Chuyện 2 bức tượng Quan Âm tống tử quý hiếm

Trong Phật giáo, có rất nhiều hình tượng về Quan Âm, trong đó có hình tượng Quan Âm tống tử, tay bồng một em nhỏ gắn với tích Quan Âm cảm hóa ác quỷ hành thiện. Người nào hiếm muộn mà treo tranh hoặc đặt tượng Quan Âm tống tử trong nhà sẽ đạt được ước nguyện.

Pho tượng bạch ngọc quý hiếm

Ở chùa Quán Thế Âm (quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) có một pho tượng Quan Âm tống tử bằng bạch ngọc nguyên khối rất quý hiếm, cao 29cm, rộng 16,5cm, được tạc từ khối bạch ngọc nặng khoảng 5kg. Bức tượng mô phỏng đức Bồ Tát ngồi trên tòa sen hai tay nâng em bé, đầu đội mũ Quan Âm, trên ngực và hai gối chạm bông sen nổi. Y pháp Quan Âm có nhiều nếp gấp, diềm y có trang trí hoa, cổ đeo dây An Lạc. Bức tượng được tìm thấy trong một giếng sâu ở Hoàng thành Huế. Thượng tọa Thích Huệ Vinh (trụ trì chùa Quán Thế Âm) kể lại rằng, sau giải phóng, một số người dân khi vét giếng trong khu Đại nội, Hoàng thành Huế đã phát hiện bức tượng nằm dưới lớp bùn đất.

Sau đó, bức tượng đến tay một người phụ nữ. Trước khi ra nước ngoài định cư, bà đã tìm đến chùa Quán Thế Âm để hiến tặng bức tượng này. Kể từ đó, các sư thầy cất giữ cẩn thận trong kho cho đến ngày thành lập Bảo tàng Văn hóa Phật giáo năm 2015 mới đem ra giới thiệu với công chúng. Về nguyên nhân khiến bức tượng lưu lạc, thượng tọa Thích Huệ Vinh nhận định, khi chiến tranh xảy ra, trên đường chạy loạn, rất có thể bức tượng đã được người trong hoàng cung đặt xuống giếng sâu để bảo vệ.

Bức tượng Quan Âm tống tử bằng bạch ngọc được bảo quản tại chùa Quán Thế Âm

Nhận định về bức tượng này, ông Huỳnh Đình Quốc Thiện - Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng - cho biết, bức tượng không chỉ có giá trị lớn về mặt chất liệu mà còn cho thấy nghệ thuật điêu khắc đỉnh cao, nhất là điêu khắc trên bạch ngọc. Còn TS Nguyễn Đình Chiến - Ủy viên Hội đồng Giám định cổ vật (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) - khi trực tiếp quan sát bức tượng đã nhận thấy, trên bức tượng có biểu hiện thếp vàng nhưng đã mờ nhạt dấu vết theo thời gian. Ông nhận định đây là một bức tượng rất quý vì được tạc bằng bạch ngọc, lại được thếp vàng. Theo ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, bức tượng xứng đáng được đưa vào danh sách bảo vật quốc gia.

Thông thường, tượng Quan Âm tống tử trong dân gian thường được làm bằng các chất liệu gỗ, đồng..., còn tượng được làm bằng bạch ngọc thì cực kỳ quý hiếm. Mặt khác, nơi tìm được bức tượng ở trong Hoàng thành nên có thể nhận định bức tượng không xuất phát từ dân gian mà phải có nguồn gốc từ chốn hoàng cung.

Dưới thời nhà Nguyễn, người dân đã tìm thấy bạch ngọc ở vùng núi Hòa Điền (Quảng Nam), sau đó dâng khối ngọc này để vua làm ngọc tỉ vào năm 1835. Vì thế, ông Huỳnh Đình Quốc Thiện nhận định, có thể một phần vua cho tạc ngọc tỉ, một phần vua sai làm tượng Phật để cầu an.

Bức tượng “biết đi”

Chùa Thái Bình là một ngôi chùa lâu năm ở Đà Nẵng. Trong những lần sụp đổ do chiến tranh, nhiều hiện vật quý được thờ tự trong chùa bị thất lạc. Trong đó có một bức tượng Quan Âm tống tử đã được bốn đời trong một gia đình dày công tìm kiếm để trả lại cho nhà chùa.

