Chuyện ai cũng biết

Thật kỳ lạ là cho đến thời điểm hiện tại, những câu chuyện đội vốn ở các công trình xây dựng hạ tầng đã không còn là cá biệt trong đời sống nữa.

Khi mà cơn cớ dự án xe lửa trên cao Cát Linh – Hà Đông (Hà Nội) còn chưa vơi nỗi lo đội vốn và làm rõ trách nhiệm giám sát, thì cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi với tổng số vốn đầu tư lên đến 34.500 tỷ vừa mới thông xe đã vướng hàng loạt câu chuyện từ bong tróc ổ gà cho đến thấm nước… mà nhìn đơn giản nhất thì rõ ràng có dấu hiệu làm gian làm dối.

Cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi tệ đến độ chính Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể đích thân yêu cầu dừng thu phí. Đó là chưa kể đến những lùm xùm bán gói thầu, bị tố cáo tiêu cực, phát ngôn lăng nhăng của đơn vị thi công khi cho rằng đường hỏng do mưa đầu mùa rồi sau đó phải đi đính chính, giải thích từ tiếng Kinh ra tiếng Việt…

Căn nguyên là do đâu?

Nó thản nhiên tồn tại, thản nhiên được mặc định là một điều bình thường, thản nhiên được xem là chuyện thường ngày ở huyện.

Làm sao một điều vô lý như vậy lại thành như mặc định?

1. Hoàn toàn không chủ quan khi nói rằng bất cứ công trình xây dựng hạ tầng nào ở nước ta cũng đội vốn. Nhà hát đội vốn, bảo tàng đội vốn, metro đội vốn, cao tốc đội vốn, nạo vét sông đội vốn, xây trụ sở đội vốn.. Buồn cười mà đau đớn nhất chính là đội vốn thì nhiều nhưng chất lượng lại kém đi, kiểu như càng bỏ ra nhiều tiền thì càng mua phải hàng dỏm hàng giả vậy.

Cá biệt như Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang ở TP HCM, nhà hát này từng gánh một sứ mệnh bằng miệng rất uy nghiêm đó chính là sứ mệnh “thánh đường của cải lương”. Dĩ nhiên là Nam Bộ phải có nhà hát cải lương, mà đặt một nhà hát cải lương trang trọng thì phải chọn TP HCM.

Vậy mà, sau khi đội vốn hơn hai lần kinh phí ban đầu, từ chưa đến 60 tỷ đồng lên đến hơn 132 tỷ đồng thì nhà hát mới chênh vênh hình thành. Gọi là chênh vênh hình thành vì sau khi khánh thành nhà hát không phục vụ được các đêm diễn của nghệ sĩ, lý do không phục vụ được đêm diễn rất trớt quớt, là do “thiết kế không phù hợp”.

Minh họa: Ngô Xuân Khôi.

Thiết kế không phù hợp nghĩa là thiết kế sai, hiểu đơn giản nhất là không có khả năng thiết kế, không có trình độ trong phê duyệt, không có trách nhiệm trong giám sát. Nhưng mặc, vẫn cứ xây. Đội vốn, vẫn cứ duyệt. Cuối cùng hiện hữu một cái nhà hát mà nghệ sĩ không thể hát.

Để rồi TP HCM đang tính tới tính lui chuyện xây dựng một nhà hát cải lương mới nhằm thay thế cái nhà hát cải lương Trần Hữu Trang không sử dụng được. Chuyện vô lý đến vậy mà cũng xảy ra.

Nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP HCM Nguyễn Hữu Tín từng ký quyết định xây dựng Trung tâm Triển lãm quy hoạch thành phố với số tiền đầu tư 40 triệu USD (tương đương hơn 800 tỉ đồng). Dự tính công trình được khởi công vào năm 2013 và hoàn thành vào năm 2015.

