Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia hỗ trợ trên 10.000 lượt doanh nghiệp

Chương trình xúc tiến thương mại cấp quốc gia đã hỗ trợ trên 10.000 lượt doanh nghiệp tham gia được hưởng lợi trực tiếp.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Hằng Trần/BNEWS/TTXVN

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Hằng Trần/BNEWS/TTXVN

Chiều ngày 31/12, tại Hà Nội, Cục Xúc tiến thương mại đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác xúc tiến thương mại năm 2019 và triển khai nhiệm vụ 2020.
Theo ông Hoàng Minh Chiến, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại – Bộ Công Thương, năm 2019, Cục Xúc tiến thương mại đã hoàn thiện khung pháp lý đối với Chương trình cấp quốc gia về Xúc tiến thương mại và chương trình Thương hiệu quốc gia, huy động được các nguồn lực của ngành, địa phương để hỗ trợ cho các doanh nghiệp, tổ chức triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại bài bản và chuyên nghiệp hơn, góp phần đưa kim ngạch xuất nhập khẩu cán mốc trên 500 tỷ USD.
Chương trình xúc tiến thương mại cấp quốc gia đã hỗ trợ trên 10.000 lượt doanh nghiệp tham gia được hưởng lợi trực tiếp (chưa tính các doanh nghiệp được hưởng lợi thông qua việc tiếp cận từ các phương tiện thông tin đại chúng).

Tổng giá trị hợp đồng và giao dịch trực tiếp tại các sự kiện xúc tiến thương mại xuất khẩu đạt trên 5 tỷ USD; doanh số bán hàng trực tiếp tại các Hội chợ vùng, phiên chợ đạt gần 200 tỷ đồng; thu hút hơn 1,5 triệu lượt khách tham quan (trong đó có gần 100.000 lượt khách giao dịch thương mại).
Về phát triển thị trường, hàng hóa của Việt Nam đã có mặt ở trên 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, bao gồm nhiều thị trường có quy chuẩn, chất lượng cao như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU, Hàn Quốc... Tính đến nay, đã có 31 thị trường đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD.
Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục xúc tiến thương mại cho biết, bên cạnh các hình thức xúc tiến thương mại truyền thống, Cục Xúc tiến đã triển khai hình thức xúc tiến thương mại mới – xúc tiến thương mại qua môi trường điện tử.

Cụ thể, Chương trình xúc tiến xuất khẩu thông qua thương mại điện tử Amazon bước đầu đã đạt được kết quả khả quan, các doanh nghiệp được kết nối với Amazon Global Selling – công ty thương mại điện tử khổng lồ, qua đó hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường bán lẻ trực tuyến toàn cầu.
Các hoạt động xúc tiến thương mại do Cục xúc tiến thương mại triển khai đã tạo ra sự lan tỏa trong hoạt động xúc tiến thương mại của Hiệp hội ngành hàng, các địa phương, nhất là nâng cao năng lực và tính chủ động của các cơ quan xúc tiến thương mại.
Các địa phương đã tích cực, chủ động triển khai xúc tiến thương mại sản phẩm địa phương tại các địa phương khác, đặc biệt tại các tỉnh, thành phố đông dân cư, nắm bắt đúng xu hướng tiêu dùng và phát triển thị trường cho sản phẩm đặc sản vùng miền, góp phần tạo kênh phân phối bền vững cho sản phẩm địa phương trên thị trường nội địa.
Tuy nhiên, trên thực tế còn có những hạn chế như: các đề án, chương trình quốc gia về xúc tiến thương mại đa phần có quy mô nhỏ, chưa có tính liên kết và chưa tổ chức được các chương trình quy mô cấp vùng.
Năng lực triển khai hoạt động xúc tiến xuất khẩu của doanh nghiệp, hiệp hội, Trung tâm Xúc tiến thương mại địa phương còn yếu, cơ cấu tổ chức bộ máy tại các Trung tâm Xúc tiến thương mại địa phương không ổn định và chưa đồng bộ giữa các địa phương, gây khó khăn và ảnh hưởng tới hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại.
Cùng với đó, nhiều doanh nghiệp chưa mạnh dạn đầu tư vào hoạt động xúc tiến thương mại; sự phối hợp triển khai các hoạt động liên quan đến phát triển thương hiệu còn gặp những "rào cản" từ các cơ quan, tổ chức, Hiệp hội, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các chương trình.
Năm 2020, Cục Xúc tiến thương mại tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại theo chuỗi giá trị từ phát triển sản phẩm đến xây dựng thương hiệu và thâm nhập thị trường; ưu tiên hoạt động xúc tiến xuất khẩu, khai thác những thị trường Việt Nam đã ký kết Hiệp định thương mại tự do; phân bổ nguồn lực xúc tiến xuất khẩu phù hợp để duy trì các thị trường truyền thống và khai thác các thị trường tiềm năng và các thị trường mà doanh nghiệp, Hiệp hội khó tiếp cận.
Đồng thời kết hợp, lồng ghép các nguồn lực hỗ trợ hoạt động xúc tiến thương mại từ Trung ương đến địa phương và các tổ chức quốc tế, Hiệp hội, doanh nghiệp nhằm tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại gắn với xây dựng và phát triển thương hiệu, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm xuất khẩu và tham gia vào những khâu có giá trị cao trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đánh giá cao những đóng góp của Cục Xúc tiến thương mại thời gian qua và cho rằng, hiện nay Việt Nam đang trong quá trình hội nhập với nhiều Hiệp định được ký kết. để đảm bảo kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng trong thời gian tới thì các chương trình xúc tiến thương mại cần được đổi mới.
Theo đó, Cục cần phối hợp tốt hơn nữa giữa các cơ quan, địa phương; liên kết, hỗ trợ các Trung tâm xúc tiến thương mại địa phương phát triển; tập thể lãnh đạo cũng như mỗi cán bộ công chức, viên chức Cục Xúc tiến thương mại phải tăng cường đổi mới, sáng tạo.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh hơn nữa vai trò của Văn phòng Xúc tiến thương mại tại nước ngoài. Đây là bộ phận có nhiệm vụ hết sức quan trọng đối với Bộ Công Thương, cầu nối cho các doanh nghiệp tìm kiếm đối tác.../.

Hằng Trần/TTXVN

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/chuong-trinh-xuc-tien-thuong-mai-quoc-gia-ho-tro-tren-10-000-luot-doanh-nghiep/143955.html