Chuyện 'an cư, lạc nghiệp' ở các khu tái định cư và khu giãn dân

Các khu tái định cư hay khu giãn dân được hình thành ở nhiều địa phương trong tỉnh. Có những khu tái định cư đã đem lại cuộc sống mới ổn định, sung túc cho người dân nhưng có những khu tái định cư lại lay lắt vì còn nhiều cái 'không'.

Vì sao “an cư” vẫn chưa an tâm “lạc nghiệp”?

Chuyện đã từng xảy ra ở khu giãn dân Co Tăng, thuộc thôn Ngàn Phe, xã Đồng Tâm và khu giãn dân Nà Sau, thuộc thôn Nà Nhái, xã Vô Ngại của huyện Bình Liêu. Trước đây, tại các khu tái định cư này, các nhu cầu tối thiểu của cuộc sống như: Điện, nước chưa có nên người dân đều tìm cách bỏ về nơi ở cũ của mình. Từ Quyết định 1280 của UBND tỉnh “Về việc phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu Dự án: Cấp điện cho các cụm, điểm dân cư dưới 20 hộ trên địa bàn tỉnh chưa được sử dụng điện” mà Co Tăng, Nà Sau đều đã có điện từ đầu năm 2019, còn nước hợp vệ sinh đã có từ đầu năm 2018.

Từ đó ở các khu giãn dân này, cũng chấm dứt một thời người dân đến nhận nhà rồi lại khóa kín cửa, rồi bỏ về nơi ở cũ. Nay cuộc sống đã khác vì có điện, có nước. Ông Phùn Phu Voỏng, một trong số hộ đến Co Tăng, thôn Ngàn Phe, xã Đồng Tâm bảo: “Ở khu giãn dân này cần điện lắm, vì các cánh đồng đều ở trên cao không đưa nước từ suối sâu lên chống hạn được. Bà con ở nơi cũ quen có điện rồi, nay sang nơi mới không có điện khó chịu lắm, tối không xem được ti vi, nóng không ngủ được...”.

Ông Phùn Sau Dùng đã ổn định mở mang chăn nuôi ở khu giãn dân Nà Sau, thôn Nà Nhái, xã Vô Ngại, huyện Bình Liêu.

Ông Phùn Sau Dùng đã ổn định mở mang chăn nuôi ở khu giãn dân Nà Sau, thôn Nà Nhái, xã Vô Ngại, huyện Bình Liêu.

Ngày nay, hầu hết các hộ dân ở các khu giãn dân đều mở mang chăn nuôi gia súc, gia cầm. Ông Phùn Sau Dùng, khu giãn dân Nà Sau, thôn Nà Nhái, xã Vô Ngại ban ngày đi chích nhựa thông thuê, chiều về chăm sóc 100 con gà chạy đồi. Ông Dùng bảo: “Bây giờ bà con không còn coi đây như nơi ở trọ như trước nữa, mà đã ở đây thường xuyên. Vì nhà nào cũng chăn nuôi, nên phải ở đây chăm lo đàn gia súc, gia cầm chứ. Không có điện nước bất cập lắm, chẳng ai dám đi làm thuê xa, vì phải xin về sớm chủ rừng lại không đồng ý. Còn về muộn, không có điện, nước lọ mọ nấu ăn khổ lắm, vì nước phải xách về từ khe sâu. Bây giờ có điện bà con yên tâm làm ăn rồi”.

Chuyện cũng đã từng xảy ra ở xóm Đá Vuông ở thôn Lang Cang, xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ nằm bên nhánh sông Ba chẽ chảy qua, chia cắt xóm với trung tâm thôn và xã. Năm 2006, huyện Ba Chẽ đã tạo điều kiện cho 20 hộ dân Đá Vuông sang phía bên kia sông (cũng thuộc thôn Lang Cang) để sinh sống, tránh mùa mưa qua sông nguy hiểm. Họ được hỗ trợ xây nhà, thế nhưng rừng, ruộng của họ ở hết nơi sống cũ. Chuyện cơm áo hàng ngày buộc họ, ban ngày sang bên kia sông làm, tối họ lại về bên này sông ngủ. Hiện nay Đá Vuông đã được đầu tư cầu tràn, điện lưới và đường giao thông thuận lợi nên cuộc sống của bà con nơi đây đã ổn định.

