Chuyện an cư, lạc nghiệp ở Mường Lát

Mường Lát là huyện vùng cao biên giới cách TP Thanh Hóa (tỉnh Thanh Hóa) khoảng 220 km, địa hình cách trở, giao thông chưa kết nối đồng bộ, dễ bị chia cắt bởi sạt lở, lũ ống, lũ quét vào mùa mưa gây thiệt hại nặng về người và tài sản của nhân dân. Nhờ sự quan tâm kịp thời của các cấp chính quyền, địa phương và các cơ quan, doanh nghiệp tiếp tục trợ giúp, nhiều hộ nghèo đã từng bước cải thiện khó khăn về nhà ở, bảo đảm ổn định đời sống.

Một góc khu tái định cư bản Poọng, xã Tam Chung, huyện Mường Lát (Thanh Hóa).

Một góc khu tái định cư bản Poọng, xã Tam Chung, huyện Mường Lát (Thanh Hóa).

Toàn huyện Mường Lát có gần 8.600 hộ dân, 41.000 nhân khẩu, gồm các dân tộc H’Mông, Dao, Khơ Mú, Mường, Kinh cùng sinh sống ở tám xã, thị trấn nhưng đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo chiếm gần 38% tổng số hộ. Phát huy truyền thống “Lá lành đùm lá rách” của dân tộc ta và thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, cuối tháng 3-2021, Bộ Công an, tỉnh Thanh Hóa và nhà tài trợ đã hỗ trợ hơn 30 tỷ đồng để xây dựng 600 ngôi nhà theo mẫu thiết kế của Bộ Công an cùng các trang thiết bị thiết yếu và tặng sổ bảo hiểm cho người nghèo, hộ đặc biệt khó khăn ở huyện Mường Lát. Hiện đã hoàn thành xây dựng xong, bàn giao chín ngôi nhà mẫu cho các hộ. Bộ Công an cùng nhà tài trợ phối hợp tỉnh Thanh Hóa, huyện Mường Lát, các địa phương trên địa bàn huyện đồng loạt triển khai xây lắp nhà ở tặng hộ nghèo. Gần hai tháng qua, huyện đã vận động các hộ dân chuẩn bị mặt bằng, chung tay, góp sức cùng nhà thầu đẩy nhanh tiến độ làm nhà ở cho hộ nghèo.

Khảo sát hiện trạng nhà ở, chuẩn bị mặt bằng của hộ dân ở các bản: Ón, Suối Phái, Suối Lóng, xã Tam Chung, Bí thư Huyện ủy Mường Lát Hà Văn Ca chia sẻ, ngoài nỗ lực từ mỗi gia đình trong khu vực chủ động chuẩn bị mặt bằng, còn có sự đồng hành của các lực lượng vũ trang, sự quan tâm của chính quyền địa phương cùng vào cuộc giúp các hộ nghèo nhanh chóng xây dựng nhà mới, ổn định cuộc sống và lưu ý tới phương án huy động nhân lực, phương tiện vận chuyển vật liệu an toàn và tổ chức thi công hợp lý. “63 hộ dân đã được vận động chủ động san lấp mặt bằng cho nhà thầu xây dựng nhà ở. Riêng bản Ón có 19 hộ được hỗ trợ làm nhà nhưng vận chuyển vật liệu đến chân công trình khó khăn do hạ tầng giao thông kém, các hộ cư trú phân tán ở ba chòm bản, đường đất dẫn tới hộ nhỏ hẹp, dốc tức...”, Trưởng công an xã Tam Chung Hà Ngọc Hùng cho biết. Lực lượng công an xã, bộ đội biên phòng cùng các cán bộ cơ sở, cộng đồng dân cư đã tích cực trợ giúp đơn vị thi công vận chuyển nguyên vật liệu đến chân công trình để sẵn sàng triển khai xây dựng nhà ở cho hộ nghèo.

Trước ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HÐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, nhà thầu đã hoàn thành xây dựng 600 ngôi nhà trên địa bàn huyện Mường Lát, tiếp tục kéo điện chiếu sáng, trang cấp thùng chứa 500 lít nước cho mỗi hộ. Bí thư Chi bộ bản Suối Phái (xã Tam Chung) Tráng A Tụa chia sẻ: Bản có chín hộ được hỗ trợ làm nhà và chi ủy, chính quyền thôn huy động nhân dân trong bản cùng hỗ trợ thi công nền, vận chuyển nguyên vật liệu tới chân công trình cho nên sớm hoàn thành xây dựng nhà ở cho các hộ hưởng lợi. Niềm vui được ở trong căn nhà mới khang trang, anh Lý A Páo ở bản Suối Phái phấn khởi cho biết: “Tuy bản thân bị khuyết tật nhưng tôi vẫn tích cực cùng các thành viên trong gia đình chuẩn bị mặt bằng cho nhà thầu thi công. Từ nay, gia đình tôi đã có nhà ở kiên cố, không phải lo lắng khi mưa nắng, giông lốc nữa. Cảm ơn Ðảng, Nhà nước nhiều lắm!”.

