'Chuột chũi' Gordievski-từ Đại tá KGB đến gián điệp Anh

Chúng tôi mới giới thiệu với ban đọc DVO bài ngày 8/11/2017 của 'Luận chứng và sự kiện' về George Blake nhân sinh nhân lần thứ 95 của ông.

Sẽ là không công bằng nếu không nói về một sỹ quan tình báo khác có con đường đi hoàn toàn ngược lại – từ Đại tá KGB trở thành điệp viên của MI6- đó là Oleg Gordievsk.

Vì vậy, xin được giới thiệu tiếp bài báo cũng của “Luận chứng và sự kiện” (Nga) ngày 14/11/2017 với tiêu đề: “Chuột chũi của Anh tại Lublianka (trụ sở KGB Liên Xô tại Matxcova-ND). Cuộc đời hai mặt của Đại tá Gordievski”. Dĩ nhiên, là đối với Nga, Oleg Gordievski là kẻ phản bội nên cách nói về ông này sẽ không được “trân trọng” lắm.

Cựu thủ tướng Anh Margaret Thatcher chúc mừng Oleg Gordievski trong lễ nhận huân chương ngày 18/10/2007. Ảnh / Public Domain

Vương quốc Anh tặng huân chưong vì sự phản bội

Ngày 18/10/2007, Nữ hoàng Anh Elizabeth Đệ Nhị đã trao tặng một trong những phần thưởng cao quý nhất của nước Anh,- Huân chương Thánh Michael và Thánh George “Vì sự nghiệp phục vụ an ninh cho Liên hiệp Vương quốc Anh” cho cựu sỹ quan tình báo Xô Viết Oleg Gordievski chạy trốn từ Liên Xô sang Anh năm 1985. Với huân chương này, Gordievski đã trở thành nhân vật có “phẩm hàm” cao nhất trong tất cả những kẻ phản bội từng làm việc trong các Tình báo Xô Viết.

Về phạm vi hoạt động của Gordievski và những tổn thất mà ông ta gây ra cho Tổ quốc mình, cho đến bây giờ vẫn còn rất nhiều ý kiến tranh cãi. Nhà sử học nổi tiếng người Anh chuyên nghiên cứu về lĩnh vực tình báo là Christopher Andrew cho rằng Gordievski là “điệp viên lớn nhất của Tình báo Anh trong trong các cơ quan tình báo Xô Viết, chỉ sau Oleg Penkovski.

Nhưng có một chi tiết cần lưu ý – chính Christopher Andrew là người trong nhiều năm liền giúp Gordievski viết các cuốc sách về bản thân mình và về các cơ quan tình báo Xô Viết, và những quyển sách đã được bán khá chạy tại Phương Tây.

Cho đến bây giờ, Gordievski vẫn luôn lên tiếng “phân tích” mỗi khi có một vụ scandal gián điệp nào đó với tư cách là một “chuyên gia”. Mặc dù, nói cho đến cùng thì tay cựu sỹ quan KGB đào tẩu này không phát hiện được bất cứ một điều gì mới – vì từ lúc y làm việc tại KGB và nắm nhiều bí mật của các cơ quan tình báo Xô Viết đến nay đã có khoảng cách hơn 30 năm.

“ Mùa xuân Praha và nhà thổ Thụy Điển

Mỗi khi nói tới sự phản bội, bao giờ cũng xuất hiện câu hỏi về những động cơ khiến một người nào đó làm như vậy. Bản thân Gordievski thì khẳng định rằng y hợp tác với Tình báo Anh hoàn toàn xuất phát từ những động cơ lý tưởng.

Vì thất vọng trước chiến dịch do đồng chí Khrushev tiến hành nhằm lên án tệ sùng bái cá nhân Stalin. Nhưng vẫn theo Gordievski, điều làm anh ta vỡ mộng hoàn toàn đối với chế độ Xô Viết chính là vụ đàn áp “ Mùa xuân Praha” năm 1968. Và sau đó, viên sỹ quan KGB này đã quyết định chiến đấu cùng chung chiến hào với “thế giới Phương Tây”.

