Cty du lịch Transviet nói.

Cuộc sống xô bồ khiến rất nhiều doanh nghiệp du lịch không coi áo dài là trang phục bắt buộc cho nhân viên. “Muốn quảng bá du lịch Việt Nam ra nước ngoài bên cạnh danh thắng, chúng tôi đều gắn với hình ảnh phụ nữ mặc áo dài. Bạn bè quốc tế rất thích, nhưng ngoài đồng phục tiếp viên hãng hàng không quốc gia, còn lại trên đường, tại các cửa hiệu không nhiều áo dài”, ông Đạt nói.

Ông Đạt đề xuất biến không gian phố đi bộ cuối tuần thành điểm quảng bá áo dài, với lời kêu gọi và khuyến khích người dân, học sinh sinh viên, du khách mặc áo dài. Chẳng hạn dựng cảnh chụp ảnh miễn phí cho người dân, tạo điểm thuê áo dài cho du khách chụp ảnh, thậm chí có nơi bán cho du khách làm quà, tổ chức trình diễn áo dài gần bờ Hồ.

“Tôi nghĩ có thể khuyến khích bằng một số chính sách như miễn phí một số điểm tham quan cho du khách mặc áo dài, hoặc phát phiếu ăn miễn phí cho người dân mặc áo dài”, ông Đạt nói và hồ hởi tuyên bố tự bỏ tiền túi ủng hộ 1 nghìn phiếu ăn uống miễn phí như thế.

Phó trưởng BTC, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội, ông Đỗ Đình Hồng đau đáu đưa áo dài đến với đời sống bằng phương châm “tất cả vì du khách đến Thủ đô”.

Một trong những tham vọng của du lịch Hà Nội là biến áo dài thành sản phẩm du lịch. Sự liên kết chặt chẽ giữa nhà quản lý-nhà thiết kế-nhà làm du lịch có thể thu hút khách bằng cách đưa họ đến các của hàng áo dài để tham quan, mua sắm.

Quảng bá du lịch, lan tỏa sự tò mò, niềm yêu thích của du khách đến Việt Nam nhờ tà áo dài không phải viển vông bởi “Thoáng thấy áo dài bay trên đường phố, sẽ thấy tâm hồn quê hương ở đó”.

NTK La Hằng: Thà hy sinh chồng, áo dài thì không

Có mặt trong hội thảo, NTK La Hằng phát biểu tâm huyết: Các NTK nhất là NTK Hà Nội phải yêu bản thân, con người Hà Nội, yêu từng giọt nắng giọt sương, đêm trở gió Hà Nội. Hãy tu luyện để quên đi những nhỏ nhặt đời thường. Chồng tôi có lúc hỏi có thể dành ít phút cho anh không. Tôi nói không thể, hãy để em với tà áo dài và mùa thu Hà Nội để sáng tác cho những người Hà Nội. Các NTK đừng lan man vì bất cứ điều gì, đã thiết kế áo dài cứ tập trung vào nó. Hai con trai tôi học đạo diễn điện ảnh, tôi luôn nhắc con nhớ rằng áo dài không thể thiếu được trong điện ảnh Việt Nam. Tôi cũng xây dựng cửa hàng tại Mỹ để thiết kế áo dài cho người Á ở Mỹ, không riêng người Việt.

Chúng tôi sẵn sàng tu luyện, hi sinh cả những mối tình đầu, mối tình cuối để làm áo dài. Người chồng thứ nhất của tôi cũng từng hỏi “Em có thể dừng áo dài để cho anh không?”, tôi nói không vì áo dài và Hà Nội là tất cả với tôi. Như nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn nói, vua Trần Nhân Tông từ bỏ ngai vàng để cứu độ chúng sinh. Chúng tôi chỉ là người thường, anh em thiết kế Hà Nội hứa với Sở Du lịch rằng đây là trách nhiệm gánh trên vai chúng tôi.

Toan Toan

Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/van-nghe/chuyen-ao-dai-o-hoang-thanh-1062947.tpo