Công trình có diện tích hơn 18.000m², cao 5 tầng, tổng mức đầu tư hơn 836 tỉ đồng, trong đó chi phí xây dựng 357 tỉ, chi phí thiết bị 268 tỉ và các chi phí còn lại là hơn 211 tỉ đồng

Vẫn với những khẩu hiệu rất cũ, công trình này sẽ đáp ứng kỳ vọng của doanh nghiệp và nhân dân, sẽ là nền tảng để Khu đô thị mới Thủ Thiêm cất cánh, thu hút nhà đầu tư (Tôi rất khó hiểu làm sao nhờ một công trình Trung tâm Triển lãm quy hoạch mà cất cánh được một vùng đất, nhưng thôi sự lạ vốn dĩ luôn nhiều - N.N.L).

Vậy mà hết năm 2016 lại hẹn sang 2017, hết hẹn 2017 rồi hẹn đến 2018, giờ đến 2018 hẹn sang 2019.

Cái tài tình là ở chỗ không chỉ có Nhà hát Trần Hữu Trang, không chỉ có Trung tâm Triển lãm quy hoạch thành phố, không chỉ có dự án nạo vét sông Sào Khê (Ninh Bình), không chỉ có tàu hỏa trên cao… vẫn không thấy thấp thoáng bóng dáng ai phải chịu trách nhiệm, vẫn không thấy có chuyển hồ sơ vụ việc sang cơ quan điều tra hay không, vẫn không thấy có ai đốc thúc giải quyết để tỏ vẻ xót xa cho ngân sách.

Vậy nhưng công trình BT đổi đất lấy hạ tầng thì luôn tính thoáng cho doanh nghiệp, giao đất công cho doanh nghiệp thì rẻ mà chấp nhận cho doanh nghiệp đội vốn hay tính toán giá thành công trình cao, đường nội đô 1.000 tỷ/km tại Thủ Thiêm (TP HCM) là một điển hình.

2. Có phải quốc gia của chúng ta thiếu những cá nhân đủ năng lực tri thức để thực hiện các công trình hạ tầng, để thực thi khối lượng công việc trong xây dựng, để tính toán những khoản đầu tư… Chắc chắn là không có chuyện đó. Nên lý giải đơn giản nhất cho những nghịch lý hạ tầng chính là “có động cơ vụ lợi”.

Mà một khi có động cơ vụ lợi lại không bị lôi ra ánh sáng để xử lý, thì người trước nhìn người sau, người sau nhìn người sau nữa… kéo dài một chuyện bất thường thành một chuyện bình thường.

Muốn chuyện bất thường không thành bình thường thì phải tăng cường giám sát, thì phải xử lý trách nhiệm từ người ký quyết định thực hiện dự án cho đến đơn vị thi công, chủ đầu tư, đơn vị giám sát thi công, đơn vị kiểm định công trình… Chứ làm sao lại có thể để tiền ngân sách thất thoát mãi vậy được. Chứ làm sao lại để một biến tướng của tham nhũng trục lợi của công thành câu chuyện bình thường như mớ rau con cá ngoài chợ được.

Người dân không học vấn nhiều, cả đời tích góp xây một căn nhà còn tính toán gần như chuẩn xác số tiền phải bỏ ra, còn tính toán hết công năng sử dụng của căn nhà.

Vậy thì làm sao có thể xem chuyện nhiều tiến sĩ, thạc sĩ xây dựng rồi hầm bà lằng đủ cả danh vị học hàm lại biến những công trình hạ tầng thành gánh nặng cho ngân sách, biến những công trình hạ tầng thành những câu chuyện vừa cười chua chát vừa khóc uất ức cho nhân dân.

Nhất định không thể xem đây là chuyện nhỏ được, nhất định không thể xem đây là chuyện đơn giản được. Gánh nặng ngân sách khiến quốc gia mỏi mệt cũng từ đây mà ra chứ còn từ đâu nữa.

Ngô Nguyệt Hữu

Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/chuyen-de/chuyen-ai-cung-biet-516709/