Nhưng theo những người khác, trong đó có Mikhail Liubimov, một vị sỹ quan tình báo nghỉ hưu - một nhà văn vốn là sếp cũ trực tiếp của Gordievski trong những 1970 khi y đang hoạt động trong tổ điệp báo KGB tại Đan Mạch thì khẳng định chắc chắn rằng động cơ của Gordievski không phải là “vì cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa cộng sản”. M.Liubimov tuy thừa nhận là vào thời điểm đó ông không hề nghi ngờ Gordievski, nhưng cũng nhận xét rằng Gordievski là “con người có tư duy thân Phương Tây”.

Những người từng quen biết Gordievski tại Liên Xô khẳng định: y muốn sống một cuộc sống xa hoa, chứ không phải là lối sống khổ hạnh được cổ vũ tại Liên Xô. Sự ham muốn những thú vui cuộc sống đa dạng của Gordievski cũng là một trong những giả thuyết về động cơ khiến Gordievski cộng tác với Tình báo Anh.

Giả thuyết đó như sau: Năm 1962, chàng sinh viên mới tốt nghiệp MGIMO (Trường đại học quan hệ quốc tế quốc gia Matxcova-ND) Gordievski được nhận vào Tổng cục Một- KGB Liên Xô (Tình báo đối ngoại). Dự kiến Gordievski sẽ hoạt động tình báo dưới bình phong ngoại giao.

Vì vậy, viên cán bộ tình báo trẻ này được cử đến Đan Mạch để thực tập tại Đại sứ quán Liên Xô. Trong thời gian thực tập, Gordievski đã tận dụng “không gian hộ chiếu thống nhất” giữa Đan Mạch và Thụy Điển để sang thăm nước láng giềng Thụy Điển và có đến “vui vẻ” tại một nhà thổ.

Đúng vào ngày hôm đó, không hiểu vô tình hay cố ý nhưng cảnh sát đã mở một cuộc truy quét “tệ nạn xã hội”. Vị cán bộ ngoại giao Xô Viết (Gordieski) bị cảnh sát giữ lại. Sau khi lập biên bản sự việc, cảnh sát thả anh ta trong im lặng.

Gordievski lúc đó thừa hiểu rằng, nếu những thông tin này đến được lãnh đạo, sự nghiệp của anh ta đến đây là chấm hết, vì thế mà đã không hề nói gì về chuyến phiêu lưu trên đất Thụy Điển của mình. Đến năm 1966, khi Gordievski có chuyến công tác độc lập đến Đan Mạch, nhân viên Tình báo nước này có đến gặp anh ta và và cho anh ta xem một số “ảnh nóng”.

Khi buộc phải lựa chọn giữa cộng tác với tình báo Đan Mạch hoặc bị lật tẩy, Gordievski đã lựa chọn phương án một. Và sau đó nữa thì người Đan Mạch đã bàn giao điệp viên có giá này cho các đồng nghiệp người Anh của mình.

Sự nghiệp cao quý

Nhưng dù theo cách nào thì Tình báo Anh cũng đã có trong tay một “chuột chũi” siêu hạng ngay trong Cơ quan tình báo đối ngoại Xô Viết, và “chuột chũi này” trong hơn 10 năm đó đã cung cấp cho London những thông tin vô giá. Dù thái độ đối với Gordievski rất khác nhau nhưng cả Tình báo Xô Viết lẫn Tình báo Anh đều đánh giá rất cao năng lực phân tích, trình độ học vấn và trí tuệ siêu việt của Gordievski.

Trong nhiệm kỳ lần hai tại Đan Mạch (dưới bình phong ngoại giao), Gordievski lúc đầu là tổ phó tổ điệp báo KGB (phụ trách lưới điệp viên hoạt động trên lãnh thổ nước địa bàn), còn từ năm 1976, là tổ trưởng.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/ho-so/chuot-chui-gordievski-tu-dai-ta-kgb-den-gian-diep-anh-3347562/