'Chuột chạy cùng sào...'

Ngày xưa, từ thời ba mẹ tôi thi vào sư phạm, câu nói này đã vô cùng nổi tiếng.

“Chuột chạy cùng sào…” là con chuột đói không lối thoát, câu thành ngữ này hàm ý chỉ con người đã lâm vào tình trạng bế tắc, đang ở bước đường cùng.

“Chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm” ý muốn chỉ rằng khi người thí sinh không còn lựa chọn nào khác, mới chọn ngành sư phạm để làm giáo viên. Bởi nghề giáo viên thời đó có thể được xem là nghề (tri thức) nghèo nhất. Có lẽ, ngày đó, phải thực sự yêu nghề mới chọn làm giáo viên.

Sau vụ việc nữ sinh ở An Giang nghi tự tử, học sinh mong muốn thầy cô lắng nghe và thấu hiểu nhiều hơn. Ảnh minh họa: Lao Động

Sau vụ việc nữ sinh ở An Giang nghi tự tử, học sinh mong muốn thầy cô lắng nghe và thấu hiểu nhiều hơn. Ảnh minh họa: Lao Động

Cách đây gần 30 năm, tôi từng thấy những giờ phút ba mẹ miệt mài đèn sách, trăn trở bên từng trang viết của học trò. Ngoài giờ đó, tôi cũng chứng kiến ba mẹ hàng đêm thức khuya đạp máy khâu rầm rầm may đồ ký gửi. Ba dạy đại học, mẹ dạy cấp hai nhưng vẫn phải làm thêm, ngoài may đồ ký gửi còn đi buôn chanh, bán lạc.

Ba mẹ tôi chẳng phải là ngoại lệ, thời đó, nhà nào mà cả hai vợ chồng đều là giáo viên thì xác định phải có thêm nghề tay trái mới đủ trang trải cho cuộc sống. Thậm chí, ba mẹ tôi từng nghĩ chỉ sinh một đứa con thôi, vì nếu sinh nhiều sẽ không nuôi nổi.

Thế rồi, cuộc sống đổi thay, các giáo viên “thoát nghèo” nhờ dạy thêm. Nếu một người giáo viên nào đó có thể sống dư dả mà không cần dạy thêm, thì chỉ có thể là vợ/chồng người đó làm nghề khác và tôi chắc chắn, họ chính là trụ cột kinh tế trong nhà.

Bao nhiêu thí sinh thi Sư phạm thực sự yêu nghề giáo?

Ấy vậy mà thời nay nghề giáo viên vẫn không phải là nghề “hot” thu hút được đông đảo thí sinh. Thậm chí, thực trạng đáng buồn là có lúc điểm tuyển sinh cho ngành sư phạm lại xuống cực thấp, như năm 2017. Điểm chuẩn chuyên ngành sư phạm ở một số trường đại học, cao đẳng chỉ ở mức 9, 10, 12, 15 điểm. Lúc này, ý nghĩa của câu “chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm…” lại trở thành phải học dốt lắm mới đi làm giáo viên.

Điều này khiến tôi băn khoăn ở chỗ, không biết những thí sinh này chọn sư phạm vì thích làm giáo viên, hay vì nếu không chọn sư phạm thì không đủ tiêu chuẩn vào trường đại học, cao đẳng nào khác? Chưa kể, học sư phạm còn có ưu đãi là không phải đóng tiền học phí.

Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, tôi được hỏi tại sao lại chọn ngành Sư phạm. Tôi không hề chuẩn bị cho câu hỏi này, và trước đây cũng chưa từng ai hỏi tôi câu đó.

Sự thực là không phải tôi chọn ngành sư phạm, mà là ba mẹ chọn cho tôi. Lý do đơn giản là nghề này nhàn hạ, và tôi sẽ có nhiều thời gian để chăm sóc gia đình và con cái. Đối với mẹ tôi, vai trò của người phụ nữ là “nội tướng” trong nhà, còn người chồng sẽ lo việc kinh tế. Còn với ba tôi, mẹ tôi nói gì cũng đúng.

