Chuyện '3 cứng' trên vùng cao Trạm Tấu

Mùa đông trên núi cao rất dài, nhiều năm có mưa tuyết, khiến trâu bò chết hàng loạt. Trạm Tấu đề ra công thức '3 cứng' giúp đàn gia súc chống chọi với mùa đông…

 Vợ Thào A Dua cho trâu bò ăn. Ảnh: Thái Vũ.

Vợ Thào A Dua cho trâu bò ăn. Ảnh: Thái Vũ.

Nằm trên ngọn nguồn dòng Thia, từ cánh đồng Mường Lò nhìn lên, Trạm Tấu ẩn khuất giữa bạt ngàn mây trắng, đó là nơi cư trú của phần lớn dân tộc Mông. Mùa đông ở trên núi bắt đầu từ cuối tháng mười sau khi vụ mùa đã gặt xong kéo dài tới tận tháng ba năm sau.

Mùa đông ở Trạm Tấu không mấy năm là không có băng giá trên các đỉnh núi cao kéo dài cả tháng trời. Còn nhớ cuối tháng 1/2016 tôi theo đoàn công tác của Sở NN-PTNT Yên Bái lên Trạm Tấu, lần đầu tiên trong đời tôi chứng kiến mưa tuyết.

Đêm ấy trời lạnh và trong, những ngôi sao mùa đông lấp lánh trên đỉnh các rừng thông, dòng Thia rì rào như giát bạc trong lòng khe núi. Nửa đêm về sáng tôi chợt tỉnh giấc thấy ngoài trời sáng lạ thường vội mở cửa ra chợt thấy muôn ngàn những bông tuyết rơi lả tả xuống đất trắng phau. Cái thị trấn nhỏ trên núi cao, chỉ độ một giờ đã chìm ngập trong màu tuyết trắng.

Xã Bản Mù ngập trong tuyết đầu năm 2016. Ảnh: Thái Vũ.

Đường lên xã Bản Mù ngập trong tuyết, trụ sở xã nằm ở thôn Mù Thấp, trên độ cao hơn 1.000m so với mặt nước biển đều trắng toát một màu băng giá. Nhìn xuống thôn Bản Mù nằm dưới thung lũng, tất cả đều ngập chìm trong băng trắng, im lìm đến rợn người.

Đây là bản nằm ở trung tâm xã, trên con đường vào bản không một bóng người, những vệt khói từ các ngôi nhà lẫn vào màu băng không thể nhận ra.

Tôi cứ ngỡ cả thôn bản vùng cao và toàn bộ mảnh đất nơi này như bị đông cứng trong băng. Rét tê tái, gió thổi ngùn ngụt tạt những hạt mưa đông kết vào mặt lạnh buốt, chỉ đứng ngoài trời một lúc tay chân đã tím tái.

Bí thư Giàng A Phông đi ủng lội lọp bọp dẫn đoàn công tác vào các gia đình kiểm tra việc phòng chống rét cho gia súc. Ông cho hay, xã Bản Mù có 10 con trâu bò, dê đã bị rét đốn ngã.

Dê chết trong tuyết. Ảnh: Thái Vũ.

"Rét đến nhanh quá, chỉ một đêm núi rừng đã ngập tuyết phủ, nhiều nhà không kịp đưa trâu từ trên rừng về, sớm nay có người tìm được trâu dắt về đến nửa đường thì khụy xuống, chân như bị bại liệt đứng lên lại ngã xuống, miệng rống lên như bị chọc tiết, nghe chúng kêu nghe thảm thiết lắm…", Bí thư Phông lập bập kể.

Người dân Trạm Tấu còn nhớ mùa đông 2011 trời rét kéo dài hơn 40 ngày, trâu bò chết như ngả rạ, thôn bản nào cũng có trâu chết, tính ra hơn 1.100 con chết rét, nhiều gia đình chết không còn một con.

Tâm lý của đồng bào vùng cao để một con trâu chết rét không tiếc, nhưng bán một một con trâu để làm chuồng trại là điều họ cân nhắc, bàn bạc rất lâu.

Nguyên nhân trâu bò chết rét hàng loạt là do bà con vùng cao có thói quen sau vụ gặt thả trâu bò lên rừng, khi vào vụ họ mới tìm về. Mùa đông trên núi dài lê thê, thường có băng giá khiến cỏ chết rạc, thiếu cỏ lại mưa rét trâu bò chết hàng loạt là điều không quá ngạc nhiên.

Huyện Trạm Tấu nhiều năm vận động người dân làm chuồng trại bảo vệ đàn gia súc. Phong tục chăn thả rông gia súc đã ăn sâu vào trong tiềm thức người dân từ bao đời nên không dễ bỏ được.

Sau những mùa đông trâu bò chết hàng loạt, người dân miễn cưỡng không thả rông gia súc trên rừng, buổi sáng họ lùa trâu bò lên núi, buổi chiều lùa trâu về buộc quanh gốc cây hay những bụi tre quanh nhà, không mấy nhà làm chuồng trại.

“Mặc áo” cho trâu vào mùa đông ở Trạm Tấu. Ảnh: Thái Vũ.

Đó là cản trở không nhỏ, mỗi mùa đông huyện Trạm Tấu phải xuất hàng trăm triệu đồng để giúp bà con mua bạt chống rét cho trâu bò. Nhiều nhà cũng làm chuồng trại, họ dựng sơ sài vài chiếc cọc tre, lợp mấy bó rơm trên mái xung quanh không che chắn gì, gió thổi thông thống, trên lạnh dưới lạnh. Nhiều nhà sớm ra thấy trâu bò không đứng dậy được, đành phải gọi người đến mổ.