Khi “cờ đến tay” thì ai cũng biết “phất”

Chúng tôi đến khu tái định cư thôn Bản Sen (xã Bản Sen, huyện Vân Đồn), trước khi có khu tái định cư thì thôn Bản Sen trong diện đặc biệt khó khăn nhưng sau khi được ổn định tại khu tái định cư, Bản Sen đã ra khỏi diện này. Khu tái định cư được xây dựng ở khu đất rộng 2,1ha, cách thôn Bản Sen cũ khoảng 8km. Nguyên nhân, do trận mưa lũ diễn ra vào tháng 8 năm 2015, đã nhấn 27 nóc nhà của bà con thôn Bản Sen cũ chìm ngập trong nước. Biến xóm làng được hình thành từ hàng trăm năm nay trở thành bãi hoang. Để ổn định cho các hộ khu dân cư, từ tháng 6 năm 2016, huyện Vân Đồn đã xây dựng khu tái định cư vẫn lấy tên thôn cũ là Bản Sen. Bà con được cấp trung bình 300m2 đất/hộ và được đầu tư miễn phí điện, nước….

Thu hoạch mùa cam năm 2018 của người dân thôn Bản Sen, xã Bản Sen.

Cuộc sống nơi ở mới có nhiều thuận lợi, sóng điện thoại tốt hơn, gần trung tâm xã nên trẻ em đến trường gần hơn, người cao tuổi được ở gần trạm xá xã, rất tốt cho việc khám chữa bệnh, việc đi lại giữa đảo với đất liền cũng thuận lợi hơn vì bến tàu cách khu tái định cư không xa. Ban đầu nhiều người lo lắng, biết làm gì sinh sống khi đến nơi ở mới. Khi đã “an cư”, người dân đã năng động cải tạo những khu vườn đồi trồng cam đã hỏng của mình khi xưa ở nơi ở cũ, nhiều người đã học thêm nghề mới, nuôi trồng thủy sản, công việc mà mình trước đây họ không bao giờ làm. Năm 2018, được coi là năm thắng lợi của xã Bản Sen cả trên đất liền lẫn dưới biển. Trên đất liền bà con thu hoạch ước tính 70 tấn cam, dưới biển bà con nuôi ngao, tu hài cũng thu hoạch ước tính 2.300 tấn, so với các năm trước đều cao hơn. Mùa cam, tu hài năm 2019 cũng hứa hẹn nhiều thắng lợi, trong đó có sự nỗ lực rất cao của người dân thôn Bản Sen, xã Bản Sen.

Niềm vui của người dân thôn Khe Lẹ trong Lễ hội Văn hóa - Thể thao dân tộc xã Hà Lâu năm 2019.

Hay như thôn Khe Lẹ của xã đặc biệt khó khăn Hà Lâu huyện Tiên Yên. Nhiều năm trước Khe Lẹ luôn tồn tại gần 100% hộ nghèo, nhưng ngày nay số hộ nghèo chỉ còn dưới 5% do thôn được chuyển đến khu tái định cư mới tốt hơn. Trước đây, ai đến Khe Lẹ đều phải lội qua con suối sâu, ngày bình thường nước cũng ngập ngang ngực đứa trẻ 8 tuổi, khi mưa lũ nước ngập đầu người lớn. Đường đến thôn có con suối nguy hiểm, mùa mưa bão người dân Khe Lẹ lại phải đối mặt cảnh sạt lở khu dân cư. Để giúp bà con ổn định cuộc sống, từ năm 2015, UBND tỉnh và huyện Tiên Yên đã có kế hoạch xây dựng khu tái định cư ở Khe Lẹ, ra vùng an toàn cũng thuộc địa bàn thôn, nằm cách trung tâm xã Hà Lâu khoảng 1,5km. Mỗi hộ được hỗ trợ 35 triệu đồng từ nguồn di dân của nhà nước và được cấp miễn phí 250m2 đất/hộ để làm nhà và công trình phụ trợ. Khi nhìn thấy tiềm năng ở nơi ở mới, bà con không chỉ trông chờ vào số tiền nhà nước hỗ trợ mà 100% các hộ vay mượn thêm tiền để làm nhà kiên cố, chứ không làm nhà tạm bợ sống cho qua ngày như trước đây.

Như vậy, có thể khẳng định với cách đầu tư thiết thực, hiệu quả hiện nay, các khu tái định cư sau khi được đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng đã đem lại cuộc sống mới ổn định, sung túc cho người dân.

Anh Vũ

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/201908/chuyen-an-cu-lac-nghiep-o-cac-khu-tai-dinh-cu-va-khu-gian-dan-2451475/