Không biết, trong hàng ngàn thí sinh nộp hồ sơ vào trường sư phạm hàng năm, bao nhiêu trong số đó là thực sự yêu nghề giáo? Bao nhiêu trong số đó khi ra trường vẫn còn giữ được tâm huyết, nhiệt huyết với nghề, nhất là khi nghề giáo luôn đối mặt với rất nhiều khó khăn và áp lực đủ chiều. Tôi nghĩ, một người giáo viên không thể làm tốt công việc của mình nếu như họ không có lòng bao dung, không có sự kiên nhẫn, và trên hết, không có lòng yêu thương con người.

Cần tạo được mối đồng cảm giữa cô và trò

Trong vụ việc cô nữ sinh An Giang nghi tự tử, tôi đã vô cùng kinh ngạc về phản ứng của người giáo viên và những lời lẽ thua đủ mà cô giáo đăng trên Facebook. Thực sự cô đã nghĩ gì khi "bạo hành" chính học sinh của mình bằng những lời nói gây tổn thương và những đòn tâm lý? Tôi tự hỏi, khi chọn nghề này, lý do của cô là gì? Cô bảo cô “yêu màu tím”, nhưng tôi không biết liệu giữa yêu màu tím và yêu con người có gì liên quan hay không.

Nếu đã không yêu nghề này, tại sao cô lại chọn nó. Không yêu nghề mà phải làm nghề, phải chịu đựng những khó khăn, khắc nghiệt, đòi hỏi của nghề, chẳng khác gì hành hạ bản thân. Mà một khi bản thân đã không thoải mái, thì làm sao có thể tốt với người khác được, nhất là khi đối tượng thụ hưởng từ nghề nghiệp của mình lại là thanh thiếu niên, lứa tuổi với tâm lý phức tạp, tính tình cũng ương ương.

Trong một bài nói chuyện trên diễn đàn TED, bà Rita Pierson, một nhà giáo dục người Mỹ, kể rằng đồng nghiệp của bà nói, nhiệm vụ của họ chỉ là dạy kiến thức cho học sinh, họ không được trả lương để thích lũ trẻ. Bà Pierson đáp rằng, lũ trẻ sẽ không học từ người mà chúng không thích; và tin rằng một năm học của người đồng nghiệp sẽ trở nên rất dài…

Bà Rita Pierson: Mọi đứa trẻ đều xứng đáng với một người ủng hộ,một người lớn sẽ không bao giờ từ bỏ chúng, người hiểu được sức mạnh của sự kết nối và khẳng định mạnh mẽ rằng đứa trẻ sẽ trở thành phiên bản tốt nhất chúng có thể

Quả vậy, tôi cảm thấy, việc dạy học, đặc biệt ở cấp phổ thông, trước hết cần tạo được mối đồng cảm giữa cô và trò. Một khi hai bên đã thấu hiểu và tôn trọng lẫn nhau thì việc dạy và học sẽ trở nên trôi chảy, dễ dàng. Ngược lại, sẽ là sự mệt mỏi cho cả hai bên.

Trở lại cuộc phỏng vấn của tôi, tôi đã thành thật trả lời rằng tôi vào sư phạm là sự lựa chọn của ba mẹ. Và may mắn thay, đó lại là một lựa chọn phù hợp nhất dành cho tôi. Hóa ra công việc này đem lại cho tôi nhiều niềm vui, mỗi khi tôi nhìn thấy được sự thay đổi ở học trò, dù ít hay nhiều.

Tôi làm nghề này, trước hết là vì chính tôi, chứ không vì ai khác.

Nguyên Kan (từ Pháp)

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/dachieu/nghi-van-nu-sinh-an-giang-tu-tu-goc-nhin-chuyen-gia-tu-phap-695939.html