Từ đó huyện Trạm Tấu đưa ra công thức “3 cứng”: Cứng mái, cứng cột và cứng nền. Mỗi hộ làm chuồng trại được hỗ trợ 1 triệu đồng để đổ cột xi măng láng nền và lợp mái bằng tấm lợp, số tiền không lớn nhưng đã giúp hàng trăm hộ làm được chuồng trại, cứu được hàng trăm con trâu bò không bị chết rét.

Ông Nguyễn Thành Hưng - Phó Chủ tịch, người nhiều năm làm Trưởng phòng NN-PTNT huyện Trạm Tấu cho biết: "Thay đổi được tập quán và nhận thức của người dân là một quá trình rất dài, chúng tôi phải cử cán bộ xuống nhà dân cùng làm với họ. Cũng như việc vận động họ trồng cỏ và làm cây rơm, mỗi cây rơm huyện hỗ trợ mấy trăm ngàn, nhưng không phải hộ nào cũng muốn làm. Thế là cán bộ lại phải xuống làm cho họ.

Bây giờ thì không phải vận động nữa, sau khi gặt xong nhà nào cũng tự làm cây rơm. Vì thế trâu bò Trạm Tấu không còn chết đói, chết rét như nhiều năm trước đây…".

Người dân thực hiện “3 cứng” cho chuồng trâu. Ảnh: Thái Vũ.

Sau chuyện “3 cứng” là đến Đề án chăn nuôi được triển khai năm 2016, người dân nhiệt tình tham gia. Trạm Tấu xây dựng 35 mô hình nuôi trâu bò quy mô 10 con một hộ, 8 mô hình quy mô 10 con một nhóm hộ.

Trưởng phòng NN-PTNT Nguyễn Văn Hòe cùng Hảng A Thào dẫn tôi lên bản Kháu Ly để tận mắt thấy việc chăn nuôi của người dân.

Cách nay hơn chục năm tôi từng đi bộ lên bản Kháu Ly, ngày ấy đường ô tô chưa có, muốn vào bản phải trèo qua hàng rào trâu mới vào được. Nhà Giàng A Chờ tham gia đề án, gia đình anh hiện có 7 con trâu, 4 con bò. Tôi nhìn trong chuồng chỉ có 4 con trâu, hỏi còn 3 con trâu và 4 con bò nữa đâu. Chủ tịch xã Bản Mù Giàng A Chú cho biết: Số trâu bò ấy gia đình anh Chờ đang chăn nuôi trên lều nương, sau khi gặt xong mới lùa trâu bò về tránh rét.

Nhìn vào chuồng trâu nhà Giàng A Chờ đúng là “3 cứng”, cái máng cỏ cũng được xây bằng xi măng, thế là “4 cứng”.

Trưởng phòng Nguyễn Văn Hòe bảo: Trạm Tấu phải phấn đấu “5 cứng” mới yên tâm. Nhiều nhà chưa xây được tường, mùa đông bà con vẫn phải quây bạt che gió cho trâu, bạt sau một năm thì rách hết…

Xã Bản Mù hiện có 1.338 con trâu, 1.269 con bò, 4.756 con lợn, đây là xã duy nhất của Trạm Tấu không xảy ra dịch tả lợn Châu Phi. Trung bình mỗi hộ có 2 - 3 con trâu bò, nhà nhiều hơn chục con.

Hảng A Thào bảo: Người miền núi coi trọng con gia súc lắm, nhà có công việc mà không có trâu bò thì rất khó khăn. Làm nhà mổ trâu hoặc bò, cưới vợ cũng phải mổ trâu bò… thành ra nhà ai cũng chăm sóc trâu bò, không còn thả rông như nhiều năm trước.

Nhà Thào A Dua cũng là hộ tham gia Đề án chăn nuôi, nhà anh có 1 con trâu, 3 con bò, lợn hơn 10 con.

Dua hôm nay đi lên nương chưa về, vợ Dua ở nhà trông con, chị tranh thủ khi con ngủ thái cỏ cho trâu bò ăn. Chị cho biết nhà trồng hơn 3.000m2 cỏ voi, mùa đông không còn lo thiếu cỏ. Mùa mưa cỏ lên nhanh lắm, chị cắt bớt về cho trâu bò ăn, nhà có máy thái cỏ, tất cả thân lá đều được thái nhỏ.

Nhìn con trâu nhà Thào A Dua béo đỏ, mọng như quả bí đao, lưng to như cái phản, để chậu nước trên lưng không đổ. Thợ mua trâu bò đã đến trả hơn 60 triệu nhưng gia đình không bán.

Kỳ vọng lớn của Trạm Tấu

Đàn trâu nhà Giàng A Chờ ở bản Kháu Ly. Ảnh: Thái Vũ.

Chủ tịch huyện Trạm Tấu, ông Vũ Lê Chung Anh chia sẻ, tham vọng của huyện là đẩy nhanh việc phát triển đàn trâu bò, để Trạm Tấu trở thành huyện có đàn trâu bò vài chục ngàn con trong những năm tới.

"Tỉnh Yên Bái đã xây dựng chợ trâu bò tại huyện chúng tôi rồi, nơi đây trong tương lai sẽ là điểm mua bán trâu bò lớn nhất tỉnh", ông Chung Anh tin tưởng…

Trưởng phòng NN-PTNT Nguyễn Văn Hòe cho biết thêm, đàn gia súc của Trạm Tấu hiện có trên 30.000 con, trong đó đàn trâu 8.700 con, đàn bò 5.200 com, đàn lợn hơn 17.000 con… Số lượng trâu bò mấy năm nay tăng trưởng nhanh là do bà con đã có ý thức làm chuồng trại, tích trữ rơm và trồng cỏ…

Yên Thái

Thái Sinh - Đăng Hải

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/chuyen-3-cung-tren-vung-cao-tram-tau-d273515.html