Huyện Mường Lát có tổng diện tích tự nhiên gần 81.241 ha, trong đó đất lâm nghiệp hơn 75.527 ha, chỉ có gần 2.229 ha đất sản xuất nông nghiệp; hơn 55% diện tích có độ dốc cao, khu vực có độ cao hơn 700 m chiếm 60% diện tích tự nhiên. Canh tác chủ yếu trên đất dốc, cư trú nơi địa hình hiểm trở, chia cắt phức tạp cho nên toàn huyện có hơn 800 hộ ở vùng nguy cơ xảy ra sạt lở đất, đá, lũ ống, lũ quét. Mùa mưa bão 2018 và năm 2019 có 117 hộ phải di dời khẩn cấp, 134 ngôi nhà bị thiệt hại hoàn toàn, 117 ngôi nhà bị thiệt hại nặng do lũ cuốn, đất đá sạt. Huyện Mường Lát được ưu tiên bố trí ngân sách ba cấp, chuyển đổi hơn 24 ha đất lâm, nông nghiệp triển khai xây dựng, đã cơ bản hoàn thiện cơ sở vật chất hạ tầng sáu khu dân cư mới, bố trí tái định cư tập trung cho 354 hộ gia đình. Ðồng thời, nhân dân trên địa bàn huyện tiếp tục được hỗ trợ phát triển sản xuất theo Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Giai đoạn 2016 - 2020 thông qua hơn 90 dự án, mô hình có 3.545 hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo được hỗ trợ 2.307 con trâu bò, 642 con lợn, 357 con dê sinh sản, 107 nghìn cây giống nông, lâm nghiệp để phát triển sản xuất. Qua đó góp phần nâng thu nhập bình quân đầu người từ 16,1 triệu đồng năm 2016 lên gần 21 triệu đồng vào năm 2020.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Lát Trần Ngọc Thắng cho biết: Thông tư của Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nghị quyết của HÐND tỉnh Thanh Hóa quy định mức hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế với mỗi dự án thực hiện không quá ba năm nhưng Luật Ngân sách quy định giải ngân vốn chương trình mục tiêu quốc gia theo năm tài chính cho nên các địa phương chọn hỗ trợ cây, con giống, vật tư, ít xây dựng các mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất vì khó giải ngân hết vốn theo giai đoạn. Thêm nữa, việc xác định cây nông, lâm nghiệp hàng hóa chủ đạo, phù hợp đất đai, khí hậu ở Mường Lát còn là bài toán nan giải. Hiện, bà con tổ chức sản xuất trên diện tích có độ dốc rất cao nhưng thiếu những mô hình canh tác bền vững, giảm xói mòn trên đất dốc. Bản Ón ở xã Tam Chung có 115 hộ, 702 nhân khẩu nhưng chỉ có 1 ha ruộng nước thuộc sở hữu của hai gia đình cho nên bình quân mỗi hộ canh tác từ 1-2 ha nương rẫy trên đất dốc. Khu tái định cư bản Poọng trên địa bàn xã là nơi cư trú ổn định của 89 hộ, hơn 400 nhân khẩu nhưng đất sản xuất khá xa, phần lớn các hộ canh tác nương rẫy trên đất lâm nghiệp. Xã Nhi Sơn có 52 hộ bị thiệt hại nhà ở, ảnh hưởng bởi sạt lở đất đã làm nhà, cư trú tại khu tái định cư bản Chim nhưng công trình điện chưa hoàn thiện. Tại khu tái định cư Nà Ón ở xã Trung Lý vẫn xảy ra tình trạng thiếu nước sạch cho nên các hộ kiến nghị cơ quan chức năng quan tâm phát triển thêm nguồn cung ứng nước sạch cho nhân dân sử dụng.

Phó Giám đốc phụ trách Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng cơ bản huyện Mường Lát Lê Xuân Thành trao đổi thêm, thiếu nước sinh hoạt có nguyên nhân từ nhiều hộ dân chưa có ý thức sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả; các nhà thầu được thanh toán đạt tỷ lệ thấp so với khối lượng thi công cho nên tiến độ hoàn thiện các hạng mục thành phần chậm so với kế hoạch. Hiện, huyện Mường Lát vẫn có tới hơn 400 hộ vùng nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất đá. Vì thế, với mong muốn an cư để lạc nghiệp, bà con các dân tộc nơi đây bày tỏ nguyện vọng sớm được hỗ trợ thực hiện thêm sáu dự án tái định cư tiền khả thi để có thể di dời đến nơi ở mới ổn định và an toàn.

Bài và ảnh: Mai Luận

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/dan-toc-mien-nui/chuyen-an-cu-lac-nghiep-o-muong-lat-647769/