Chút tình giữ lại...

Đều đặn cuối hạ đầu thu, tập san Khúc giao mùa, tiếng lòng của đất và người Liên Chiểu lại được cất lên tự sâu thẳm yêu thương. Như lời giới thiệu đầu tuyển tập: 'Khúc giao mùa âm vang giai điệu vừa quen vừa lạ, vừa gần gũi vừa xa xăm, lắng sâu, vời vợi...

Đều đặn cuối hạ đầu thu, tập san Khúc giao mùa, tiếng lòng của đất và người Liên Chiểu lại được cất lên tự sâu thẳm yêu thương. Như lời giới thiệu đầu tuyển tập: "Khúc giao mùa âm vang giai điệu vừa quen vừa lạ, vừa gần gũi vừa xa xăm, lắng sâu, vời vợi... Từ trái tim, cái đẹp bung nở, lan tỏa, gắn kết những tâm hồn đồng điệu, làm dịu nỗi đau thân phận đời người". Khúc hát yêu thương cất lên giữa đời thường, cho niềm vui tinh thần lan tỏa, hạnh phúc tưởng chừng như xa xôi to lớn hóa ra thật giản dị, đời thường từ những vần thơ lắng sâu trong tâm hồn đất mẹ. Liên Chiểu, nguồn cảm hứng dạt dào qua đôi mắt thi sĩ đang ngày đêm cựa quậy, thức giấc, ẩn hiện qua trang thơ: "Em ơi! Đà Nẵng quê anh/ Rừng ôm thành phố, biển xanh ôm người/ Hải Vân núi dựng ngút trời/ Hùng quan đệ nhất muôn đời oai linh/ Hòa Hiệp, Hòa Khánh, Hòa Minh/ Đất quê muôn thuở khối tình yêu thương" (Đợi em về, thơ Trần Toàn). Dẫu bây chừ "hồn quê Liên Chiểu đi lên phố phường" (thơ Huỳnh Sự) nhưng Liên Chiểu vẫn là mảnh đất chứa đựng hồn quê trong tâm tưởng, cho những con người trót vương vấn mối tình trăm năm với mảnh đất này, vẫn khắc khoải nhớ về.

Hải Vân, đề tài muôn thuở của biết bao văn nhân, thi sĩ vẫn âm vọng nỗi niềm qua từng con chữ: "Đệ nhất hùng quan ai khéo tạc/ Đường lên tới đỉnh thấy trời gần (...)/ Cưỡi sóng thuyền ai vờn mặt biển/ Hoàng hôn buông xuống mờ sương giăng/ Nam Ô một thuở hồng trang sử/ Tiếng thét quân hùng dậy núi sông/ Đất nước hò reo Vua mở cõi/ Phương Nam tỏa rạng giống tiên rồng/ Sáu trăm năm trước còn bia đá/ Xin nhắc ai rằng có nhớ không (Lên đỉnh Hải Vân, thơ Lê Ngọc Xuân). Sáu năm ăm ắp nỗi niềm quê xứ, Khúc giao mùa như khúc hát đong đầy tình nghĩa, mối giao hòa của con người và thi ca, của niềm tin và hạnh phúc đang vẫy gọi phía trước. Cùng với sự cộng tác của hàng loạt tác giả, học giả tên tuổi, các nhà nghiên cứu, các nhà văn, nhà thơ có những mối lương duyên sâu nặng với Liên Chiểu đã làm nên vóc dáng, hình hài của Khúc giao mùa và Tin xuân dâng cho đời bao hoa thơm trái ngọt: Nguyễn Khắc Sính, Nguyễn Hoàng Thọ, Bùi Văn Tiếng, Nguyễn Nho Khiêm, Nguyễn Kim Huy, Nguyễn Minh Hùng, Phạm Phát, Thanh Quế, Đông Trình, Nguyễn Minh Hùng, Đỗ Phan, Đinh Thị Như Thúy, Bách Mỵ... Là một tập san văn nghệ thuần khiết, Khúc giao mùa là lát cắt, là tia chớp soi rọi tâm hồn, góp phần làm phong phú đời sống tinh thần con người, lưu giữ chút tình riêng ngọt ngào, cho cây đời mãi xanh tươi.

PHAN NAM

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/71_193740_chut-tinh-giu-lai.aspx