Trong những năm kháng chiến chống Pháp, ông nội của ông Huỳnh Phước Tự (64 tuổi, trú phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) đã cất giấu giúp nhà chùa một số cổ vật. Ông Tự kể lại rằng, khi đang trên đường trở về sau một trận đánh, ông nội của ông đã ghé chùa Thái Bình nghỉ ngơi. Ông cùng đồng đội thấy ngôi chùa không một bóng người, tượng Phật, cổ vật không ai trông, sợ bị mất nên ông đem số cổ vật về chôn giấu trong vườn nhà để sau này khi khôi phục lại chùa sẽ đem trả lại.

Đến năm 1966, ông nội của ông Tự qua đời và dặn dò con cháu là các bức tượng cổ của nhà chùa được chôn dưới rãnh nước sát bụi tre sau vườn. Một năm sau, do bom đạn chiến tranh, chùa Thái Bình cũng sụp đổ hoàn toàn.

Ông Tự tiếp tục thực hiện lời hứa với ông nội, với cha mình. Ông Tự cùng các con cất công tìm kiếm số cổ vật gồm: chuông đồng, tượng Phật đứng trên đài sen, tượng Quan Âm tống tử… Thế nhưng, càng tìm càng bặt vô âm tín.

Ông Tự cùng các con đã tìm khắp nơi trong vườn nhà không sót chỗ nào, chỉ có nền nhà là chưa được đào lên. “Ông nội tôi khẳng định cổ vật được chôn ngoài vườn, thế mà không hiểu sao khi tìm được lại nằm chính ngay trong nhà dưới độ sâu 3 - 4m đất. Tôi không tài nào giải thích được”, ông Tự nói.

Theo lời ông Tự, đến năm 2014, nhà ông bị giải tỏa khi thành phố Đà Nẵng thi công đường vành đai phía nam. Biết bức tượng Quan Âm tống tử vẫn nằm đâu đó trong vườn nhà, ông Tự dặn dò kỹ các công nhân chú ý về điều này.

Ngày 22/4/2014, khi đơn vị thi công sử dụng máy để múc đất trong vườn nhà ông Tự thì chạm phải một vật cứng. Máy dừng lại, các công nhân xuống xem xét thì phát hiện một vật bằng đồng ánh rêu xanh. Nhận được tin báo, ông Tự cùng các con đến để kiểm tra thì phát hiện đó là chiếc chuông bằng đồng có đường kính khoảng 50cm còn rõ chữ viết. Sau này xác định được chuông đúc vào năm Tự Đức thứ 4 (năm 1851). Chiếc chuông này úp lên bức tượng Quan Âm tống tử cao 55cm, bề ngang 20cm nên bức tượng không bị sứt mẻ dù bị máy múc chạm phải.

Biết tin đào được cổ vật tại nhà ông Tự, cánh săn tìm cổ vật đổ xô về căn nhà cũ để tìm kiếm. Bức tượng Quan Âm tống tử được xác định có niên đại từ thế kỷ XV. Ngoài bức tượng Quan Âm tống tử, nhiều cổ vật khác cũng được tìm thấy và thất lạc không ít, các bên liên quan đã phải bỏ ra một số tiền lớn để chuộc lại.

Sau khi hoàn thành các thủ tục liên quan, bức tượng Quan Âm tống tử được lưu giữ lại tại chùa Thái Bình, trở thành một trong những bức tượng Quan Âm tống tử nổi tiếng nhất Đà Nẵng.

Thượng tọa Thích Huệ Vinh: “Trong kinh Phổ Môn có nhắc đến việc thờ tượng Quan Âm tống tử để cầu con. Người nào mong con thì phát tâm cầu nguyện, lễ bái cúng dường Quan Thế Âm Bồ Tát. Trong bộ kinh có câu: Thiện sanh phước đức trí huệ chi nam, tức là ước mong có được đứa con trai phước đức, trí tuệ, sức lực; Thiết dục cầu nữ thiện sanh đoan chánh, hữu tướng chi nữ, tức là cầu sinh được con gái thùy mị, đoan trang, chánh trực”.

Hà Anh

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/chuyen-2-buc-tuong-quan-am-tong-tu-quy-hiem-520573.html